Bao giờ người nghèo được xem ca nhạc “chất lượng cao”?

Đặt câu hỏi: Bao giờ người nghèo mới được xem ca nhạc, hẳn nhiều người sẽ vặc lại: Truyền hình ngập tràn gameshow hát hò còn gì?

Thực ra, câu hỏi này không nhằm đến những chương trình dạy thí sinh song ca mà lại coi bạn diễn như... đối thủ, phải hạ gục bạn diễn là nghệ thuật mà đề cập đến những chương trình biểu diễn khán giả được đến thưởng thức trực tiếp.Với giá vé của các chương trình ca nhạc hiện nay, câu trả lời chắc là: Còn lâu!

 

Chương trình chất lượng cao... “cháy vé”

 

Thị trường biểu diễn đang ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Chẳng hạn, chuyện liveshow riêng của Hồng Nhung, Tùng Dương đồng loạt “cháy” vé, trong khi Vũ điệu đường cong, chương trình toàn chân dài gây sóng gió trên truyền thông với cú PR tai tiếng “Cấm phụ nữ đoan trang” lại rớt giá thảm hại ở Hà Nội và phải hủy tại Hải Phòng vì ế vé.

 

Hồng Nhung in the spotlight - Có phải em mùa thu Hà Nội (4.10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội) cháy vé thì đã đành. 13 năm rồi cô Bống mới có chương trình riêng tại Hà Nội, lại đúng vào thời điểm diva vừa làm được một việc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời một người phụ nữ là sinh con.

 
Để được nghe trực tiếp Hồng Nhung hát, khán giả phải mua vé tiền trăm, thậm chí tiền triệu.
Để được nghe trực tiếp Hồng Nhung hát, khán giả phải mua vé tiền trăm, thậm chí tiền triệu.
 

Có quá nhiều lý do thôi thúc khán giả bỏ tiền mua vé để được chứng kiến sự thăng hoa trong nghệ thuật của một người phụ nữ đang ở trong những ngày tháng viên mãn nhất. Nhưng đêm nhạc riêng của một giọng hát bị mặc định là quái và kén người nghe như Tùng Dương mà cũng cháy vé thì quả là ngạc nhiên. Mà cháy vé thật, không phải chiêu đánh bóng tên tuổi.

 

Bằng chứng là ê kip sản xuất Tùng Dương hát tình ca lật đật đi xin phép tổ chức thêm một đêm nữa vào ngày 18/9, sau khi vé của đêm 15/9 đã hết veo mà đơn đặt hàng vẫn tới rào rào. Xem ra, chiêu giật gân và những cơn sốt giả xình xịch trên mặt báo không còn đánh lừa được ai. Khán giả đã đủ tinh tường để bỏ đồng tiền vào đúng bát gạo.

 

Ra mắt số đầu tiên vào tháng 11/2011, chuỗi chương trình “Âm nhạc tiêu điểm - In the spotlight” của nhà sản xuất Mỹ Thanh đã tạo ra sức nặng đáng kể giúp các chương trình nghệ thuật nghiêm túc đạt được thế cân bằng với chương trình giải trí trên thị trường biểu diễn.

 

Chỉ qua 4 liveshow của các tên tuổi: Tuấn Ngọc - Riêng một góc trời (3 đêm, tại Hà Nội), Mỹ Linh - Và em vẫn hát (4 đêm tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng), Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ (2 đêm tại Hà Nội) và Hồng Nhung - Có phải em mùa thu Hà Nội (1 đêm tại Hà Nội), Âm nhạc tiêu điểm đã trở thành một thương hiệu âm nhạc hàng đầu của thị trường.

 

Đáng tiếc, chương trình nghệ thuật chất lượng cao gần như không có chỗ cho người có thu nhập thấp. Một vé VIP của Âm nhạc tiêu điểm có giá 2,5 triệu! Nhà sản xuất có cả hạng vé 500 ngàn đồng nhưng số lượng quá ít ỏi và thường bị đẩy lên phía cuối cùng của tầng 2.

 

Tất nhiên, chẳng thể trách các nhà sản xuất! Nếu giá vé không cao thì lấy tiền đâu để bù vào chi phí sản xuất, thuê sàn diễn và để trả cho các ca sĩ, nhạc sĩ ngôi sao cùng ban nhạc hàng khủng cỡ Anh Em?

 
Để được nghe trực tiếp Hồng Nhung hát, khán giả phải mua vé tiền trăm, thậm chí tiền triệu.

Những ca sỹ trẻ như Quang Thắng sắp tới sẽ lập sân chơi "chất lượng cao nhưng giá rẻ" dành cho công chúng?
 

Cơ hội nào cho người nghèo?

 

Câu hỏi đang nhức nhối, thì gặp được nhạc sĩ Phan Cường. Nếu ai đã từng thích nghe Ngọc Khuê hát Bà tôi, Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến, hẳn sẽ không mê luôn các bản phối độc đáo của Phan Cường.

 

Trong giới, anh được xem là người phối khí có khả năng chắp cánh cho các ca khúc dòng dân gian đương đại. Cùng với người anh em song sinh của mình là nhạc sĩ, nhạc công Phan Kiên (còn gọi là Kiên bass), Phan Cường đang ấp ủ chuỗi chương trình ca nhạc quy mô nhỏ, phong cách acoustic mang tên: Câu chuyện âm nhạc.

 

Nhạc sĩ Phan Cường chia sẻ: “Phần lớn các chương trình ca nhạc hiện nay đều dành vị trí trung tâm cho các nghệ sĩ nổi tiếng và đang ăn khách trên thị trường. Nghệ sĩ trẻ có rất ít cơ hội để giới thiệu đến khán giả một cách rõ nét cá tính âm nhạc của mình.

 

Việc chạy show, hát 1-2 bài theo yêu cầu của nhà sản xuất chương trình ca nhạc thường không thể hiện được cá tính riêng của các nghệ sĩ trẻ. Mà không phải ai cũng có điều kiện để tự làm các đêm nhạc riêng. Bởi vậy, chúng tôi quyết định thực hiện Câu chuyện âm nhạc, để mang đến cho khán giả những hình dung tương đối trọn vẹn về một nghệ sĩ trẻ”.

 

Giới thiệu nghệ sĩ trẻ và bán vé giá rẻ sẽ là những điểm khác biệt cơ bản của Câu chuyện âm nhạc. Giá rẻ thì chất lượng âm nhạc có rẻ? (Cười) “Đừng vội nghi ngờ sớm thế chứ? Chúng tôi không coi Câu chuyện âm nhạc là một cơ hội kinh doanh, mà là việc nên làm cho thị trường âm nhạc trong khả năng của mình.

 

15 năm hoạt động của Kiên Quyết’studio (phòng thu của Phan Cường và Phan Kiên, nơi đã thực hiện album cho phần lớn các ca sĩ VN-P.V) cho chúng tôi những lợi thế đáng kể để tự tin bắt tay vào sản xuất Câu chuyện âm nhạc. Mọi chi phí khác sẽ được giảm thiểu, chỉ đầu tư vào âm nhạc. Vé rẻ nhưng chất lượng âm nhạc sẽ không rẻ đâu” - Nhạc sĩ Phan Cường khẳng định.

 

Phải tin thôi nhỉ! Sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật và vốn hiểu biết sâu sắc về thị trường âm nhạc VN của anh em Phan Kiên, Phan Cường chính là cơ sở cho niềm tin vào chất lượng nghệ thuật của Câu chuyện âm nhạc. Tôi bảo: Câu chuyện âm nhạc là cơ hội xem ca nhạc chất lượng cao dành cho khán giả nghèo, liệu có quá sớm?

 

Theo Nguyễn Đỗ

Văn hóa