1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thực tế và những thách thức mới tại Davos

(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos lần 41 diễn ra từ ngày 26-30/1 với chủ đề “Các tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới”. Hơn 2.500 đại biểu từ khắp nơi trên hành tinh đã tập trung thảo luận thực tế mới và phác họa ra một số những luật chơi chung.

 
 
Thực tế và những thách thức mới tại Davos - 1

 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos lần 41 diễn ra từ ngày 26-30/1
 
Khai mạc - Hội nghị kinh tế bị đề tài khủng bố, nổi dậy chi phối
 
Trong số 2.500 quan khách, có hơn 30 lãnh đạo quốc gia tham dự diễn đàn lần thứ 41. Câu hỏi then chốt mà giới lãnh đạo kinh tế thế giới tìm cách giải đáp trong cuộc họp kéo dài 5 ngày là làm thế nào để tránh một cuộc khủng hoảng mới.
 
Phiên khai mạc hội nghị tưởng chừng như bị ảnh hưởng của vụ khủng bố thảm khốc ở sân bay Domededovo khiến Tổng thống Nga Medvedev ban đầu dự định hoãn đến Davos, nhưng cuối cùng, ông cũng đã có mặt để đọc diễn văn khai mạc và phát biểu đầu tiên là về chủ nghĩa khủng bố. Tuy vậy, vụ khủng bố ở sân bay Domodedovo đã gạt những vấn đề kinh tế xuống hàng thứ hai.
 
Đề tài quy định cho cuộc họp năm 2011 là “Chia sẻ những chuẩn mực cho thực tế mới”. Câu hỏi là giới doanh nhân và lãnh đạo hành tinh có sẵn sàng cùng nhau làm việc theo cùng một hướng, sao cho những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng năm 2008 không tái diễn. Đây là câu hỏi mà những người tổ chức diễn đàn Davos nêu lên với khách mời của họ.
 
Bên cạnh đó, tất cả những chủ đề nằm trong chương trình nghị sự của G20 nằm trong lịch trình làm việc của Davos như nguy cơ chiến tranh tiền tệ, việc quản lý tài nguyên thiên nhiên cùng cái giá của nó và dĩ nhiên là căng thẳng mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ.
 
Ngoài ra, còn có vai trò và trọng lượng các quốc gia đang vươn lên và vấn đề xã hội với hệ quả của nó như điều đang được chứng tỏ ở Tunisia hay Ai Cập. Các cuộc nổi dậy gần đây ở Algeria, Ai Cập hay Tunisia càng cho thấy là một nền kinh tế bị "sa lầy", cộng thêm với hiện tượng vật giá leo thang, và tham nhũng có thể trở thành những "quả bom xăng vô cùng lợi hại". Chính vì vậy mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đặc biệt quan tâm đến những đề tài này.
 
Thảo luận - Hiện thực thuộc về các nước đang phát triển
 
Lần đầu tiên trong lịch sử của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, các nước công nghiệp phát triển không còn độc quyền kiểm soát vận mệnh kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng 2008 -2009 cho thấy trọng tâm kinh tế toàn cầu đang chuyển dần đến các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong lúc khối này đang vươn lên, thì các nước công nghiệp phát triển lại phải lo giải quyết những vấn đề cấp bách như là thất nghiệp, ngân sách bội chi và thâm hụt cán cân thương mại.
 
Nhìn tổng thể, các phái đoàn tham dự dường như được chia ra làm hai nhóm: một bên là các nước công nghiệp phát triển vẫn chưa tìm ra lối thoát sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và bên kia là các nước đang trỗi dậy ngày càng chiếm vị trí quan trong hơn trên bàn cờ kinh tế thế giới.
 
Thế giới đang theo dõi thực tế mới - sự chuyển giao quyền lực từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam với một tốc độ đổi mới công nghệ cực kỳ nhanh. Giới phân tích chiến lược cho rằng những thay đổi mà thực tế mới này đang đem lại còn quan trọng hơn cả so với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
 
Bà Chandar Kochlar, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn ngân hàng Ấn Độ ICICI, đồng chủ tịch diễn đàn Davos, so sánh những lợi thế của nước đông dân thứ nhì trên hành tinh này với sự co cụm lại của các nền kinh tế phát triển: “Các nước công nghiệp phát triển đang trong giai đoạn khó khăn. Trong khi đó trọng lượng kinh tế của các quốc gia đang trỗi dậy ngày càng lớn, với những tỷ lệ tăng trưởng khá ngoạn mục. Do vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của diễn đàn Davos năm nay là phác họa ra một số những luật chơi chung, phù hợp với toàn cảnh kinh tế mới của thế giới ngày hôm nay”.
 
Bế mạc - ám ảnh với vấn đề an ninh lương thực

Hôm qua, 30/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos đã bế mạc trong bối cảnh những người tham dự Diễn đàn cảm thấy bất lực trước những vấn đề quan trọng trên thế giới, đặc biệt là hồ sơ an ninh lương thực. Cách đây hai năm, nạn đói, thiếu lương thực đã gây ra những vụ bạo loạn tại nhiều quốc gia. Do vậy, nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực tái diễn là chủ đề của những cuộc tranh luận sôi nổi tại Diễn đàn năm nay.

Hôm 27/1, tại Davos, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhắc lại rằng an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhóm G20 mà Pháp làm chủ tịch trong năm nay. Vào lúc giá lương thực tăng vọt, lên tới mức có thể so sánh được với tình hình của năm 2008, quyết định nói trên của Paris đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.
 
Đây cũng là nội dung chính bài phát biểu tại Davos của ông Yudhoyono. Lãnh đạo Indonesia, nước Đông Nam Á duy nhất là thành viên G20, cảnh báo nguy cơ xẩy ra bùng nổ xã hội do nạn đói và cuộc chiến tranh hoặc xung đột kinh tế trong tương lai có thể sẽ xẩy ra do nạn khan hiếm các nguồn cung ứng nếu cộng đồng quốc tế không cùng nhau quản lý tốt.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, những cuộc biểu tình, bạo loạn năm 2008 dường như là dấu hiệu đầu tiên của một vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng trước việc bùng nổ dân số thế giới. Theo phân tích của giới chuyên gia, ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng khí hậu trên Trái Đất đối với sản xuất nông nghiệp, trong khi dân số trên thế giới tăng, sẽ lên tới 7,8 tỷ người vào năm 2020. Sự kết hợp của những yếu tố này có thể làm cho 3/4 sản lượng lương thực toàn thế giới bị tác động và gây ra nạn khan hiếm.
 
Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Pháp Christine Lagarde nhấn mạnh, các cuộc khủng hoảng khan hiếm lượng thực sẽ làm nẩy sinh rất nhiều vấn đề không phải chỉ đối với các nền kinh tế đang phát triển mà đối với tất cả các quốc gia. Do vậy, Pháp đang xem xét khả năng thực hiện một cơ chế ngăn cản việc đơn phương cấm xuất khẩu các sản phẩm nhậy cảm. Mỹ và Ngân hàng Thế giới thiên về hướng mở rộng khả năng cung ứng qua việc hỗ trợ nông nghiệp phát triển, ngăn chặn được giá cả leo thang.
 
Nguyễn Viết
Tổng hợp