Bi hài chuyện muộn chồng

(Dân trí) - Những năm tuổi “băm”, nếu ai hỏi tôi làm nghề gì, tôi sẽ thẳng thắn: “Nghề đi học ạ”. Với từng ấy tuổi tôi có thâm niên hai mươi bốn năm trong nghề. Nghe tin có trường nào "hay hay" là tôi lại quày quả đi ngay, cho “biết đó biết đây”.

Rốt cuộc thì chẳng nghề nào ra hồn. Ngoài ba mươi, tôi yên tâm vào làm nhân viên thu dọn cho một công ty gần nhà. Bén duyên làm sao, trâu chậm uống nước trong, tôi lại gặp được ông xã hiện giờ và chuẩn bị tổ chức.

 

Cùng lúc đó có một tình tiết bi hài khiến tôi vừa buồn cười vừa sợ. Số là tôi già có tiếng ở công ty, được mỗi cái lễ phép. Bởi mẹ tôi vẫn thường dạy: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

 

Gặp sếp, tôi chào, đương nhiên! Gặp những bậc cha chú, tôi cũng hớn hở chào, tiện thể chào cả mấy em công nhân. Tôi chỉ thôi chào mấy đứa tép riu ấy, khi một lần cầm chổi quét kho, vô tình nghe thấy hai tên miệng còn hôi sữa kháo nhau: “Mụ già quét dọn có tình ý với tao. Gặp ở đâu cũng thấy toét miệng cười, chào và hỏi thăm nữa. Sợ quá!”.

 

Tôi nghe mà rụng rời tay chân. Giá mình chưa già, ước mình không ế, nếu mình lấy chồng sớm hơn, thì giờ đã được tự do làm những điều mình thích, chào những người mình gặp.

 

Sau đó tôi không để ý ba cái vụ lẻ tẻ đó nữa. Có nhiều việc cần lo, ngày lên xe hoa về nhà chồng sắp đến...

 

Rồi tôi có mang, mọi người xung quanh cứ quở: “Lớn tuổi mà đẻ phải cẩn thận lắm đấy!”. Tối trước hôm dự kiến sinh một tuần, tôi bỗng thấy đau bụng, đọc sách nên biết đó là triệu chứng sắp sinh, bèn cuống cuồng giục ông xã tha lôi lỉnh kỉnh đồ đạc, đúng câu ngày nào tôi hay trêu bọn thanh niên: “Lôi thôi, lếch thếch như đưa vợ đi đẻ”. Nghĩ đến đó tôi phì cười, nhưng bỗng có cảm giác như sắp rơi cái gì đó nên không dám cười thêm, khúm núm theo chồng vào phòng chờ đẻ.  

 

Yên vị rồi tôi lại thấy đỡ đau. Điềm nhiên giục chồng mua ít đồ ăn lấy sức. Ê a gọi điện báo cho mẹ: “Con đã vào viện, mẹ mau đến hỗ trợ...”. Khoảng hai tiếng sau mẹ tôi ỳ ạch lê thân bước vào. Nói chung tôi thông cảm, với thân hình cao mét rưỡi nặng ngót sáu mươi kí lô của mẹ thì có muốn di chuyển nhanh cũng khó.

 

Có mẹ ở bên là tôi an tâm, liền đắc chí lùa ông xã về nghỉ ngơi, rồi còn lo hậu cần đời sống sau khi đẻ, sẵn sàng mọi thứ rước mẹ con tôi. Công cuộc thức chăm con còn trường kỳ, phải giữ sức chiến đấu, anh ngậm ngùi chào ba bà cháu, mẹ con chúng tôi về...  

 

Bất ngờ, nửa đêm có một cơn đau liên tu bất tận, tới dồn dập tôi tưởng có thể ngất đi được. Trống ngực đập thình thịch, trong bụng thì ngỡ như đứa con đang gõ cửa đòi ra. Tôi thở không ra hơi, thều thào gọi mẹ khi ấy đang ngáy pho pho bên cạnh, không được đành gọi thật to để các y tá nghe tiếng, chẳng thấy động tĩnh, có lẽ tiếng tôi chưa đủ lớn vì nó đã yếu ớt, thê thảm lắm rồi, nghe như tiếng ma rên thì đúng hơn. Giá có giọng thét của mẹ quát tôi ngày bé thì tốt. Tôi dốc chút sức lay mẹ: “Con đau quá mẹ ạ, chắc sắp sinh rồi!”. Mẹ gạt tay tôi, miệng lẩm bẩm: “Ăn thua gì, ngày tao đau đẻ còn quằn quại, bò lê bò càng chán mới đẻ được chứ mày tưởng!”.

 

Đến lúc tôi lay mẹ được lần thứ hai thì đã thấy thấp thoáng bóng bác sỹ, y tá đang lăm le các dụng cụ. Bên cạnh, mẹ tôi vẫn mê sảng: “Ăn thua gì!”. Mẹ chưa kịp nói xong câu: “Cứ thoải mái đi...” thì đã nghe tiếng “oe oe” đầy háo hức. Cô y tá còn chưa kịp sát trùng xong dụng cụ thì bà bác sỹ đỡ đẻ đã lôi được đứa bé ra. Mẹ tôi tỉnh giấc, giụi mắt: “Xong rồi cơ à? Dễ đẻ nhỉ? Như tao ngày trước...”. Tôi nằm thiếp đi...

 

Sáng ra, chồng tung tăng mang cặp lồng cháo vào, đứa em gái có kinh nghiệm nuôi hai con nhỏ cũng mang cho ít cơm và tôm, nói chung là những thứ bổ và hữu ích cho bà mẹ nuôi con nhỏ. Rồi mọi người đến thăm rôm rả, chật phòng khiến tôi cứ rưng rưng cảm động nhớ lại buổi tối qua vượt cạn. "Lúc thì chẳng thấy có ai. Lúc thì ông xã, ông cai đầy nhà". Mẹ tôi vẫn vô tư như thế, tôi thông cảm và lại trách mình. Giá lấy chồng sớm hơn, như đứa em gái kia kìa, một tay mẹ nuôi hai đứa con nó lớn lên hồng đỏ, khoẻ mạnh nhường ấy, giờ tôi già tất nhiên mẹ tôi cũng già đâu còn minh mẫn, đủ sức cáng đáng như xưa.  

 

Giờ mẹ đã trở nên vô tư. Bỗng nhiên thấy thương mẹ quá! Nhất là những khi con khóc ngằn ngặt, tôi bế nó mỏi rã tay, mẹ vẫn ngủ ngon lành. Tôi mệt quá liền gọi mẹ dậy nhờ. Mẹ mơ màng: “Ơ, nó dậy rồi à?”. Sau đó mẹ ngáp ngược ngáp xuôi, vừa chảy cả nước mắt vì ngáp vừa gật gù bế cháu. Tôi không yên tâm lại tiến đến: “Để con bế cháu nào. Mẹ nghỉ đi!”.

 

Thiều San Ly