1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu ngầm Nga bất ngờ rời cảng Crimea

Minh Phương

(Dân trí) - Hạm đội Biển Đen của Nga dường như đã di dời một số tàu ngầm khỏi cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea về cảng ở miền Nam nước này, quân đội Anh cho biết.

Tàu ngầm Nga bất ngờ rời cảng Crimea - 1

Nga được cho là đã di dời một số tàu ngầm khỏi cảng ở Crimea (Ảnh: AFP).

Trong báo cáo tình báo ngày 20/9, Bộ Quốc phòng Anh cho hay, Nga đã di chuyển một số tàu ngầm khỏi cảng Sevastopol ở Crimea về cảng Novorossiysk ở Krasnodor Krai, miền Nam nước này.

Việc tái bố trí trên được cho là do những thay đổi gần đây liên quan đến mức độ an ninh ở Crimea trong bối cảnh Ukraine có sự cải thiện về năng lực tấn công tầm xa và bắt đầu phản công.

"Trong vòng 2 tháng qua, các trụ sở của Hạm đội (Biển Đen) và sân bay chính của lực lượng này đã bị tấn công", Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Trong khi đó, trang tin Ukrainsk Pravda dẫn thông tin từ Cục tác chiến miền Nam Ukraine nói rằng, Nga vừa tăng cường hiện diện của hạm đội tại Biển Đen lên 10 tàu quân sự. "Trong đó, 3 tàu hộ vệ được trang bị 24 tên lửa hành trình Kalibr và 3 tàu đổ bộ đang trực sẵn ở Biển Đen", Cục tác chiến miền Nam Ukraine viết trên trang Facebook chính thức.

Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Khu vực này cách chiến tuyến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay tới hàng trăm km. Tuy nhiên, tháng trước các kho đạn dược, sân bay của Nga ở Crimea liên tiếp nổ bí ẩn. Moscow cho rằng, đó là "hành động phá hoại" nhưng không nêu đích danh bên chịu trách nhiệm. Giới chức Ukraine mới đây xác nhận đứng sau các vụ tập kích nhằm vào mục tiêu quân sự của Nga ở Crimea.

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi hôm 8/9 nói, Ukraine đã dùng tên lửa và rocket để tấn công. Điều đáng nói là từ trước đến nay Ukraine được cho là không sở hữu hỏa lực có tầm xa như vậy.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa hơn để giúp đẩy lùi đà tiến công của Nga. Tuy vậy, đến nay, Mỹ và các đồng minh đều vẫn từ chối đề nghị này của Kiev do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga. Vũ khí đáng chú ý nhất mà Kiev hiện có được cho là pháo phản lực phóng loạt trong đó có HIMARS do Mỹ viện trợ.

HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.

Khi cung cấp pháo này cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Kiev cam kết không dùng để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Trong khi, Ukraine nói rằng sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có cả Crimea, Nga tuyên bố bán đảo này là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nga và "không thể thương lượng". Moscow cũng cảnh báo, nếu Mỹ cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, đó sẽ bị coi là "vượt lằn ranh đỏ", buộc Nga phải đáp trả phù hợp.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine