1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dấu ấn APEC sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình hội nhập

(Dân trí) - “Chúng tôi hết sức mong muốn và nghĩ rằng cái chúng ta sẽ đạt được sau APEC là các thành viên sẽ nhớ Việt Nam, muốn quay lại Việt Nam du lịch, đầu tư, hợp tác. Dấu ấn này sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong tiến trình hội nhập”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đã bày tỏ hi vọng như vậy trong cuộc họp báo với các phóng viên trong và ngoài nước chiều qua (9/11).

Xin ông cho biết, việc Việt Nam vừa gia nhập WTO sẽ có tác động tích cực, trực tiếp gì đến việc chuẩn bị cũng như quá trình tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC của chủ nhà?

Một trong những trọng tâm của APEC là thúc đẩy thương mại đa phương. Trong suốt thời gian qua nhất là năm 2006 khi Việt Nam chưa gia nhập tổ chức thương mại Thế giới, nhưng Việt Nam đã hoạt động hết sức tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán Doha cùng với các thành viên APEC thúc đẩy hệ thống kinh tế thương mại đa phương.

Việt Nam gia nhập WTO có thể nói là đỉnh cao trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và kinh tế khu vực. Chính vì lẽ đó giúp cho kinh tế Việt Nam có lực để đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình APEC và thúc đẩy vòng đàm phán Doha được nối lại.

Như vậy với việc Việt Nam gia nhập WTO, thắng lợi của hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 sẽ trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Xin ông cho biết thông tin chi tiết về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bush, những hoạt động của ông Bush tại Việt Nam và những nội dung của đàm phán song phương Việt - Mỹ?

Cả phía Mỹ và Việt Nam đều đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm này. Hai nước rất coi trọng và đánh giá cao các cuộc trao đổi sắp tới giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ sẽ có các cuộc hội đàm trao đổi với các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Hai bên sẽ cùng nhau nhìn lại những phát triển trong quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là từ sau chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ năm ngoái.

Hai bên cũng sẽ bàn thảo, thương lượng về mục tiêu trong tương lai trong quan hệ hai nước, các bước đi cần thiết để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực: an ninh, kinh tế, đầu tư, thương mại.

Hồi đầu tuần vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói rằng ông hi vọng, PNTR được thông qua trước khi Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam, nhưng kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ vừa qua cho thấy, điều này khó có thể làm được?

Phản ứng của chúng tôi trong chuyện này có lẽ cũng là phản ứng bình thường như các quốc gia khác trong tình huống tương tự. Trước hết cả phía Việt Nam và phía Mỹ đều muốn giải quyết một số vấn đề còn tồn tại và chính phủ hai bên đã phấn đấu trước khi Tổng thống Mỹ sang Việt Nam các vấn đề này được giải quyết xong.

Chúng tôi hi vọng Tổng thống Mỹ cố gắng làm sao để thủ tục pháp lí của Mỹ được giải quyết, sớm thông qua PNTR. Nếu chưa được thì thật đáng tiếc cho cả Việt Nam và Mỹ.

Nội dung của hội nghị APEC rất nhiều, với tư cách là chủ nhà, Việt Nam muốn nhấn mạnh vào điểm gì trong hội nghị?

Chúng tôi nghĩ rằng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đều có ý nguyện là làm sao sau năm 2006 tiến trình hợp tác APEC sẽ mang theo dấu ấn Việt Nam. Theo tôi có 3 dấu ấn để sau 2006 tên Việt Nam, hình ảnh Việt Nam sẽ được các nền kinh tế APEC tôn vinh.

Thứ nhất, về nội dung chúng ta đã đưa ra chủ đề năm APEC 2006 cho hôm nay, cho tương lai của APEC và được các nền kinh tế đánh giá rất cao.

Thứ hai, chúng ta đã đưa ra được sáng kiến và có những nội dung hết sức quan trọng, trong đó nổi lên là kế hoạch hành động Hà Nội. Kế hoạch này là định hướng cụ thể để triển khai mục tiêu Bogo 2020. Một nội dung nữa cũng ghi đậm dấu ấn Việt Nam là tiến trình cải cách APEC: APEC cần cải cách, ai cũng muốn cải cách nhưng lâu nay chưa làm, đến 2006 Việt Nam mới đưa ra chủ hướng kế hoạch cải cách.

Dấu ấn thứ ba mà chúng tôi ghi nhận đó là tình cảm, lòng mến khách, tính nhân văn của con người Việt Nam thông qua cách đón tiếp điều hành hội nghị kể cả về mặt nội dung và hình thức.

Cấn Cường (ghi)

Dòng sự kiện: APEC 14 - Vietnam 2006