1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sinh viên châu Á lao đao vì quy định trục xuất của chính quyền Trump

(Dân trí) - Các sinh viên nước ngoài, bao gồm Việt Nam, lo ngại nguy cơ bị trục xuất khi chương trình học trực tuyến tại các trường đi ngược lại với chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Sinh viên châu Á lao đao vì quy định trục xuất của chính quyền Trump - 1

Đại học Harvard tại Mỹ. (Ảnh: SCMP)

Sri, người đang theo học tại Đại học Pittsburgh và là một trong hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài tại các trường đại học Mỹ, lo sợ về tương lai sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ thu hồi thị thực của họ nếu các trường chỉ đào tạo theo hình thức trực tuyến.

“Đó là tình huống đằng nào cũng thiệt. Quy định mới buộc chúng tôi phải lựa chọn hoặc học trực tiếp trên lớp và chết vì Covid-19, hoặc trở về nhà”, Sri, một sinh viên từ Ấn Độ, cho biết thêm.

Cơ quan Hải quan và Di trú Mỹ (ICE) tuần này thông báo các sinh viên nước ngoài, những người theo học các khóa học trực tuyến 100% do dịch Covid-19, sẽ phải về nước. Quy định này ảnh hưởng tới những người đang có thị thực F-1 và M-1, loại thị thực dành cho các sinh viên học nghề hoặc học các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ. Các sinh viên sẽ phải rời khỏi Mỹ nếu trường của họ không tổ chức học trực tiếp trên lớp.

Theo SCMP, các sinh viên nước ngoài cảm thấy họ như một “quân bài” được chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng nhằm buộc các trường đại học và phổ thông phải mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 9. Việc các trường mở cửa trở lại có thể giúp ông Trump ghi điểm trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm nay.

Nhiều sinh viên lo ngại rằng họ không đủ tài chính để chi trả cho việc điều trị tại Mỹ nếu nhiễm bệnh. Họ cũng lo sợ rằng sự bùng phát trở lại của làn sóng lây nhiễm vào cuối năm nay sẽ buộc nhiều trường phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, đồng nghĩa với việc các sinh viên nước ngoài phải rời khỏi Mỹ.

Tuy nhiên, việc về nước giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu cũng không phải vấn đề đơn giản, chưa kể tốn không ít chi phí.

“Hệ thống đang rối tung lên và các sinh viên quốc tế lẽ ra không phải giải quyết vấn đề này. Không có đủ chuyến bay hồi hương, ngoài ra vé và chi phí cách ly cũng rất đắt. Không phải ai cũng có tiền để chi trả”, Sri cho biết.

“Đại dịch vẫn chưa qua đi và đang lên đến đỉnh điểm, thông báo của ICE đã đẩy các sinh viên vào tình thế hoảng loạn. Điều đó cũng không tốt cho sức khỏe tinh thần của họ”, Sri cho biết thêm.

Sinh viên châu Á lao đao vì quy định trục xuất của chính quyền Trump - 2

Sinh viên Trung Quốc dự lễ tốt nghiệp tại Đại học Columbia, Mỹ (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Các sinh viên quốc tế chiếm khoảng 5,5% trong tổng số sinh viên đại học tại Mỹ trong năm học 2018-2019, tương đương khoảng 1,1 triệu người. Trong đó, khoảng 750.000 sinh viên từ các nước châu Á, chiếm khoảng 68% trong tổng số sinh viên nước ngoài tại Mỹ.

Trung Quốc là nước chiếm phần đông nhất trong số sinh viên nước ngoài tại Mỹ. Số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ trong năm học 2018-2019 là 369.548 người, kế tiếp là Ấn Độ với 202.014 người. Trong số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng sinh viên theo học tại Mỹ đông nhất trong năm học 2018-2019, 12 nơi thuộc châu Á, trong đó Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan và Nhật Bản đều nằm trong top 10.

Minh Nguyen, một sinh viên Việt Nam, cho biết anh chưa bao giờ lo lắng về việc bị trục xuất cho tới khi nghe thấy thông báo mới nhất của ICE.

“Trường tôi thông báo sẽ chọn phương án học kết hợp, cho phép sinh viên vừa học trực tiếp trên lớp, vừa học một số lớp trực tuyến. Tuy nhiên, bằng việc buộc học sinh từ khắp nơi trên nước Mỹ, thậm chí từ khắp nơi trên thế giới quay trở lại trường học, chính quyền Mỹ đã đặt sức khỏe của sinh viên và các thành viên trong khoa trước nguy cơ rủi ro, nhất là khi Mỹ vẫn đang chìm sâu trong đại dịch”, Nguyen, sinh viên trường Cao đẳng Wooster ở bang Ohio, cho biết.

Nhắm tới người nhập cư?

Không chỉ các sinh viên lo ngại về quy định mới của chính quyền Trump. Các trường đại học cũng lo ngại rằng chính sách nhập cư mới của ông Trump sẽ khiến các cơ sở đào tạo tại Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn và các sinh viên quốc tế sẽ lựa chọn các trường có chi phí thấp hơn tại châu Âu.

Nhiều trường tại Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn thu từ các sinh viên quốc tế, những người thường trả học phí cao hơn. Dẫn dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho biết các sinh viên quốc tế đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2018, tăng 5,5% so với năm trước đó.

“Những quyết định này có nguy cơ gây tổn thất cho một trong những tài sản mạnh nhất của nước Mỹ, đó là hệ thống giáo dục quốc tế tốt nhất thế giới”, Reichlin-Melnick tại Hội đồng Nhập cư Mỹ nhận định.

Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts ngày 8/7 đã đệ đơn kiện, yêu cầu tòa án thu hồi quyết định mà Chủ tịch Đại học Harvard Lawrence Bacow cho là đẩy giáo dục đại học Mỹ vào “khủng hoảng”. Chủ tịch Đại học New York Andrew Hamilton ngày 7/7 gọi quyết định của ICE là “sai lầm” và “cứng nhắc”.

Theo AFP, bang California đã đệ đơn kiện sau khi ICE ra quy định về việc có thể trục xuất các sinh viên nước ngoài. Thông báo của bang này nêu rõ chính sách “bất hợp pháp” của chính quyền Trump đã làm trầm trọng thêm sự lây lan của Covid-19 và gây khó khăn cho hàng trăm nghìn du học sinh tại Mỹ.

Khoảng 84% trường đại học đang lên kế hoạch cung cấp cả chương trình học trực tuyến và trực tiếp nhằm “cứu” sinh viên trước nguy cơ bị trục xuất. Tại một số nơi, các giáo sư cũng tình nguyện giúp đỡ sinh viên bằng cách mở các lớp học trực tiếp độc lập dành cho những sinh viên cần ở lại Mỹ một cách hợp pháp.

“Bằng việc cản trở các sinh viên nước ngoài, chính quyền Trump một lần nữa nhắm mục tiêu tới người nhập cư châu Á. Chính sách này cùng những tuyên bố chống châu Á của Tổng thống Trump không chỉ ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ trên thế giới, mà còn ảnh hưởng tới việc tiếp nhận những người nhập cư châu Á tại Mỹ”, nhà sử học Beth Lew-Williams nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP, AFP