BTC nói gì trước việc tranh bị hư hại trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam?

Hà Tùng Long

(Dân trí) - "Để xảy ra sự cố hư hại tác phẩm là điều chúng tôi không hề mong muốn. Đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc", đại diện BTC Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 cho biết.

"Ai làm như chúng tôi cũng sẽ để xảy ra sự cố"

Mới đây, một số họa sĩ đã vô cùng sự bức xúc khi tác phẩm gửi tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 bị rạch xước, bắn sơn, rạn vỡ (tác phẩm điêu khắc) ngay trước ngày triển lãm. Nhiều họa sĩ thậm chí tuyên bố sẽ bắt BTC đền bù theo giá trị thực của tác phẩm vì đã khiến cho tác phẩm của họ bị hư hại.

BTC nói gì trước việc tranh bị hư hại trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam? - 1

Tranh bị xước khi gửi tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Ảnh: NSCC.

Liên quan đến sự việc này, chiều 1/12, ông Mã Thế Anh - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam cho biết, ở thời điểm hiện tại, đã có 5 tác giả xin rút khỏi triển lãm vì có tranh bị xước.

"Việc để xước tranh, rạn vỡ tác phẩm điêu khắc như phản ánh của một số họa sĩ tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 là điều khiến chúng tôi rất đau lòng. Bởi đây là tác phẩm nghệ thuật - "đứa con tinh thần" của anh em nghệ sĩ, họa sĩ.

Tác phẩm đắt tiền hay không đắt tiền thì khi tham gia triển lãm chúng tôi đều trân trọng như nhau. Và để xảy ra sự cố hư hại tác phẩm là điều chúng tôi không hề mong muốn. Đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc. Với tư cách là những người đại diện BTC, chúng tôi xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự cố này", ông Mã Thế Anh nói.

Ông Mã Thế Anh cũng cho biết, ngay khi rà soát công việc, phát hiện một số tác phẩm bị xước, rạn vỡ… đại diện BTC đã chủ động gọi điện xin lỗi tác giả và nhận trách nhiệm với thái độ cầu thị nhất. Sau khi kết thúc triển lãm, BTC sẽ ngồi với các tác giả để xử lý vấn đề này.

BTC nói gì trước việc tranh bị hư hại trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam? - 2

Tranh bị sơn bắn đầy trên bề mặt. Ảnh: NSCC.

Theo ông Mã Thế Anh, một năm, ngành mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm có hai sự kiện lớn với quy mô toàn quốc là Triển lãm Mỹ thuật và Triển lãm Nhiếp ảnh. Năm nay, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam có 500 tác phẩm được chọn trưng bày nên với quy mô lớn như vậy không tránh khỏi sự cố.

"Quá trình tổ chức sự kiện này, chúng tôi đã huy động hơn 100 con người làm việc cật lực ngày đêm. Tuy nhiên, vì cách thức tổ chức như vật nên không thể tránh được sự cố. Năm nay bị xước nhưng nếu sang năm vẫn duy trì cách tổ chức như thế này thì vẫn bị. Ai làm như chúng tôi cũng sẽ để xảy ra sự cố, không riêng gì chúng tôi. Đây là bài học lớn và chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để sang năm làm khác đi", ông Mã Thế Anh khẳng định.

Sẽ thay đổi cách thức tổ chức!

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc trên, ông Mã Thế Anh cho biết, quy trình để duyệt tranh của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 là sẽ tập kết tranh ở 3 miền sau đó chuyển về Hà Nội để Hội đồng thẩm định chấm, chọn. Và việc bê vác tranh lên cho hội đồng thẩm định rồi bê vào kho cất xong lại đưa ra trưng bày đã dẫn đến sự cố đáng tiếc trên.

BTC nói gì trước việc tranh bị hư hại trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam? - 3

Ông Mã Thế Anh (bên phải) và ông Lê Anh Vân đại diện BTC Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 chia sẻ thông tin với báo chí trong buổi họp báo chiều 1/12. Ảnh: HTL.

"Cách làm chúng ta có vấn đề. Nếu làm như thế này thì không tránh khỏi sai sót. Chúng tôi rất mong các nghệ sĩ, họa sĩ chia sẻ với BTC", ông Mã Thế Anh bày tỏ.

Ông Mã Thế Anh khẳng định, thời gian tới bắt buộc phải thay đổi cách thức tổ chức những sự kiện như thế này. Theo đó, BTC sẽ tìm địa điểm thích hợp nhất để các họa sĩ tự treo tranh của mình trong khu vực triển lãm. Và hội đồng thẩm định sẽ đi từng khu vực để chấm và kết thúc sẽ công bố giải. Nghĩa là tranh sẽ chỉ treo đúng một vị trí, không di chuyển nhiều lần. Với cách thức này, ông Mã Thế Anh hy vọng sẽ tránh được việc xước tranh hoặc rạn vỡ đối với tác phẩm điêu khắc.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, ông tham gia triển lãm mỹ thuật từ năm 1980 đến nay. Qua những lần tham gia triển lãm ông nhận thấy cuộc triển lãm nào cũng đều có sự cố hỏng hóc, thậm chí bị mất tranh. Bản thân ông cũng từng bị mất tranh. Tuy nhiên, thời kỳ đó, các nghệ sĩ, họa sĩ còn dễ tính nên không ai bắt đền ai.

"Tôi thấy công tác tổ chức như thế này thì không ổn. Chúng ta vẫn hoạt động nghiệp dư. Nghiệp dư ở công tác vận chuyển. Chúng ta không có công ty vận chuyển chuyên nghiệp mà chỉ có công ty vận chuyển hàng hóa. Công ty vận chuyển hàng hóa thì sẽ không quan tâm đến vật phẩm họ vận chuyển là gì.

Trưng bày triển lãm cũng không có công ty chuyên nghiệp. Chúng ta thuê những người không có chuyên môn đóng đinh, treo tranh nên không thể giám sát được các sự cố có thể xảy ra.

Phòng triển lãm cũng được thực hiện rất gấp gáp. Từ trưng bày, quét vôi, vệ sinh… nhân công thi công không quan tâm đến sơn bắn nên đã để bắn sơn lên tranh.

Nghệ sĩ cũng không ai tham gia bảo hiểm tác phẩm. Chỉ có tham gia bảo hiểm thì công ty bảo hiểm mới bảo hành tác phẩm của mình. Đề nghị BTC phải quan tâm đến việc này chứ không chỉ quan tâm đến treo tranh một cách ổn định", nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng góp ý.

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam trước đây là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần. Đây là sự kiện mỹ thuật nhằm tổng kết và đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm (2016-2020).

Năm nay, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Cụ thể, với thể loại điêu khắc và sắp đặt có 117 tác phẩm của 105 tác giả; thể loại hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video art và các hình thức nghệ thuật đương đại khác có 380 tác phẩm của 378 tác giả. 

Hội đồng đã chọn ra 29 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng. Việc chấm chọn nhằm tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật mới, xuất sắc, phát hiện những tác giả mới để quan tâm, bồi dưỡng, phát triển.

Triển lãm sẽ kéo dài từ 1/12 đến 10/12 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) và từ 22/12 đến 29/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM