1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Đà Nẵng:

Cấm tiểu thương ăn mặc hở hang!

Trước ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chúng tôi nhận tin nóng từ chợ Đống Đa, TP Đà Nẵng: Cấm chị em tiểu thương mặc áo dây, áo sát nách! Hàng loạt thắc mắc của các tiểu thương khi chúng tôi có mặt tại chợ Đống Đa để tìm hiểu sự việc “có một không hai” này!

Chúng tôi mang những ý kiến trên đến gặp Trưởng ban quản lý (BQL) chợ. Ông khẳng định "ở đây không có chị em nào hở rốn" và đề nghị không nêu tên mình trên mặt báo.

Cấm mọi trường hợp ăn mặc hở hang như mặc áo sát nách, hở nách trông kém văn minh lịch sự. Trong lúc chờ đợi BQL kiến nghị xin chủ trương BGĐ công ty để triển khai (...), trước hết yêu cầu bà con kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh theo tinh thần thông báo này. Mọi sự sai trái sẽ chịu xử lý vi phạm nội quy, quy chế xây dựng quầy hàng văn minh thương mại” - (lược trích điều 2 Thông báo số 4/BQL của BQL chợ Đống Đa, ngày 1/3/2006, do ông Trưởng BQL ký tên và cung cấp).

Theo ông, trước khi phát thông báo trên loa, BQL đã họp Ban cán sự tổ ngành hàng, tổ phụ nữ, không thấy ai phản ứng. Tuy nhiên, ông thừa nhận, qua phản ánh của anh em bảo vệ cũng có những ý kiến không đồng tình.

"Đây là việc khó nhưng chúng tôi cương quyết làm. Hết tháng 3, nếu ai không chấp hành thì BQL sẽ áp dụng quy chế văn minh thương mại xử phạt". Hỏi xuất phát từ đâu và từ lúc nào chợ Đống Đa ra thông báo cấm việc ăn mặc gọi là "hở hang"? Ông tiết lộ, tại cuộc họp ngày 14/2 ở Công ty quản lý các chợ Đà Nẵng, một lãnh đạo thành phố sau khi "vi hành" một số chợ, tỏ ý than phiền về tình trạng không niêm yết giá, bán hàng không tương xứng giá trị và tình trạng "hở nách, hở rốn" của một số chị em tiểu thương.

"Tiếp thu nhanh, tôi về nghiên cứu thực hiện và có thể đây là chợ đầu tiên trong thành phố ra thông báo này". Ông diễn giải: "Nói trời nóng phải hở nách, hở lưng là không khoa học. Mà nóng quá thì có điện, có quạt. Trong chợ đâu thiếu tiện nghi. Ở các nước nóng quanh năm, người ta càng trùm kín để trắng da, mát mặt, chuyện chi mình để hở?

Còn nói không đủ tiền để may áo có cánh tay là không đúng. Chính mấy cái áo model đó mới đắt tiền. Đây là tác phong văn minh thương mại, tại sao các siêu thị tư nhân người ta làm được mà mình có tổ chức lại không làm được? Sắp tới, sau khi thăm dò dư luận, chúng tôi sẽ quy định chị em mặc đồng phục cho nó đứng đắn, đàng hoàng".

Ông đề nghị công luận ủng hộ ý tưởng này và nhấn mạnh: "Nếu dư luận đồng tình, cấp trên ủng hộ, đặc biệt bà con nhân dân cùng nhất trí thì chợ Đống Đa nhất định thành công!". Chúng tôi thắc mắc: "Nếu lúc đó vẫn còn ý kiến không đồng tình, ông tính sao?".

Ông nói: "Tôi nghĩ số đó ít thôi. Họ nên theo số đông mà thực hiện. Ai không thực hiện thì xử phạt". Hỏi xử phạt thế nào, ông bảo sẽ vận dụng quy chế do Sở Thương mại và Công ty quản lý các chợ đã ban hành.

Tạm biệt ông, chúng tôi đảo lại một vòng các quầy mỹ phẩm - ngành hàng bị "mang tiếng" nhất về chuyện mặc áo dây, áo hở. Một chị đứng tuổi nói: "Tôi không có áo dây, chỉ có áo sát nách. Nếu cấm mặc ở chợ thì mặc ở nhà, ra phố". Một cô trẻ hơn: "Nói vậy thì cấm luôn khách Tây vô chợ. Họ được mặc áo dây sao mình lại không?"

Bất chợt, ai đó nhắc chuyện xưa: "Lệnh vua Tự Đức ban ra/Cấm quần không đáy người ta hãi hùng...". Câu ca này, nay có  người sửa thành: "Lệnh Ban quản lý ban ra/Cấm áo hở nách, chị em ta... mặc gì?".

Theo Đặng Ngọc Khoa
Báo Thanh niên