Khai quật tàu cổ ở Dung Quất thu được hầu hết là mảnh vỡ?

(Dân trí) - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, tàu cổ đắm đầu tiên được trục vớt bằng ngân sách với kinh phí 48,4 tỷ đồng có kết quả không như mong đợi. Hiện vật thu được hầu như không nguyên vẹn, xác tàu cũng vỡ nát không thể tiếp tục khai quật để phục dựng.

Tháng 8/2017, trong quá trình thi công cảng Hào Hưng (KKT Dung Quất, Quảng Ngãi), đơn vị thi công phát hiện con tàu đắm chứa nhiều cổ vật. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi khai quật với kinh phí 48,4 tỷ đồng.  Đây là con tàu cổ đầu tiên được khai quật mà không có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và các công ty tư nhân.

Khai quật tàu cổ ở Dung Quất thu được hầu hết là mảnh vỡ? - 1
Tàu cổ được phát hiện khi thi công cảng Hào Hưng (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)

 Gần một năm sau khi phát hiện, công tác khai quật tàu cổ được tiến hành. Diện tích khai quật khoảng 800m2, trong phạm vi bán kính 100 m từ vị trí tàu đắm thuộc khu vực cảng Hào Hưng (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn). Thời gian khai quật từ ngày 29/6 đến ngày 15/9/2018. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên công tác khai quật được gia hạn đến ngày 31/5/2019.

Điều đáng nói, kết quả thu được trong đợt khai quật không như mong đợi. Hiện vật thu được hầu như không còn nguyên vẹn. Xác tàu cổ vỡ mảnh, không thể phục dựng như dự định ban đầu.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, kết quả khai quật thu được 10.000 tiêu bản gốm sứ Trung Quốc. Số gốm sứ này được sản xuất trong giai đoạn Vạn Lịch thời Minh (1573 - 1620). Đối với gốm sứ cao cấp được sản xuất từ lò Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây), lò Đức Hóa (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); gốm sứ bình dân được sản xuất tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Theo nhận định, nếu các hiện vật nguyên vẹn thì đây là con tàu cổ vô cùng giá trị. Tuy nhiên, kết quả thu được rất ít hiện vật nguyên vẹn, hầu như chỉ thu được mảnh vỡ.

Đối với xác tàu, quá trình trục vớt xác định xác tàu nằm trong gầm cầu cảng đang thi công, rất khó nghiên cứu và trục vớt. Do đó, chỉ thu được một số mảnh gỗ, thanh đà, đinh sắt.

Khai quật tàu cổ ở Dung Quất thu được hầu hết là mảnh vỡ? - 2
Diện tích khai quật 800m2, ở độ sâu khoảng 9 m, trong phạm vi bán kính 100 m từ vị trí tàu đắm.

 Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, kết quả khai quật có ý nghĩa và giá trị khoa học cao, góp phần bổ sung tư liệu và nhận thức mới về lịch sử gốm sứ, lịch sử giao thương trên vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, do mặt bằng di tích thay đổi bởi việc xây dựng cầu cảng Hào Hưng, diện tích khai quật thu hẹp nên việc trục vớt xác tàu, hiện vật không đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

"Hiện vật nguyên vẹn thu được trong quá trình khai quật không đáng kể, chủ yếu chỉ còn là mảnh vỡ. Theo thông tin thì Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có kiến nghị dừng khai quật. Việc đánh giá sâu hơn về kết quả khai quật do đơn vị này phụ trách, Sở chỉ là đơn vị phối hợp", ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nói.

Ngày 19/7, PV Dân trí đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhằm tìm hiểu thông tin liên quan đến kết quả khai quật tàu cổ. Ông Đoàn cho biết, công tác khai quật đã được tạm dừng để xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

"Hiện giờ vẫn chưa có báo cáo kết quả chính thức. Khi nào có báo cáo chúng tôi sẽ tổ chức họp báo công bố", ông Đoàn nói.

Quốc Triều