Người Việt tự “đầu độc” văn hóa:

Hoạt động văn hóa cơ sở biến dạng

Tình trạng hoạt động văn hóa cơ sở đang mất kiểm soát, xảy ra những câu chuyện phản cảm, tác động xấu tới dư luận. Câu hỏi làm sao để tiếp thu văn hóa có chọn lọc trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Thói háo danh “Kỷ lục to nhất”

Lâu nay, các phương tiện truyền thông tốn nhiều giấy mực xoay quanh sự háo danh của người Việt như: Ly cà phê to nhất; đèn lồng khổng lồ; tô hủ tiếu lớn nhất (làm xong đem đổ đi); bánh tét, bánh chưng, bánh giầy kỷ lục chỗ sống chỗ chín không ai nuốt trôi… Bệnh thành tích ở khắp các tỉnh, thành, trong đó, TPHCM ghi nhận nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến chuyện này.

Năm 2002, chiếc bánh chưng khổng lồ đầu tiên nặng 1,4 tấn được xác lập kỷ lục thế giới ra đời ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) nhưng hình thù không giống bánh chưng và không có gì đặc sắc khiến mọi người lắc đầu ngao ngán. Năm 2005, chiếc bánh chưng nặng 2 tấn và bánh giầy nặng 1 tấn được nhân dân TPHCM cung tiến Quốc tổ.

Năm 2007, công viên Đầm Sen vượt kỷ lục với bánh chưng nặng 2,6 tấn, kích thước 2.007x2.007x650mm tượng trưng cho năm 2007 - năm đầu tiên giỗ Tổ trở thành Quốc lễ, chiếc bánh giầy nặng 1,2 tấn, phải dùng cần cẩu để… vớt bánh chưng.

Năm 2008 là năm thứ 2 liên tiếp công viên Đầm Sen gửi bánh về cung tiến nhân ngày giỗ Tổ, chiếc bánh chưng nặng 2 tấn và bánh giầy nặng 1 tấn. Hai lần cung tiến được tính là suôn sẻ, nhưng phút chót lại gặp sự cố bánh chưng thiu, bánh giầy mốc…

Đến năm 2014, xảy ra sự kiện bánh giầy bị mốc xanh, bên ngoài là một lớp bột mỏng, bên trong được làm bằng mút xốp dày 20-25cm, khối lượng công bố nặng gần 1 tấn là tính luôn cả khung sườn bằng sắt và đế của chiếc bánh, nguyên liệu làm bánh chỉ có khoảng 500kg, còn chiếc bánh chưng bị vữa và lên men.

BTC Lễ hội Đền Hùng phải lên tiếng kiên quyết từ chối những đặc sản khổng lồ. Đến lúc này thì câu chuyện bánh chưng - bánh giầy mới kết thúc. Nhiều người đặt ra câu hỏi, lễ vật dâng Tổ tiên như thế thì liệu có phải một sự báng bổ tiền nhân không?

Đầu năm 2015, tô hủ tiếu to nhất (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) được báo chí mệnh danh là kỷ lục của sự háo danh, dự tính cho 1.000 người ăn, nhưng do thời gian trưng bày kéo dài, sợi hủ tiếu nở trương ra thành món ăn cho… heo. Gần đây nhất, mùa trung thu còn ghi nhận thêm kỷ lục đầu lân, đèn kéo quân khổng lồ, bánh dẻo lớn nhất Việt Nam nặng 2 tấn được xác lập tại chuỗi đô thị danh tiếng ở cả hai thành phố lớn nhất cả nước. Mặc dù được truyền thông rộng rãi nhưng có vẻ như người dân đã bị bội thực với các kỷ lục nên không mấy người mặn mà tung hê những cái nhất nữa.

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Hội đồng Tư vấn và Giám sát về khoa học - kỹ thuật - môi trường của UBMTTQ TPHCM - thẳng thắn: “Tại sao chúng ta có thể làm một kỷ lục tốn nhiều tiền bạc để thỏa mãn sự háo danh trong khi đồng bào còn rất nhiều người thiếu ăn? Càng tổ chức nhiều cuộc thi trên chứng tỏ tầm nhìn quản lý xã hội đang mất cơ bản”.

PGS-TS Phan An (Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) bày tỏ, tâm lý người Việt cái gì cũng muốn nhất mà không hiểu được văn hóa ông cha ta luôn có chọn lọc từ thực tiễn và tế nhị trong vấn đề ứng xử trong nội bộ và thế giới.

“Trong cộng đồng, nếu tiếp thu không có chọn lọc xã hội sẽ bị rối, dẫn đến ứng xử không đồng bộ gây ra phản cảm, từ đó nảy ra mâu thuẫn. Sự đua chen thích thể hiện mình là một thứ văn hóa không lành mạnh, nó nhìn vào hình thức nhiều hơn, cho thấy con người dễ bị cám dỗ về vật chất. Muốn thay đổi cần đặt giáo dục lên hàng đầu” - PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh.

Lễ nghi truyền thống bị biến dạng vì… sự sexy

Những vấn đề về nghi lễ đã ăn sâu vào nếp nghĩ và trở thành phong tục truyền thống của người Việt như ma chay, cưới hỏi cũng dần bị biến tướng với những hình ảnh phản cảm, thiếu tính nhân văn, gây ra nhiều băn khoăn, bức xúc.

TPHCM là đô thị đặc biệt với gần 10 triệu dân, khi tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài, đang gặp nhiều xáo trộn, khó khăn nhất là mối quan hệ giữa con người với con người. Cách đây không lâu, dư luận cả nước được phen choáng váng với một đám tang trong thành phố thuê ca sĩ, vũ công múa, cả múa lửa, múa sexy… lan truyền chóng mặt trên mạng.

Chia sẻ về điều này, PGS-TS Phan An nói: “Đám cưới giờ gọi là công nghệ cưới, riêng chuyện đám tang trong Nam có nhiều cái cần phải nói. Đám tang không khí đau buồn, mất mát, thế nhưng người ta vui vẻ, nhậu thật nhiều rồi hát cải lương, thậm chí thuê người đồng tính về nhảy nhót. Điều này không những gây ô nhiễm về tiếng ồn mà còn lạm dụng văn hóa, là phi văn hóa, nó không có trong văn hóa truyền thống dân tộc”.

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh thẳng thắn bày tỏ: “Việc tiếp thu không có chọn lọc thì dân tộc nào cũng có, nhưng ở những xã hội mà người quản lý xã hội để ý tới sẽ hạn chế được vấn đề trên”.

Hiện nay, không khó để tìm ra các clip đám tang kèm theo từ khóa sexy, khỏa thân, múa bụng…, hầu hết các clip đều có nguồn gốc xuất phát từ khu vực Nam Bộ, riêng TPHCM thì diễn ra tại khu vực ngoại thành như Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè… với lý do mong cho người mất sớm siêu thoát. Có mặt ở một đám tang sexy mới thấy rõ sự lẫn lộn về văn hóa ngoại lai, chủ yếu là từ Đài Loan (TQ), thực chất là vài trường hợp những người đồng tính lợi dụng lễ để múa may uốn lượn kiếm tiền trong trang phục kiệm vải, hoặc không vải.

Liên quan đến trách nhiệm xây dựng văn hóa cơ sở, PGS-TS Phan An mở rộng hơn: “Cần phân biệt văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, làm thế nào để cả hai văn hóa trên có sự kết hợp nhuần nhuyễn. Trong thời kỳ đang hội nhập, văn hóa Việt Nam đang đứng trước sự thách đố lớn, chúng ta lo lắng văn hóa đất nước bị hư hỏng, ô nhiễm. Nhưng chúng ta không thể ôm mãi quá khứ, không thể duy trì việc ăn trầu, răng đen. Dù muốn hay không, chúng ta phải sống hiện đại, văn hóa phải có sự thích ứng với sự phát triển này”.

Giải pháp được nhiều học giả đưa ra là văn hóa Việt Nam phải hội nhập, nếu người dân dễ dàng chạy theo những cuộc đua nhất nhì thì trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, tiếp đến là trách nhiệm của cộng đồng, những người tham dự vào hoạt động văn hóa trên cần điều chỉnh hành vi, thái độ của mình cho phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.

“Hiện giờ chúng ta đang rất xô bồ, từ việc tổ chức phong trào văn hóa lễ hội đến việc phát động xây dựng nhà văn hóa cho các dân tộc vừa tốn kém mà hiệu quả thấp, nhiều nơi ở thành phố các trung tâm văn hóa xây dựng lên lại chuyển đổi thành cho thuê mặt bằng, kinh doanh giải trí” - PGS-TS Phan An cho biết thêm.

Theo Mai Phương
Lao Động