DNews

Chuyên gia: "Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup"

Trọng Vũ

(Dân trí) - HLV Trần Công Minh cho rằng để ổn định thành tích cho đội tuyển quốc gia, điều quan trọng nhất vẫn là phát triển hệ thống đào tạo trẻ, trong đó có bóng đá học đường. Đây là nguồn nhân tài vô tận.

Chuyên gia: "Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup"

Bản thân ông Trần Công Minh cũng là một cầu thủ xuất thân từ bóng đá học đường. Năm xưa, ông Trần Công Minh đang học năm thứ 2 Cao đẳng Sư phạm (Khoa Giáo dục thể chất) Đồng Tháp thì ông chuyển sang thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. Ông Minh từng nói rằng suýt chút nữa ông đã trở thành một nhà giáo, nếu không có ngã rẽ bất ngờ vừa nêu.

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 1

HLV Trần Công Minh (giữa) và các cầu thủ Phan Thanh Bình (phải), Trần Duy Quang (trái), những người xuất thân từ bóng đá học đường, từ phong trào Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đồng Tháp qua các thời kỳ (Ảnh: Hồ Nguyễn Hoàng Hùng).

Vì thế, HLV Trần Công Minh hiểu rõ vai trò của bóng đá học đường. Nếu chúng ta thành công trong việc đưa chương trình đào tạo vận động viên thể thao nói chung, đào tạo cầu thủ bóng đá nói riêng vào học đường, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn nhân lực gần như không bao giờ cạn kiệt cho bóng đá Việt Nam.

HLV Trần Công Minh, cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam thời "thế hệ vàng" của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng, Hữu Đang, trao đổi với phóng viên Dân trí.

Bóng đá Việt Nam đang trải qua nốt trầm

 Ông đánh giá thế nào về chuyện HLV Philippe Troussier phải chia tay bóng đá Việt Nam?

- Đấy là một nốt trầm buồn cho bóng đá nội. Nhưng theo tôi, nền bóng đá nào cũng phải trải qua những thời điểm thăng trầm khác nhau, chứ việc này không chỉ xảy ra với riêng bóng đá Việt Nam.

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 2

Bóng đá Việt Nam trải qua nốt trầm buồn và buộc phải chia tay HLV Troussier (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Ở những trận đấu gần nhất của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup, tôi nhận thấy tâm lý của cầu thủ Việt Nam dao động, họ mất niềm tin, nên thi đấu không tốt. Chứ về con người, cho đến thời điểm này, theo tôi đội tuyển Việt Nam vẫn sở hữu những nhân sự rất tốt.

HLV Troussier không thể giúp các cầu thủ phát huy hết, không sắp xếp các vị trí cho phù hợp. Ví dụ như một HLV không thể lẫn lộn đâu là sân chơi dành để bồi dưỡng cầu thủ trẻ và đâu là sân chơi cần đến các cầu thủ giàu kinh nghiệm, giàu năng lực và bản lĩnh. Không làm được việc đó, chuyện HLV Troussier phải chia tay đội tuyển Việt Nam khó tránh khỏi.

Chia tay HLV cũ, đội tuyển Việt Nam dĩ nhiên cần tìm kiếm HLV mới, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau trong dư luận, một bên nghiêng về HLV nội, bên khác hiến kế nên chọn HLV ngoại. Theo tôi, các HLV nội giàu bản lĩnh, năng lực chuyên môn giỏi. Tuy nhiên, hiện giờ vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để HLV nội dẫn dắt đội tuyển quốc gia.

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 3

HLV ngoại như Popov phù hợp với đội tuyển Việt Nam ở thời điểm hiện tại (Ảnh: Mạnh Quân).

Nguyên nhân là ở chỗ HLV nội dễ bị mang tiếng thiên vị, dễ bị mang tiếng chịu sự tác động của giới bóng đá trong nước xung quanh các quyết định lựa chọn nhân sự. Có thể họ cũng không có ý thiên vị đâu, họ không hề thiên vị ai, nhưng người ngoài vẫn cứ nhìn vào rồi áp đặt suy nghĩ đấy cho họ.

Ở thời điểm này, HLV ngoại vẫn thích hợp hơn so với HLV nội, để dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Và nếu chọn HLV ngoại, tôi thiên về ý tưởng chọn các HLV ngoại đang làm việc ngay tại Việt Nam. Những người này có lợi thế là họ nắm được nhiều thông tin về bóng đá Việt Nam, hiểu văn hóa và hiểu cầu thủ Việt Nam.

Trên tinh thần đó, các HLV Kiatisuk (người Thái Lan, đang dẫn dắt CLB Công an Hà Nội) và Velizar Popov (Bulgaria, đang dẫn dắt đội Thanh Hóa) rất thích hợp để nắm đội tuyển Việt Nam. Tôi nghe nói cựu HLV đội tuyển Thái Lan Mano Polking cũng ứng cử, ông ấy cũng hiểu bóng đá Việt Nam, nhưng không sâu sát bằng các HLV Kiatisuk và Popov.

Phát triển nguồn nhân lực

Còn về mục tiêu, chỉ tiêu cho HLV mới của đội tuyển Việt Nam sẽ là gì, thưa ông?

- Chắc chắn không thể bỏ qua cuộc đua đến ngôi vô địch AFF Cup. Nhưng AFF Cup chỉ là mục tiêu ngắn hạn trong năm nay. Còn về mục tiêu dài hạn, chúng ta vẫn phải nhắm đến đấu trường World Cup 2030.

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 4

Điều quan trọng nhất để ổn định thành tích của đội tuyển quốc gia vẫn là phát triển nguồn nhân lực (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tôi biết rằng mục tiêu World Cup là mục tiêu rất khó, không chỉ với bóng đá Việt Nam, mà còn đối với toàn bộ Đông Nam Á, nhưng chúng ta không thể bỏ qua mục tiêu này. Thứ nhất, đặt mục tiêu như thế là để bước qua vùng an toàn của chính chúng ta. Thứ nhì là để phát huy hết mọi tiềm năng của toàn bộ nền bóng đá.

Thứ ba, đặt mục tiêu World Cup để thể hiện bóng đá Việt Nam luôn muốn tiến về phía trước, không dừng lại và quanh quẩn trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta không thể không có mục tiêu này, nếu như không muốn đội tuyển Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt.

Vậy thì để thực hiện các mục tiêu như ông vừa nói, nhất là mục tiêu World Cup, bóng đá Việt Nam cần giải quyết những khâu nào?

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 5

Tiềm năng của bóng đá Việt Nam vẫn chưa được khai phá hết (Ảnh: Tiến Tuấn).

- Phát triển hệ thống nhân lực. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Tôi biết đây là việc khó, rất tốn kém, cần sự chung tay từ nhiều phía, nhưng để có nguồn cầu thủ tốt, ổn định, bóng đá Việt Nam cần thực hiện tốt khâu đào tạo trẻ và phát triển hệ thống giải trong nước.

Nguồn cầu thủ ổn định, chất lượng các cầu thủ thông qua đào tạo ổn định, thì thành tích của đội tuyển quốc gia mới ổn định.

Tiềm năng cực lớn của bóng đá học đường chưa được khai phá

Đâu là hướng đi cho việc phát triển khâu đào tạo trẻ, thưa ông?

- Bản thân tôi đánh giá cao các học viện bóng đá trẻ của LPBank HAGL, PVF, hay Thể Công Viettel. Những học viện này cho ra đời nhiều cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây. Những học viện nói trên giúp thay đổi bộ mặt bóng đá trẻ Việt Nam.

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 6

Phan Tuấn Tài (12) là cầu thủ xuất thân từ học viện bóng đá Thể Công Viettel (Ảnh: Tiến Tuấn).

Những mô hình học viện như thế cần được nhân rộng hơn nữa. Phía trên là những học viện bóng đá được tổ chức bài bản, phía dưới sẽ là bóng đá học đường, bóng đá cộng động. Bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng sẽ là hệ thống chân rết cho các học viện bóng đá.

Việc phát triển bóng đá học đường sẽ giúp giải quyết rất nhiều điều trong công tác đào tạo trẻ. Ví dụ như các ông bầu, các ông chủ học viện bóng đá trẻ thường mở học viện ở các đô thị lớn, để dễ thu hút cầu thủ.

Ngược lại, cũng chỉ có các đô thị lớn mới xuất hiện nhiều các ông bầu tầm cỡ như thế, đủ sức và đủ năng lực tài chính tạo ra các học viện bóng đá quy mô.

Còn ở các tỉnh nhỏ hơn, các địa phương nhỏ hơn, sẽ phát triển mô hình bóng đá học đường. So với các thành phố lớn, so với đô thị trung tâm, quỹ đất dành cho sân chơi, sân thi đấu thể thao ở các trường học tại các tỉnh lại nhiều hơn, phù hợp với việc hình thành chân rết bóng đá học đường.

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 7

Công Phượng là cầu thủ được đào tạo tốt cả về năng khiếu bóng đá lẫn văn hóa, giúp phụ huynh yên tâm (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Bóng đá học đường là mô hình và là định hướng của nhiều nền bóng đá gần với bóng đá Việt Nam, phải chăng nhờ thế mà các nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan ổn định về mặt thành tích?

- Thể thao học đường nói chung và bóng đá học đường nói riêng phát triển rất mạnh tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Rất nhiều tài năng của họ xuất thân từ bóng đá học đường.

Với Thái Lan, quốc gia này cũng áp dụng mô hình tương tự. Mấy lần sang Thái Lan thi đấu và theo đội tuyển trong công tác huấn luyện, tôi quan sát thấy thể thao học đường của họ rất được chú trọng.

Hầu như trường học nào ở Thái Lan mà tôi được nhìn thấy cũng có sân chơi thể thao, dù chưa hoành tráng và phát triển vượt bậc như tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyên gia: Phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam tiếp tục mục tiêu World Cup - 8

"Zico Thái" Kiatisuk có đến 12 năm đá bóng ở học đường trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp (Ảnh: Mạnh Quân).

Còn về mặt tâm lý của phụ huynh, khi phụ huynh gửi con vào học đường, họ cảm giác an toàn hơn so với các môi trường khác, cả về việc đào tạo văn hóa, nhân cách, lẫn định hướng nghề nghiệp

Nếu cầu thủ được đào tạo cả về kiến thức văn hóa lẫn năng khiếu bóng đá, được đào tạo song song, đến khoảng cuối giai đoạn THPT hoặc đầu Đại học, những thanh niên, những cầu thủ năng khiếu có hai ngã rẽ riêng biệt: Đến lúc đó nếu đá bóng giỏi, sẽ chuyển hẳn sang thi đấu chuyên nghiệp, còn nếu đá bóng chỉ ở mức bình thường, sẽ học tiếp và làm nghề khác.

Đấy cũng là lý do mà các học viện bóng đá LPBank HAGL, Thể Công Viettel hay PVF thành công. Họ đào tạo song song năng khiếu bóng đá và việc học văn hóa, nhờ thế mà họ thuyết phục được nhiều phụ huynh cho phép con mình tham gia các học viện bóng đá ấy. Cách làm này vừa có thể giúp phát hiện tài năng bóng đá, vừa không lãng phí con người. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!