DMagazine

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU

(Dân trí) - Để vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của nông dân Việt và cú "cứu nguy phút 89" của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Tháng 1/2021, Liên minh Châu Âu (EU) lần đầu tiên cấp phép đưa côn trùng lên bàn ăn của người dân. Ngay sau đó, tháng 2/2021, Việt Nam cùng với Canada, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Thái Lan là 5 quốc gia được xét duyệt đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm côn trùng đến châu Âu.

Thế nhưng, ít ai biết để nhận được cái gật đầu đồng ý từ thị trường khó tính bậc nhất thế giới này, là nỗ lực không ngừng nghỉ của nông dân Việt và cú "cứu nguy phút 89" của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam. Bởi trước đó vào năm 2018, châu Âu đã đột ngột công bố điều chỉnh đạo luật thực phẩm toàn cầu.

Đến nay, trong các quốc gia châu Á được cấp phép xuất khẩu côn trùng, có duy nhất Việt Nam đảm bảo đủ tiêu chí kép của EU và đang chiếm 70% thị phần này. 

Một ngày giữa tháng 3, khi tin vui từ lô côn trùng đầu tiên đã nhập cảnh 27 quốc gia châu Âu, phóng viên Dân trí đã có cuộc gặp gỡ với bà Nguyễn Hồng Ngọc Bích (35 tuổi, CEO Cricket One) - người phụ nữ đã tạo nên kỳ tích này.

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 1
Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 3

Thật tình cờ trong một lần tìm hiểu về vấn đề nông nghiệp, tôi mới biết rằng tại Châu Á - nơi được xem là cái nôi của các món ăn côn trùng, chỉ duy nhất Việt Nam đang là quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Điều gì đã tạo nên kỳ tích này?

- Tháng 8/2018, Liên minh Châu Âu đột ngột công bố đạo luật thực phẩm toàn cầu mới. 

Nếu thời điểm trước, chỉ cần một công ty thông qua, toàn bộ ngành tại quốc gia đó đều được chấp thuận đi vào châu Âu, thì giờ với bộ luật điều chỉnh, chỉ có các công ty đảm bảo đủ tiêu chuẩn mới có thể tiến vào thị trường khó tính bậc nhất này. 

Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều công ty sản xuất thực phẩm côn trùng sẽ rơi vào bờ vực phá sản. Ngay cả chúng tôi, mặc dù ngay lập tức ứng biến đưa sản phẩm sang Mỹ để không tồn kho, đẩy mạnh thị trường bằng cách chế biến thêm thức ăn cho chó mèo, thế nhưng trong vòng 9 tháng cũng trở nên tiều tụy.

Khi EU đưa ra 1200 chỉ tiêu xét nghiệm trên 5 mẫu của 5 lô sản xuất khác nhau, chúng tôi đã chấp nhận nhằm đảm bảo sự đồng nhất và ổn định về chất lượng. Song song đó, tôi phải lập hồ sơ, chứng minh lịch sử mua bán sản phẩm bột dế tại thị trường Châu Âu trước tháng 12/2019.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng nhanh chóng ghi nhận Việt Nam được vào danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu đạm dế vào Châu Âu. 

Thế nhưng, thực tế mọi thứ rất bi quan. Bởi côn trùng đang là một ngành rất mới, sản xuất vô cùng nhỏ lẻ… nên tôi chỉ còn biết chờ đợi Việt Nam may mắn được ghi tên qua vòng xét duyệt của EU.

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 5

Cuối cùng côn trùng Việt Nam đã vượt qua biến cố đó như thế nào? 

Đứng trước bờ vực thì "còn nước còn tát" thôi!

Tại Việt Nam, tôi đã chuẩn đầy đủ công văn, hồ sơ. Tôi nhớ vào buổi sáng, tại phòng công tác nhân lực của Bộ Nông nghiệp, tôi đã dùng mọi đề án, giải thưởng của mình để chứng minh rằng việc sử dụng thực phẩm từ côn trùng là xu hướng của tương lai, đang tác động đến sự phát triển bền vững của con người và nhận sự quan tâm của thế giới.

Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam nhận thấy tiềm năng của ngành, vì trước giờ phải nói nước ta chỉ mới có thủy sản đi vào được châu Âu. Vì vậy, trong vòng 3 tháng, Bộ đã cấp giấy tờ chứng minh tôi đủ điều kiện xuất khẩu.

Thế nhưng, một lần nữa, ông trời lại thử thách! Cuối năm 2019, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Tôi mắc kẹt ở Hà Lan và không thể trở về.

Thời điểm ấy chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn xem xét mà EU vẫn chưa phản hồi, do người nhận hồ sơ đang dương tính Covid-19.

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 7

Tôi lập tức gọi về phía Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam nhờ đánh thư sang. Còn bản thân tức tốc lên tàu từ Hà Lan qua Bruxelles (thủ đô nước Bỉ). Bạn biết không? Lúc đó, tôi đang bầu 6 tháng, phải đi lại một mình giữa Covid-19.

Sau khi tôi gửi thư cho bộ phận đóng góp ý kiến thì có người bước ra. Đó là một ngày may mắn khi người tiếp nhận hồ sơ vừa hết bệnh và làm việc trở lại.

Họ lắng nghe nguyện vọng phía Việt Nam và nhanh chóng phản hồi email, gửi bản mẫu chuẩn về Việt Nam, đồng thời gia hạn thêm thời gian để nước ta nạp lại bản giấy.

Cuối cùng, sau 3 tháng thì Việt Nam đã được ghi nhận. Nó gần như là một cú thoát hiểm ngoạn mục!

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 9

Những gì bà kể gay cấn như một bộ phim hành động vậy!

Còn hơn cả phim ấy chứ!

Bạn cũng biết rằng xưa giờ châu Âu chưa từng sử dụng côn trùng làm thực phẩm. Mãi đến gần đây, khi cả thế giới nghĩ về một chế độ bền vững, nguồn cung cấp đạm mới cho con người, côn trùng mới được suy xét tới. 

Châu Á chúng ta tuy là cái nôi của món ăn côn trùng, thế nhưng thực tế các nước châu Âu đã nghiên cứu thành công về ngành này. Thậm chí, Hà Lan nuôi chúng và chiếm trọn thị trường đạm côn trùng từ rất lâu. Suy nghĩ của người Mỹ và châu Âu thì Việt Nam vẫn là một đất nước thứ 3 - tức họ đánh đồng sản phẩm của chúng ta kém chất lượng, hàng dạt, trôi nổi.

Tất cả đặt cho Việt Nam một bài toán vô cùng nan giải. 

Thế nhưng, chính sự kiện điều chỉnh đạo luật thực phẩm toàn cầu mới của EU đã giúp Việt Nam "trong cái rủi lại hưởng cái may".

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 11

May mắn đó phải được hiểu như thế nào, thưa bà? 

- Trước đây, nói đến thực phẩm côn trùng phổ biến ở Châu Âu phải kể đến Thái Lan và Hà Lan.

Thái Lan tuy có lịch sử nuôi lâu đời, nhưng họ chưa có quy mô, quy chuẩn. Còn riêng Hà Lan là môi trường quá lạnh, không thích hợp cho việc nuôi. Việt Nam mình thứ nhất môi trường quá thích hợp, thứ hai là đã đúng quy chuẩn theo tiêu chí của châu Âu ngay từ ban đầu. 

Thế nên ngay sau sự điều chỉnh đạo luật, rất nhiều doanh nghiệp Thái Lan đành ngậm ngùi rút khỏi thị trường, Hà Lan thu hẹp quy mô… Điều đó khiến việc xuất khẩu côn trùng tại Việt Nam càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 13

Quay trở lại 6 năm trước, điều gì khiến bà quyết định rời bỏ Hà Lan để trở về Việt Nam và bắt đầu con đường nông nghiệp, đặc biệt là chọn nuôi và chế biến côn trùng?

- Mọi thứ rất tình cờ!

Việt Nam có lịch sử và văn hóa sử dụng côn trùng từ xa xưa. Thế nhưng, để nói nó là thực phẩm hằng ngày thì chưa. Thậm chí, muốn ăn thì phải đến những địa phương rất xa, xem nó là đặc sản với giá cả vô cùng đắt đỏ.

Một lần tôi thưởng thức món dế chiên nước mắm trong nhà hàng và phải thốt lên "wow". Tôi lên mạng, đọc được bài báo cáo về đạm 6 chân của giáo sư Arnold van Huis và nhận ra thế giới đã có nhiều công ty thành công về ngành này. Trong khi đó, một nơi đầy sự ưu đãi thiên nhiên như Việt Nam tại sao không? 

3 ngày sau, tôi bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Tôi và người bạn đồng hành là anh Đặng Cao Nam, đã đi khắp các trại côn trùng Việt Nam để tìm hiểu mô hình. 

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 15

"Giờ muốn thành công ở EU thì phải hiểu EU muốn gì?" - một hôm tôi đề nghị và nhận được sự đồng ý từ người bạn. 

Chúng tôi quyết định chia nhau lên đường. Bạn tôi thì sang Thái Lan để học hỏi cách nuôi dế. Riêng tôi trực tiếp sang Đại học Wageningen tìm Giáo sư Arnold van Huis để nghiên cứu bệnh trên côn trùng. 

Nhưng bạn biết không? Đó là hành trình vô cùng khó khăn vì Giáo sư Arnold van Huis trước đây chưa nhận vai trò cố vấn viên. 

Để nhận được sự đồng ý từ vị giáo sư khó tính này, bà đã làm gì?

- Thầy Arnold van Huis có 2 điều kiện.

Thứ nhất, tôi nuôi dế Việt Nam thì phải nhất nhất dùng phụ phẩm nông nghiệp trọng yếu, không bao giờ được dùng cám. Bởi vì tôi giới thiệu dế là con vật mới và dự trù nó là nguồn thức ăn trọng yếu cho hệ sinh thái thực phẩm, nếu dùng cám nuôi thì chẳng khác nào tăng tính cạnh tranh giữa ngành, tạo ra một quy trình không bền vững.

Thứ hai, thầy Arnold van Huis chấp thuận bởi tôi là người Việt Nam và nuôi con dế ở Việt Nam - nơi môi trường thuận lợi cho chúng phát triển. 

Sau vài tháng, tôi trở về Việt Nam. Thế nhưng học là một chuyện, thực hành nó lại rất khác. 

Những ngày tháng đầu tiên, dế chậm phát triển, liên tục bệnh và chết không rõ nguyên nhân. tiền tích lũy đã cạn mà quy trình chưa hoàn thành, thử nghiệm không hiệu quả, có lúc tôi đã nản lòng.

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 17
Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 19

Đến bao giờ mọi thứ mới trở nên dễ dàng hơn, thưa bà?

Thêm thời gian nữa, tôi nhận ra bản thân loài dế Việt Nam không có bệnh, chỉ là do môi trường xung quanh không sạch, có nấm mốc. Vì vậy, muốn con dế khỏe thì bắt buộc phải chuẩn chỉnh trong quy trình. Chúng tôi liền thực hiện phương pháp: Không thả rông, không bao giờ cho chân dế chạm đất.

Đối với ngành nông nghiệp, tôi biết rằng không nên sử dụng công nghệ "phóng phi thuyền", mà phải biết tận dụng công nghệ vốn có. May mắn, người Việt Nam mình linh hoạt lắm!

Vốn ít, nên chúng tôi cùng nông dân đẩy mô hình trong phạm vi 5km để dễ dàng quản lý, tiếp tục cải tổ chuồng trại cũ trở thành công nghiệp chứ không xây mới. Máy móc được nhập trực tiếp từ các nước phát triển.

May mắn ở lần thử tiếp theo, lô dế chỉ cần 45 ngày đã đạt đủ tiêu chuẩn thu hoạch.

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 21

Thế nhưng, lúc đó đến bài toán tìm đầu ra. Bạn biết không? Ban đầu mọi thứ rất thủ công. Mỗi ngày tôi đều lên website và tìm kiếm khách hàng. Cứ từ 2h chiều tôi sẽ gọi qua châu Âu, 11h đêm thì tiếp tục đến Mỹ. Có những hôm tôi phải thức dậy từ 4h sáng để làm việc vì chênh lệch múi giờ.

Đến năm 2017, tôi nhận đơn hàng đầu tiên đi Anh. Chỉ có nửa tấn thôi nhưng tất cả cùng ôm nhau khóc. Khi ra cảng, nhiều chủ tàu Việt Nam còn hỏi: "Liệu sản phẩm của tôi cháy nổ không?", và nhất nhất từ chối. Mãi đến khi tôi cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh thì chuyến container đầu tiên mới lên đường. 

Nửa tháng sau tàu cập bến châu Âu, khách hàng vô cùng hài lòng. Bởi sản phẩm Việt Nam không chỉ có màu sắc đẹp, mẫu mã tốt, độ đạm cao mà chúng ta còn là quốc gia duy nhất có công nghệ đẩy hết phân thừa chưa tiêu hủy trong bụng dế ra ngoài trước khi chế biến.

Nhờ vậy, sản phẩm Việt Nam nhanh chóng tạo tiếng vang và bước lên kệ hàng của 27 quốc gia châu Âu. Thậm chí, bây giờ, tôi có thể khẳng định, tôi không còn cạnh tranh đạm côn trùng với các nước khác nữa, mà đang cạnh tranh trực tiếp với đạm bò, heo, gà, cá. 

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 23
Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 25

Qua muôn trùng khó khăn thì thành công cũng đã mỉm cười. Ở thời điểm hiện tại, bà còn tâm nguyện gì cho con đường đưa côn trùng ra thế giới của mình nữa không?

- 6 năm qua, Việt Nam đã bắt đầu chiếm 70% thị phần tại Châu Âu, và 50% tại Mỹ. Mỗi năm chúng tôi cung cấp trên 45 tấn dế đầu vào cho các thị trường khó tính bậc nhất. Đó là thành tựu của riêng bản thân tôi và của Việt Nam để đánh dấu mình trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Giờ đây, mỗi lần đi hội thảo, triển lãm, giáo sư Arnold van Huis vẫn hay lấy người Việt Nam như tôi để giới thiệu cho bạn bè. Đó là niềm vinh dự rất lớn!

Nhưng phải nói làn sóng dùng đạm côn trùng như thực phẩm hằng ngày vẫn chưa tiến vào Việt Nam. Ngay cả lúc tôi bảo mình sẽ nuôi dế, gia đình tôi chẳng ai tin sẽ thành công.

Tôi cũng hiểu, vì chúng ta đang là nước đang phát triển. Cha mẹ, ông bà mới thoải mái ăn thịt cá vài năm trở lại đây, nên không thể mang con côn trùng tới và nói với họ: "Ăn thế này là bền vững! Ăn thế này là sạch…".

Thế nhưng dạo gần đây nhiều bạn trẻ đã bắt đầu sống với tiêu chí: "Eat less for more" (Ăn ít để được nhiều hơn), họ không còn xách hàng hiệu, đi xe sang, mà đã bắt đầu biết ra đường tự cầm bình nước, hạn chế rác thải, ống hút nhựa… Đó là những tín hiệu cho tôi biết đây là thời điểm mình nên quay lại phục vụ thị trường 100 triệu dân.

Và tất cả những điều tôi làm không phải để mọi người nhớ tên mình, mà để họ nhớ và yêu hương vị tươi ngon của con dế Việt Nam!

Cảm ơn bà vì những chia sẻ thú vị này!

"Hiện nay, xu hướng thế giới đang tìm kiếm các nguồn cung cấp thực phẩm khác nhau do sự biến đổi khí hậu, môi trường gây ra sự cạn kiệt dần. Điều đó được chứng minh khi châu Âu ra điều luật chấp nhận sử dụng côn trùng làm nguyên liệu thực phẩm.

Tại Việt Nam, phải nói việc nuôi côn trùng, đặc biệt là dế, đã có từ lâu nhưng chưa bài bản và thương mại. Trước đây người dân đã sử dụng làm món ăn nhưng chưa bài bản, có hệ thống. 

Hệ thống nuôi dế của Cricket One đã phát triển nhiều năm nay. Trong đó, họ đã tạo sự bài bản từ khâu nuôi, chăm sóc, đến chế biến với nhiều công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Dựa vào ưu thế bảo vệ môi trường, lượng đạm cao hơn so với nhiều nguyên liệu động vật khác, đồng thời là xu hướng tìm kiếm thực phẩm cho tương lai thì dế nói riêng và côn trùng nói chung sẽ là một hướng đi mới và bền vững, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang theo đuổi", PGS.TS Kha Chấn Tuyền (Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Nông Lâm TPHCM) chia sẻ.

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 27

Nội dung: Huy Hậu

Ảnh: Minh Duy, NVCC

Thiết kế: Đỗ Diệp

Cú cứu nguy từ Bộ Nông nghiệp và hậu trường đưa côn trùng lên bàn ăn EU - 29