1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao xe tăng Leopard chưa giúp Ukraine thay đổi cục diện phản công?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân xe tăng Leopard do Đức sản xuất mà phương Tây viện trợ cho Ukraine chưa giúp Kiev đạt được thành tựu như kỳ vọng trong cuộc phản công.

Vì sao xe tăng Leopard chưa giúp Ukraine thay đổi cục diện phản công? - 1

Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley và xe tăng Leopard 2 của Ukraine bị phá hủy (Ảnh: The Drive).

Chuyên gia Earl Rasmussen, trung tá lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định màn trình diễn chưa hiệu quả của xe tăng Leopard trên tiền tuyến có thể làm ảnh hưởng tới danh tiếng của nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall.

Trước khi Leopard được chuyển cho Ukraine, phương Tây kỳ vọng xe tăng này có thể giúp "thay đổi cuộc chơi", nhưng theo ông Rasmussen, điều này dường như chưa xảy ra.

Theo truyền thông Mỹ, dựa theo dữ liệu của Ukraine, Kiev đã nhận được 71 xe tăng Leopard 2 mà phương Tây cam kết. Trong số đó, 5 chiếc đã bị phá hủy hoàn toàn và ít nhất 10 chiếc khác bị hư hỏng nặng cần phải được đưa tới cơ sở sửa chữa ở Ba Lan và Đức.

Ukraine được phương Tây hứa hẹn sẽ cung cấp 104 chiếc Leopard 2 với nhiều biến thể khác nhau, phần lớn trong số đó là phiên bản cũ với cấu tạo tháp pháo kém uy lực hơn so với các mẫu đời mới.

Hiện chưa rõ bao nhiêu xe tăng Leopard 2 đã tham gia vào cuộc phản công từ tháng 6 tới nay, nhưng ông Rasmussen nhận định các vũ khí này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

"Tôi không nghĩ rằng hầu hết các hệ thống của NATO đã được chuẩn bị cho quy mô chiến sự mà chúng ta đang trải qua. Số lượng lớn đạn pháo và các cuộc đối đầu bằng xe tăng, cũng như các cuộc chạm trán trên chiến trường không giống như ở Afghanistan, Libya, Iraq và Syria", ông cho hay.

Theo ông, nếu xét toàn bộ mọi yếu tố của cuộc chiến lần này, không thể có một hệ thống vũ khí đơn lẻ nào có thể có tác động quyết định tới cục diện chiến sự.

Ông Rasmussen nhận định, trong các cuộc xung đột trước đây ở Trung Đông, xe tăng Leopard chưa từng phải đối mặt với điều kiện tác chiến như ở Ukraine. Leopard lần đầu trình làng vào năm 1970 và kể từ đó tới nay, hoạt động tác chiến đã có những sự thay đổi đáng kể.

"Điều kiện tác chiến đã thay đổi, đạn dược cũng đã thay đổi và Leopard cần phải có những thay đổi quy mô lớn. Dựa vào những năng lực quân sự mà Nga sở hữu, tôi không chắc Leopard có thể được xem là vũ khí thay đổi cuộc chơi", ông nhấn mạnh.

Theo ông, khi tham chiến ở Ukraine, Leopard đã xuất hiện các vấn đề như không đủ lớp thiết giáp, súng hoạt động chưa hiệu quả, khả năng cơ động chưa đủ cao. 

Trong những tuần đầu tiên của cuộc phản công, Ukraine đã triển khai các vũ khí, khí tài do phương Tây sản xuất tìm cách xuyên phòng tuyến của Nga. Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng.

Ngoài nguyên nhân khách quan là phòng tuyến kiên cố của Nga, một lý do chủ quan mà giới quan sát chỉ ra rằng là binh sĩ Ukraine đang không được huấn luyện đầy đủ để sử dụng vũ khí phương Tây nhằm đối phó Nga.

Nói một cách dễ hiểu hơn là binh sĩ Ukraine đang chỉ có vài tuần để tìm hiểu về loại vũ khí hoàn toàn mới được chế tạo theo chuẩn NATO, trong khi họ phải cần vài tháng để có thể sử dụng chúng thành thạo trước mọi tình huống trên chiến trường.

Ukraine đã được cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép Bradley tiên tiến của Mỹ, thiết giáp chở quân và xe tăng Leopard của Đức. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện quân nhân Ukraine sử dụng các vũ khí này khá ngắn, vào khoảng 8 tuần.

Các chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian này là chưa đủ để Ukraine có thể "lột xác" thành những đơn vị cơ giới chiến đấu quy mô lớn theo chuẩn phương Tây. Ví dụ, lực lượng Mỹ phải cần tới vài tháng, thậm chí vài năm huấn luyện để làm chủ được khí tài.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine