1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây sắp hoàn tất dự thảo thỏa thuận khung để bảo vệ Ukraine

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Mỹ, Đức, Pháp và Anh gần như đã hoàn thành dự thảo thỏa thuận khung với Kiev nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Phương Tây sắp hoàn tất dự thảo thỏa thuận khung để bảo vệ Ukraine - 1

Các nước phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine (Ảnh: Reuters).

Báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung (FAS) của Đức dẫn nguồn tin riêng cho biết bộ tứ Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Vương quốc Anh gần như đã hoàn thành dự thảo thỏa thuận khung nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Trong tương lai gần, các quốc gia thuộc G7 và EU nên tham gia vào cuộc thảo luận đa phương.

Các nước tham gia sẽ ký kết thỏa thuận với Kiev, trong đó nêu rõ cách thức của mỗi quốc gia có thể giúp đỡ Ukraine. Có quốc gia sẽ viện trợ vũ khí, có nước hỗ trợ tài chính, hoặc lựa chọn giúp đỡ huấn luyện binh lính hay mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Thỏa thuận được cho là sẽ trở thành một "cây cầu" trên con đường gia nhập NATO của Ukraine.

Đồng thời, Đức muốn đề xuất một "mô hình của Israel" để đảm bảo an ninh, nhưng phản đối việc đưa vào thỏa thuận này tính "ràng buộc pháp lý". Tại Berlin, một số quan chức thậm chí không nói về "sự đảm bảo" mà chỉ là "lời hứa" về an ninh.

Trước đó, New York Times dẫn lời trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết, chính quyền Washington đang xem xét cung cấp cho Kiev một bảo đảm an ninh theo "mô hình Israel" về hợp tác quân sự mà không cần quốc gia láng giềng của Nga này phải ngay lập tức gia nhập NATO hoặc thậm chí là không cần phải gia nhập khối liên minh quân sự này.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO đang thống nhất với nhau về một tầm nhìn củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Đây là mô hình an ninh mà các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden đánh giá là tương tự như những gì Israel hiện có và các điều khoản của thỏa thuận quốc phòng với Ukraine vẫn đảm bảo linh hoạt, chứ không hoàn toàn rập khuôn theo mô hình Israel.

Theo đó, Washington muốn cung cấp cho Kiev một mô hình hợp tác an ninh như đối với đồng minh thân thiết ở Trung Đông là Tel Avip, bao gồm "các cam kết dài hạn trong 10 năm về lĩnh vực an ninh" và sau đó sẽ tiếp tục được gia hạn hoặc đàm phán lại tùy theo tình hình.

Theo FAS, các cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kỳ vọng rằng những đảm bảo trên sẽ được cung cấp cho Kiev trước hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo vào tháng 4/2024.

Đồng thời, đối với Kiev, "mô hình Israel" chỉ là "kế hoạch B", mục tiêu vẫn là tư cách thành viên đầy đủ trong liên minh.

Cái gọi là kế hoạch Yermak-Rasmussen (được đặt theo tên của người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Andriy Yermak và cựu Tổng thư ký NATO giai đoạn 2009-2014, Anders Fogh Rasmussen) quy định rằng cho đến lúc đó, an ninh của Ukraine sẽ được đảm bảo thông qua một hệ thống bảo đảm đa phương từ các đồng minh phương Tây.

Không loại trừ khả năng, trong trường hợp Ukraine được công nhận là thành viên của liên minh, theo Điều 5 của Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, sẽ chỉ áp dụng đối với vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát để tránh xung đột vũ trang trực tiếp với Nga.

Trong khi đó, một nhóm các quốc gia do Vương quốc Anh dẫn đầu ủng hộ việc vạch ra kế hoạch gia nhập NATO cho Ukraine, thì các quốc gia như Đức, Hoa Kỳ và Hungary lại do dự và tiếp tục thảo luận về triển vọng liên quan. 

Theo www.faz.net
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine