Đêm chung kết 6 “Giải thưởng Trần Hữu Trang”:

Hai thí sinh nam rơi nước mắt khi giám khảo “truy” về chuyện đời, chuyện nghề

(Dân trí)- Đêm chung kết 6 tối 23/2, phần thi diễn của các thí sinh Hải Long, Hoài Vương đã gây được sự xúc động với khán giả. Tại phần thi vấn đáp, hai thí sinh nam này tiếp tục làm cho khán giả một phen “ướt át” khi ban giám khảo “truy” về chuyện đời, chuyện nghề.

Thí sinh Huỳnh Hải Long (SN 1974) đến từ Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh TPHCM. Hải Long vừa là thầy dạy hát, diễn cho lớp trẻ vừa là diễn viên đi diễn.

Hai thí sinh nam rơi nước mắt khi giám khảo “truy” về chuyện đời, chuyện nghề - 1
Thí sinh Huỳnh Hải Long trong một cảnh thi diễn tại đêm thi chung kết 6

Tại đêm thi diễn chung kết, Hải Long chọn vai út Chót trong trích đoạn Nẻo về, một trích đoạn có nội dung đề cao giá trị sân khấu cải lương và giá trị nghề nghiệp. Sau phần thi diễn khá xúc động, NSƯT Bạch Tuyết (HĐGK chuyên môn) được phân công đặt câu hỏi giành cho thí sinh này.

Nói về nghề và nghiệp sân khấu cải lương, NSƯT Bạch Tuyết cho rằng, theo đuổi đam mê trở thành một diễn viên thực thụ không phải là dễ. Bên cạnh đó còn phải truyền lửa nghề cho nhiều bạn trẻ khác để thôi thúc các em có lòng yêu nghề diễn. "Vậy điều được nhất mà Hải Long cảm nhận là gì? Long đã mất gì khi theo đuổi nghề"- NSƯT Bạch Tuyết hỏi.

Huỳnh Hải Long khẳng định: “Dạy cải lương, diễn cải lương theo em không có niềm hạnh phúc nào bằng. Có lẽ ai cũng vậy, được diễn môn nghệ thuật mình theo đuổi, được dạy nghề mình yêu thích thì cuộc sống này có ý nghĩa biết bao”. Nói đến đây Hải Long ngậm ngùi rơi nước mắt ngay trên sân khấu.

Hai thí sinh nam rơi nước mắt khi giám khảo “truy” về chuyện đời, chuyện nghề - 2
Hải Long rơi nước mắt khi nói về nghề nghiệp của mình

Hải Long nghẹn ngào nói tiếp: “Vốn đi diễn đã giúp cho em công việc giảng dạy được thuận lợi hơn. Khi dạy học trò rồi nhìn các em thành công, em rất hạnh phúc”. Hải Long lại bật khóc.

“Từ khi theo nghề em thấy mình được nhiều hơn là mất. Em chỉ sợ mất lòng tin với học trò, với khán giả, mất đạo đức nghề nghiệp trước tổ nghiệp mà thôi. Do đó, em sẽ cố gắng rèn luyện bản thân mình hơn nửa để cống hiến sức mình cho các vai diễn hay, cống hiến kiến thức cho các lớp học trò học tập để các em có được sự thành công trên con đường mà các em đã chọn”.

Hải Long vẫn không kìm nén được sự xúc động, anh chấp tay cúi đầu cảm tạ tất cả mọi người ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh đã cho anh cơ hội được giảng dạy, cảm tạ sân khấu đã cho anh những vai diễn để phục vụ khán giả. Dưới khán đài sân khấu, nhiều khán giả xem trực tiếp cũng bùi ngùi với sự “cởi mở” nhiều cảm xúc của thí sinh này.

Hai thí sinh nam rơi nước mắt khi giám khảo “truy” về chuyện đời, chuyện nghề - 3
Quá xúc động, thí sinh Hải Long đã chắp tay cúi đầu cảm tạ tất cả mọi người

Nam thí sinh khác là Hoài Vương (SN 1976) đến từ Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang cũng đã rơi nước mắt khi nói về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Hoài Vương chọn vai lão Chung trong trích đoạn Cung đàn nước mắt, một trích đoạn nhiều bi ai để thi diễn trong đêm thi chung kết tranh huy chương vàng giải xuất sắc.

Không chỉ “khóc” trong lúc thi diễn với vai lão Chung nhớ thương cháu nội để rồi một đêm mưa gió, lão ngồi chờ cháu đến chết vẫn còn ôm cây đàn gây xúc động cho người xem mà Hoài Vương còn ngậm ngùi khi trả lời vấn đáp với ban giám khảo.

Nhà báo Thanh Hiệp (HĐGK báo chí) trước khi đặt câu hỏi chính thức đã có câu hỏi bên lề “có chút riêng tư” để “truy vấn” thí sinh Hoài Vương. Nhà báo Thanh Hiệp hỏi: “Được biết trước khi em chuyển qua nghề hát thì em từng theo nghề múa rối, vậy sao em lại chuyển nghề?.

Thí sinh Hoài Vương cho biết: “Quê em ở Tây Ninh, cuộc sống gia đình khó khăn nên lúc ban đầu em học và chọn nghề múa rối để “mua vui” cho khán giả yêu thích kiếm kế mưu sinh. Nhưng cải lương vẫn là món mà em yêu thích nhất….”. Hoài Vương xúc động nói tiếp: “Do khó khăn và lòng yêu nghề nên ban ngày em đi múa rối, ban đêm em đi hát phục vụ cho khán giả yêu sân khấu cải lương”. Hoài Vương lại bùi ngùi chia sẻ: “Cuộc sống dần ổn định, em quyết định phải chọn một trong hai để theo đuổi và tình yêu cải lương chiến thắng múa rối, em đã chọn cải lương”. Lòng yêu nghề và đam mê theo đuổi của Hoài Vương được đông đảo khán giả hoan nghênh.

Hai thí sinh nam rơi nước mắt khi giám khảo “truy” về chuyện đời, chuyện nghề - 4
Thí sinh Hoài Vương không chỉ khóc trong khi thi diễn mà cũng ngậm ngùi rơi nước mắt khi thi vấn đáp với ban giám khảo

Nhà báo Thanh Hiệp vào câu hỏi chính: “Qua trích đoạn em vừa diễn, em thấy nghề hát còn lắm khó khăn. Vậy nếu em có trong tay đầy đủ vật chất và quyền lực thì em sẽ làm gì để sân khấu cải lương phát triển?”.

Hoài Vương trả lời rằng: “Điều trước tiên là em cho xây dựng một nhà hát giành riêng cho cải lương và làm một sân khấu quy mô, hiện đại bởi sân khấu là linh hồn của các vở diễn. Tiếp đó, em sẽ đảm bảo đời sống cho những tác giả để họ tạo ra những sản phẩm, những vở tuồng hay nhất, có ý nghĩa nhân văn nhất. Rồi em sẽ tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ một cuộc sống ổn định để họ giành hết tâm huyết phục vụ cho nghề diễn. Em sẽ cho xây dựng một chương trình nghệ thuật cải lương đến học đường để hun đúc các em nhỏ lòng yêu cải lương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường…". Hy vọng những điều đó sẽ làm cho sân khấu cải lương luôn sáng đèn", Hoài Vương kết lại trong niềm xúc động dâng trào.

Phần trả lời của Hoài Vương nhận được sự tán thành của ban giám khảo và đông đảo khán giả có mặt. Nhà báo Thanh Hiệp "bồi" thêm: "Yêu nghề nhưng điều quan trọng phải còn có cái tâm nữa em ạ". Hoài Vương cúi đầu cảm tạ.

Huỳnh Hải