1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cà phê, bún, tỏi... đều "dính" hóa chất độc hại

Chứng kiến cảnh ngâm tỏi bằng muối diêm (NO2, NO3), pha cà phê dùng chất tạo bọt xà phòng, làm bún trắng bằng thuốc tẩy bột giặt… thì chắc rằng không ít người phải lắc đầu kinh sợ!

Nghề “đạp tỏi” bỏ… muối diêm   

Tại hẻm 266 đường Tôn Đản, quận 4, người địa phương gọi là “hẻm đạp tỏi” hỏi cơ sở của chị Hà (biệt danh là Hà tỏi) ai cũng biết. Chị Hà là đầu mối cho 5 hộ gia công lột múi tỏi khác.

Bước vào nhà chị Hà, mùa tỏi trộn lẫn mùi muối diêm nồng nặc bốc lên. Chị Hà nói:“Mùi này khó chịu lắm, nhưng làm riết cũng quen. Ở đây tôi bỏ mối cho nhiều nhà hàng, cơ sở với số lượng 500 kg/ngày, các anh cứ yêu cầu, bao nhiêu chúng tôi cũng đáp ứng được”. 

Cách thức bóc vỏ tỏi ở đây khá công nghiệp, ban đầu dùng nguyên liệu tỏi Trung Quốc tách ra từng múi cho vào một chậu nhôm có đường kính cỡ hơn 1 mét, đổ nước và pha muối diêm (hoá chất gốc Nitric - NO2 và Nitrat - NO3), ngâm khoảng 15 phút thì vỏ tỏi bong ra. Lúc này một người đàn ông mang ủng ni lông bước vào và cứ như vậy anh ta dùng chân đạp một hồi đến khi vỏ tỏi bung ra nổi kín cả mặt nước.

Múi tỏi được vớt ra trắng nõn, nhưng lúc này công đoạn bóc vỏ tỏi vẫn chưa dừng lại, tỏi được vớt ra cho vào các rổ, thau nhỏ cho 5 nhân công khác (chủ yếu là người già) ngồi tẩn mẩn gọt sạch đầu tỏi còn sót lại.

Chúng tôi hỏi có ngâm hóa chất để bóc tỏi hay không, chị Hà quả quyết: “Nhân công phải mang bịch ni lông vì sợ dầu tỏi ngấm vào chân, ở đây chúng tôi không dùng hóa chất, người ta nói chỉ là đồn thổi thôi”!

Khi bước ra cổng, hai phụ nữ ngồi trước cửa đang gọt đầu tỏi, thấy một cục muối diêm to bằng nắm tay đang để cạnh, chúng tôi hỏi đó là hóa chất gì, người phụ nữ giải thích đó là “phèn chua”? Chúng tôi đòi cung cấp tỏi sạch cho nhà hàng, không được ngâm muối diêm và phải rửa sạch bằng nước, chị Hà nói yên tâm vì cơ sở của chị đang cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn; thậm chí cả một xí nghiệp sản xuất mì ăn liền, tiêu thụ cả trăm ký tỏi/ ngày (?)

Ra về, chúng tôi được “biếu” 1 ký tỏi về làm hàng mẫu trong khi giá bỏ mối là 11.000 đồng/kg, nếu bóc vỏ tỏi nhỏ là 12.000 đồng/ kg, tỏi lớn là 13.000 đồng/ kg. Thế nhưng để qua buổi chiều, tỏi bóc vỏ bằng muối diêm từ màu trắng ngả màu vàng đục và có bốc mùi khó chịu, phải vứt bỏ.

Cà phê, bún, tỏi... đều "dính" hóa chất độc hại - 1

Tỏi ngâm muối diêm để bóc vỏ, nửa ngày sau đã ngả màu vàng đục.

Cà phê, mỳ, bún… cũng bị pha hóa chất

Đội trưởng Đội QLTT 5B (phụ trách địa bàn quận 5) Ông Quang Thanh cho biết, nghề “đạp tỏi” pha hóa chất khá phổ biến tại địa bàn quận 4 (các hẻm trên đường Tôn Đản) khu vực cầu chữ Y (quận 8)… Muối diêm là tên gọi dân dã, còn thực chất đây là loại hóa chất công nghiệp bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, nó là phụ chất trong chế biến phân urê, nếu dùng lâu dài sẽ nguy hiểm cho cơ thể người.

Theo ông Thanh, thực tế kiểm tra tại các điểm bán hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên (chợ kinh doanh hóa chất lớn nhất tại TPHCM - PV) của 51 hộ kinh doanh ở trong và ngoài chợ Kim Biên, có 14 loại hóa chất dùng trong công nghiệp và 2 loại hóa chất dùng để phân kim, xi mạ đã được bán để dùng chế biến thực phẩm.

Lợi dụng tâm lý khách hàng có thói quen hay uống loại cà phê đen, đặc quánh, nhiều bọt, một số cơ sở sản xuất cà phê đã cho thêm hóa chất tạo bọt (chất Lauryl sunfate) dùng trong sản xuất xà phòng vào hỗn hợp cà phê để bán ra thị trường. Phát hiện hóa chất pha trong cà phê rất dễ, chỉ cần quấy đều ly nước, bọt cà phê sẽ nổi lên và lâu tan (trong khi cà phê nguyên chất uống ngọt, ít bọt, nhanh tan).

Theo các chuyên gia y tế, chất tạo bọt này là một dạng chất độc, không được dùng trong thực phẩm, nếu dùng có thể gây tổn hại đường ruột, gan. Kết hợp với một số hóa chất khác về lâu dài có thể gây ung thư.

Ông Thanh còn cho biết thêm, mới đây khi Đoàn kiểm tra y tế quận 5 đi kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các quán ăn, phát hiện hầu hết các loại mì sợi, bún đều có formol (chất chống ôi thiu). Nhiều quán còn sử dụng chất Tinopal (chất tẩy trắng, làm sáng trong bột giặt) cho vào bún tươi để cọng bún trắng sáng, có độ trong hơn. Các quán này đều bị nhắc nhở, bị phạt hành chính.

Theo phát hiện của QLTT, người  sản xuất còn dùng “muối diêm” tạo màu đỏ tươi, chống hư trong lạp xưởng. Một số hộ kinh doanh thịt heo cũng sử dụng để ướp vào thịt không bán hết trong ngày. Còn trong kem đá, chất Titan cũng được dùng bỏ vào để tạo màu cho kem; chất Borax, Boric acid - tên thông thường của hàn the cũng được sử dụng để tạo độ dai, giòn cho giò, chả...

Theo Thái Thiện
VietnamNet