1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Bàn về "Những sự kiện nổi bật của BĐ VN 2005" do VFF bình chọn:

Lăng kính màu hồng hay lời biện bạch cuối năm?

(Dân trí) - BĐ VN đã có một năm đại thành công và đáng tuyên dương, đó là ấn tượng mà người ta nhận được nếu đọc “Những sự kiện nổi bật của BĐ VN 2005” được đăng trên website của LĐBĐVN (VFF). Phải chăng căn bệnh thành tích vẫn chưa chịu buông VFF?

Chiều ngày 31/12/2005, website chính thức của LĐBĐVN đã bình chọn một số sự kiện nổi bật của bóng đá nước nhà trong năm 2005.

 

Điều này sẽ không có gì lạ lẫm nếu như nhiều trong số những sự kiện được cho là nổi bật này không được tô hồng và vô tình bị biến thành một bản báo cáo thành tích cuối năm của VFF. Không hiểu VFF đang bình chọn dựa trên tiêu chí nào?

 

Và những sự vụ rối ren, hàng loạt bê bối vốn đã làm lu mờ hình ảnh bóng đá VN nói chung và uy tín của VFF nói riêng được giấu đi đâu?

 

Sự kiện đầu tiên được bình chọn chính là Đại hội LĐBĐ VN khóa V, với sự có mặt của các đại biểu đến từ khắp các địa phương, các CLB đủ các Hạng cao thấp, và một phần không nhỏ đóng góp cho sự thành công của ĐH còn có đại diện của ban Tư tưởng văn hoá TW, bộ Công an, UBTDTT, Bộ giáo dục đào tạo, TW đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện các doanh nghiệp v.v…

 

Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Trí tuệ - Trách nhiệm”, ĐH đã quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu: “Tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hoá, chuyên nghiệp hoá bóng đá Việt Nam, nâng cao trình độ bóng đá nước nhà, đáp ứng sự mong đợi của toàn xã hội”.

 

ĐH cũng đã bầu ra được các chức danh chủ chốt cho LĐ nhiệm kỳ V: Đó là Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn, các Phó chủ tịch Lê Thế Thọ, Vũ Quang Vinh, Lê Hùng Dũng.

 

Một ĐH quy mô hoành tráng là vậy, với những khẩu hiệu to tát là vậy, nhưng những gì mà VFF làm được để cụ thể hoá các mục tiêu, phương hướng này là gì?

 

Đổi mới? Xin thưa người hâm mộ chưa cảm nhận thấy sức nặng của hai từ này trong năm vừa qua.

 

Dân chủ? Trên lý thuyết đúng là như vậy, nhưng trên thực tế, VFF năm qua được ví như một chiến trường, nơi mà vị này nhân cơ hội buộc tội vị nọ, xỉa xói vị kia.

 

Trí tuệ? Cách quản lý và giáo dục không hiểu trí tuệ đến mức nào mà để cuối năm hết lượt trọng tài, HLV, GĐĐH CLB và hàng loạt cầu thủ kéo nhau vào nhà đá vì những việc làm không minh bạch.

 

Trách nhiệm? Nếu thế thì ông Thọ đã không bỏ ghế mà đi khi SEA Games 23 kết thúc, ông Dũng cũng đã không phải thanh minh mỏi mồm về chuyện tiền nong khen thưởng, và cũng chưa chắc vụ bán độ lại lên đến mức trầm trọng như hiện nay.

 

Nếu nói rằng bóng đá VN được “chuyên nghiệp hoá” e rằng cũng hơi quá lạc quan. Giải chuyên nghiệp đã có 5 năm tuổi, ấy vậy mà vẫn chưa thấy những thay đổi chuyên nghiệp trong cơ chế bóng đá nước nhà.

 

Còn “xã hội hoá”, công tác đào tạo cầu thủ trẻ và sự quan tâm đến BĐ phong trào đã được quan tâm đến mức nào? Thật tiếc là chưa thấy “xã hội hoá” mà chỉ thấy nền bóng đá nước nhà đang bị “xã hội đen” hoá mà thôi.

 

Nói chừng đó thôi thì cũng đã quá đủ để thấy năm 2005, ĐH này đã đưa bóng đá VN “đáp ứng sự mong đợi của toàn xã hội” đến đâu rồi.

 

Lăng kính màu hồng hay lời biện bạch cuối năm? - 1
 

HCB trong tiêu cực của U23 VN vẫn làm VFF "hả hê"?

 

Một sự kiện nữa được cho là nổi bật đó là việc U23 VN giành HCB tại SEA Games 23. Để minh chứng cho sự chuẩn bị rất tốt của đội bóng, hàng loạt “kỳ tích” đã được dẫn ra.

 

Đầu tiên là chiếc Cup vô địch LG Cup sau những chiến thắng được cho là “hoàn hảo” trước U23 Bulgaria hay SV Hàn Quốc và trận hoà không bàn thắng với U21 Syria.

 

Kế sau đó là một giải đấu được xem là “làm ngây ngất khán giả nhà” tại Agribank Cup với chiến thắng 2-1 trước U23 Thái Lan, đội bóng mà sau đó đã đánh bại U23 VN tại SEA Games 23 với 3 bàn không gỡ, lúc đó, người ta gọi U23 Thái Lan là đối thủ “vượt trội”.

 

Nực cười hơn, VFF còn kể ra đây hai trận thắng “xuất sắc” của U23 VN trước đối thủ Myanmar (chỉ cần thắng 1 bàn?) và Malaysia ở bán kết (trận đấu mà bàn thắng của Công Vinh đã làm “hư bột, hỏng đường” toan tính bẩn thỉu của bao nhiêu con người?).

 

Chiếc HCB này là một sự kiện trong năm của bóng đá nước nhà? Thế thì muôn vàn cái tai hoạ và bê bối đằng sau cái ánh bạc lấp lánh đó để đi đâu?

 

Cũng may là chúng ta thất bại trong trận chung kết, chứ nếu giành được chiếc HCV thì chắc giờ này những Quyến, Vượng, Quốc Anh v.v… đang ngồi trên những núi tiền và hả hê ngồi nghe những lời tán dương đường mật, và nhiều vị quan chức chắc cũng không tránh khỏi những lời tuyên dương vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với bóng đá nước nhà.

 

Bài bình chọn cũng đồng thời cho rằng, các giải đấu năm 2005 đã “kết thúc tốt đẹp”, và riêng giải Hạng nhất còn được coi là đã để lại “những ấn tượng không dễ phai mờ”(!?).

 

Để chứng minh cho ý kiến này, cú đúp của GĐT.LA và cuộc đua tới chức vô địch của K.Khánh Hoà và Tiền Giang đã được đưa ra.

 

Nhưng nên nhớ rằng đó là những thành công của riêng các đội bóng, còn các giải đấu này liệu có thể được coi là thành công khi mà nó kết thúc với muôn vàn vụ sự có thể được coi là vô tiền khoáng hậu.

 

Một ông trọng tài vừa chỉ tay vào chấm phạt đền đã ngay lập tức quay lại phạt cầu thủ bị đốn ngã, một loạt trọng tài dắt nhau vào nhà đá, một HLV trưởng cùng một GĐ ĐH bị khởi tố vì tội đưa hối lộ, hai CLB bị đánh sập hạng, các nhà tài trợ bỏ chạy không quay mặt lại, kéo theo mùa giải mới hoãn lui hoãn lại. Mùa bóng 2005 đã kết thúc, nhưng thực sự đã “tốt đẹp” hay chưa?

 

Lăng kính màu hồng hay lời biện bạch cuối năm? - 2
 

GĐT Long An, điểm sáng hiếm hoi năm vừa qua.

 

Trong bài viết này, VFF cũng cho rằng “Năm 2005 cũng là năm ghi dấu sự trưởng thành đáng khen ngợi của bóng đá trẻ Việt Nam”.

 

Với dẫn chứng là hai đội tuyển U17 và U20 lọt vào VCK các giải U Châu Á 2006 (đặc biệt là đội U20 sau trận hoà với U20 Lào, đội bóng được VFF đánh giá là ứng cử viên hàng đầu tại các giải trẻ khu vực), VFF tự tin rằng bóng đá VN sẽ có những lứa cầu thủ trẻ tài năng “tiến bước cùng sự phát triển của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới”.

 

Không thể phủ nhận những thành tích bước đầu đó, nhưng cần nhìn lại xem, chỉ mới cách đay vài năm thôi, U16 VN còn làm được nhiều hơn thế, nhưng cho đến bây giờ, lứa cầu thủ đã từng được coi là “thế hệ vàng thứ 2” đã làm được những gì để cải thiện vị trí của bóng đá VN?

 

Và nếu nói rằng bóng đá trẻ đã có một năm thành công thì hãy nhìn lại xem được bao nhiêu gương mặt trẻ triển vọng để bổ sung vào các đội tuyển, bao nhiêu cầu thủ tuổi U dành được một suất chính thức tại các CLB?

 

Có lẽ trước khi nhắc đến việc đào tạo cầu thủ trẻ năm 2005 như một thành công, nên chăng hãy nghĩ lại xem vì sao mà cầu thủ trẻ VN lại khó tìm đến thế.

 

Bài bình chọn khép lại với sự kiện “Chiến dịch triệt tiêu tiêu cực”, bài viết cho rằng VFF đang tiếp tục cố gắng và chủ động “làm triệt để vấn đề, góp phần tiến tới lành mạnh hóa nền bóng đá nước nhà cũng như thúc đẩy sự phát triển bóng đá của chúng ta.”

 

Câu nói trên phải chăng chúng ta đã nghe rất nhiều lần, trong rất nhiều kỳ ĐH và trong rất nhiều cuộc họp của VFF trong nhiều năm qua?

 

Không thể phủ nhận những nỗ lực của VFF trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những việc làm cụ thể của CT Nguyễn Trọng Hỷ, nhưng liệu chừng đó là đã đủ để nói rằng VFF đang thực hiện một chiến dịch triệt tiêu tiêu cực?

 

Liệu điều đó có là sự thật khi mà những hoài nghi âm ỷ trong lòng người hâm mộ về những lấn cấn tiền nong, những bất đồng nội bộ mà biểu hiện rõ nhất là chuyện ông Thọ vừa qua, không ít người nhân cơ cấu xé, nhưng khi cần có người đứng ra quyết định thì LĐ lại nhanh nhẩu “chuyền bóng” sang chân UBTDTT.

 

Liệu cuộc chiến với tiêu cực này của VFF sẽ hiệu quả đến đâu nếu vẫn còn những con người mang nặng chủ nghĩa cơ hội đứng trong hàng ngũ của mình?

 

Dù có muốn thừa nhận hay không, năm 2005 vẫn là một miền tối của bóng đá VN. Thay vì cố lãng tránh sự thật đau lòng đó, hãy đối mặt và vượt qua nó để xây dựng lại một nền bóng đá trong sạch, khoẻ mạnh hơn.

 

Xin chúc những điều tốt đẹp nhất cho bóng đá VN trong năm mới 2006!

 

Hồng Kỹ