Cán bộ, phóng viên ĐBSCL tập huấn về "Bình đẳng giới"

Bảo Trân

(Dân trí) - Lớp tập huấn "Truyền thông có nhạy cảm về giới" diễn ra trong ngày 20 và 21/11 với hơn 40 học viên là cán bộ sở, ban, ngành, phóng viên báo đài tại khu vực ĐBSCL.

Trong khuôn khổ triển khai "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030" và "Chương trình truyền thông về bình đẳng giới năm 2030", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức lớp tập huấn "Truyền thông có nhạy cảm về giới".

Cán bộ, phóng viên ĐBSCL tập huấn về Bình đẳng giới - 1

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh trao đổi cùng học viên (Ảnh: Bảo Trân).

Lớp tập huấn diễn ra trong ngày 20 và 21/11 với sự tham gia của hơn 40 học viên là phóng viên, biên tập viên báo đài, cán bộ công tác tại các sở, ban, ngành trên địa bàn TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang,…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh là giảng viên lớp tập huấn.

Tại lớp tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cùng các học viên thảo luận, trao đổi kiến thức, các nội dung của vấn đề bình đẳng giới, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tiến đến xóa bỏ định kiến giới mở ra nhiều cơ hội học tập, nâng cao nhận thức về giới, tạo môi trường bình đẳng công nhận năng lực của phụ nữ và nam giới tại nơi làm việc.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, bà Đoàn Thị Kim Thủy, cán bộ truyền thông Vụ Bình đẳng giới Bộ lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, lớp tập huấn "Truyền thông có nhạy cảm về giới" là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030".

Mục tiêu của công tác tập huấn nhằm nâng cao năng lực, nhận thức về giới từ đó rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ ứng phó với bạo lực giới cho các cán bộ làm công tác xã hội, các phóng viên, biên tập viên báo đài.

"Mục đích của buổi tập huấn này là nhằm nâng cao năng lực truyền thông của phóng viên, biên tập viên, cán bộ công tác tại các sở, ban, ngành sẽ có tính nhạy cảm về giới.

Tôi đánh giá vai trò của các nhóm này rất quan trọng trong việc thực hiện bình đẳng giới, làm thay đổi nhận thức thay đổi hành vi, từ đó xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất", bà Thủy nói.