Chiếc áo đầm màu đỏ

(Dân trí) - Lần đầu tiên chúng tôi để mắt tới chiếc áo đầm to màu đỏ là khi bố, mẹ và tôi lội qua con đường phủ đầy tuyết mới rơi tới cửa hàng Hubble's Hardware trên phố Main ở Huntsville, Ontario.

Chúng tôi định ghi tên mình vào bức hoạ Giáng Sinh thường niên, mong có cơ hội nhận được một giỏ quà đầy những hộp bích quy bằng thiếc xinh xắn, trà, hoa quả và kẹo.

 

Lúc bước qua cửa sổ gian hàng của nhà Eaton, như thường lệ, chúng tôi ngừng lại giây lát để nhìn ngắm và lãng đãng đôi chút.

 

Cửa sổ gian hàng được trang hoàng tươi tắn với những đồ chơi đẹp nhất. Ngay lập tức mắt tôi dán vào chiếc xe ngựa màu xanh rất lớn. Nó lớn tới mức có thể chở được ba ôm củi, hai giỏ rau lợn và cả đống chai lọ nhặt dọc đường quốc lộ suốt mùa hè. Còn có những chú cá đuối thực xinh xắn, đáng để dọn sạch cả cái ao của ông Millar và những chú lật đật đẹp tới mức tôi chẳng được chơi bao giờ. Tất cả những thứ đó náu mình khiêm tốn dưới chiếc váy viền ren lớn màu đỏ cực kỳ hấp dẫn.

 

Hai mắt mẹ cũng bị hút vào chỗ váy satin màu đỏ phồng ra lung linh, điểm xuyết những ngôi sao màu đen ở giữa có đồng xêquin nhấp nháy.

 

“Lạy chúa”, mẹ lẩm bẩm kinh ngạc như bị thôi miên. “Mình sẽ chỉ ngắm chiếc váy ấy thôi mà!”. Thế rồi, không như tính cách mọi ngày của mình, mẹ xoay nhẹ một vòng theo điệu waltz trên vỉa hè trơn trượt. Trong chiếc áo len xám nặng nề có cúc bằng gỗ, chiếc áo mà kể từ khi tôi có thể nhớ được, mùa đông nào mẹ cũng mặc, mẹ bị mất thăng bằng, chới với. Ngay lập tức bố đỡ lấy mẹ. 

    

Hai má ửng đỏ, thấy bố cười, mẹ phát nhẹ vào ông. “Ồ không, không cần đâu!”, mẹ nói, xua tay bố khi ông phủi tuyết dính trên áo mẹ. “Sao lại có cái váy xấu tệ như thế trong của hàng nhà Eaton nhỉ!” Mẹ lắc đầu tỏ vẻ kinh tởm. “Ai mà thèm mua cái thứ váy loè loẹt như thế chứ?”.

 

Khi chúng tôi tiếp tục xuống phố, mẹ ngoái nhìn thêm lần nữa rồi nói: “Lạy Chúa! Đáng lẽ người ta nên trưng bày những gì có thể dùng được chứ nhỉ!”

 

Giáng Sinh đang cận kề, vì vậy chẳng mấy chốc không ai còn nhớ tới chiếc váy đó nữa. Mẹ tôi vốn thuộc típ người không muốn và cũng chẳng bao giờ chịu bỏ tiền mua những món đồ không thiết thực. “Có những cái chúng ta cần hơn thứ này”, “Có những cái chúng ta cần hơn thứ kia”, đó là cách mẹ thường vẫn hay nói.

 

Nhưng bố thì khác, bố luôn muốn “nuông chiều” bản thân một chút những khi túi tiền cho phép. Tất nhiên, bố thường bị quở trách sau những lần phung phí hiếm hoi ấy song bao giờ việc bố làm cũng vì mục đích tốt nhất.

 

Còn nhớ lần bố mang về nhà chiếc lò nướng điện. Trong gian nhà cũ vùng Muskoka của chúng tôi ở hồ Oxtongue, quanh năm suốt tháng mẹ vẫn nấu bằng chiếc lò nướng nấu củi. Mùa hè, căn bếp nóng tới mức ngay cả bọn ruồi cũng không chui vào nổi, ấy thế mà mẹ vẫn ngồi trong cái nóng nực ấy với thịt lợn và đống củ cải.

 

Một hôm, bố làm mẹ ngạc nhiên khi đem về nhà chiếc lò nướng điện mới thật đẹp. Tất nhiên như mọi lần mẹ không đồng ý, mẹ bảo cái lò nướng củi vẫn rất tốt, rằng cái lò điện đắt quá, rằng dùng nó phải mất quá nhiều tiền khí đốt. Nhưng rồi, mẹ vẫn đánh bóng những cái nút cầm bằng crôm vốn đã rất sáng. Dù mẹ phản đối nhưng cả tôi và bố đều hiểu mẹ rất thích cái lò nướng mới.

 

Còn rất nhiều thứ đồ dùng hiện đại khác mà cái trang trại cổ lỗ của chúng tôi cần dùng như đồ hàn chì trong nhà, máy sấy quần áo, nhưng mẹ cứ một mực bảo những thứ ấy phải chờ đến khi nào chúng tôi có đủ tiền mới sắm. Thế là mẹ cứ mãi làm những việc vặt trong nhà như giặt quần áo bằng tay, chăm sóc đàn lợn rồi làm cả một khoảnh vườn lớn. Cũng vì vậy quần áo mẹ mặc luôn rất xuyềnh xoàng, chúng bằng vải cotton, thường được vá víu lại cùng với một chiếc tạp dề phủ ra ngoài.

 

Tất nhiên mẹ cũng có một hay hai bộ váy áo gọi là đặc biệt dành cho đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật. Nhưng dẫu thế thì bao giờ mẹ cũng cố xoay xỏa để tất cả chúng tôi đều có quần áo mặc, tuy không thật đẹp nhưng chúng đều sạch sẽ, lành lặn.

 

Giáng Sinh năm đó tôi mua ở cửa hàng “Five to a Dollar” một đống mồi câu cá cho bố. Tôi gói chúng thành nhiều hộp diêm khác nhau để bố được mở nhiều gói quà của tôi. Nhưng chọn quà cho mẹ thì khó hơn nhiều. Lúc tôi và bố hỏi, mẹ nghĩ một lát rồi khẽ khàng bảo, mẹ thích cái khăn lau bát hay khăn bịt mặt, giẻ rửa bát gì đó.

 

Trong chuyến lần xuống phố cuối cùng trước dịp Giáng Sinh, lúc đi qua phố Main, mẹ bỗng thốt lên kinh ngạc: “Bố nó nhìn kìa!” Rồi mẹ chỉ tay cho bố lúc đi qua gian hàng nhà Eaton.

 

“Cái váy đầm màu đỏ ấy đâu rồi”, mẹ nói như không thể tin được, “nó biến mất thật rồi”.

 

 “Ờ… tôi thấy rồi!”, bố lặng lẽ cười.

 

“Sao ai ngu ngốc lại đi mua cái thứ phù phiếm ấy thế nhỉ?”, mẹ hỏi, lắc lắc đầu. Rất nhanh tôi bắt được cái nhìn của bố. Bố nháy mắt khi huých nhẹ vào khuỷu tay tôi. Mẹ vẫn cố nghển cổ, ngoái nhìn qua gương chiếu hậu khi chúng tôi tiếp tục trên đường. “Nó biến mất rồi…”, mẹ thầm thì. Lần này thì tôi chắc tôi cảm nhận được sự nuối tiếc trong giọng nói của mẹ.

 

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên buổi sáng hôm Giáng Sinh năm đó. Tôi ngắm mẹ bóc từng lớp giấy lụa bọc ngoài một hộp lớn trên nắp có dòng chữ “Giẻ cọ rửa đồ men tốt nhất của cửa hàng Eaton”.

 

 “Ôi Frank”, mẹ hớn hở, “đây chính là cái em muốn đấy!” Bố đang ngồi trên ghế xích đu, nụ cười nở to hết cỡ.

 

“Chỉ có kẻ khờ mới không biết tặng một người vợ vô giá như bà xã của anh những gì cô ấy muốn trong lễ Giáng Sinh”, bố nói rồi cười lớn. “Tiếp tục đi em, hãy mở nó ra rồi em sẽ không phải thất vọng đâu”. Bố nháy mắt với tôi, khẳng định một lần nữa bí mật của bố, giây phút ấy, trái tim tôi ngập tràn tình yêu với bố.

 

Mẹ mở hộp để tìm chiếc giẻ lau đồ sứ to màu trắng nhưng một mảnh vải satin màu đỏ thẫm tuột ra phủ lên lòng mẹ. Đôi tay run run của mẹ chạm phải thứ chất liệu quý phái của chiếc váy đầm màu đỏ. “Ôi, lạy Chúa tôi!”, mẹ thảng thốt, hai mắt đẫm lệ. “Ôi Frank…” Mặt mẹ sáng bừng lên như những ngôi sao đang nhấp nháy trên cây thông trong góc phòng. “Đáng lẽ anh không nên…” mẹ yếu ớt phản đối.

 

 “Thôi nào em, đừng ngại điều đó!”, bố nói. “Hãy cho bố con anh xem em mặc nó vừa như thế nào đi”. Bố cười lớn rồi giúp mẹ choàng chiếc váy qua vai. Và khi lớp satin đỏ lung linh phủ quanh người mẹ, nó đã duyên dáng che đi bộ đồ vá víu, hoa văn đã mờ của mẹ.

 

Tôi ngắm nhìn và há hốc miệng vì kinh ngạc, say sưa trước vẻ đẹp diệu kỳ toả ra từ bố mẹ mà trước đây tôi chưa từng thấy. Và khi hai người làm một điệu waltz quanh phòng, chiếc váy đầm màu đỏ cứ cuộn lên một ma lực nào đó trong trái tim tôi.

 

“Trông em đẹp lắm”, bố thì thầm vào tai mẹ như thế. Quả thực hôm đó mẹ đã rất đẹp.

 

Dương Kim Thoa

Lược dịch theo Linda Gabris