1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với Thủ tướng, Bộ trưởng

(Dân trí) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các thành viên Chính phủ để nâng cao trách nhiệm cơ quan điều hành đất nước; trong khi đoàn Phú Thọ đề xuất định kỳ ngắn hơn…

Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với Thủ tướng, Bộ trưởng
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý

Trước hết, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý - cơ quan thẩm tra Đề án đổi mới hoạt đột của Quốc hội - cho biết cơ quan thẩm tra tán thành nội dung đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tán thành với việc giao cho UB Thường vụ xây dựng Quy chế quy định cụ thể.

Tuy nhiên ông Lý cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc dùng khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” hay “lấy phiếu tín nhiệm”, bởi vì bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hiện đã được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội… Vấn đề mới đặt ra là Nghị quyết 4 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI có nêu chủ trương “lấy phiếu tín nhiệm” đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chứ không phải “bỏ phiếu tín nhiệm”.

Tổng hợp ý kiến các đại biểu, các đoàn đại biểu Quốc hội để xây dựng quy chế khả thi để thực hiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm theo hướng hàng năm xem xét kết quả hoạt động của Chính phủ và thành viên của Chính phủ cho kết quả, hầu hết ý kiến thống nhất đề nghị bỏ quy định phải có đủ ít nhất 20% số đại biểu Quốc hội đồng ý mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Các đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các thành viên Chính phủ để nâng cao trách nhiệm của các cán bộ thuộc diện này. Đoàn Phú Thọ ý kiến thêm, việc bỏ phiếu tín nhiệm cần được quy định trong 2 trường hợp: như hiện nay và định kỳ sau những khoảng thời gian nhất định.

Về công tác giám sát, UB Pháp luật đánh giá, dù trong những năm qua đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Dẫn đến tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là do việc hướng dẫn thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, nhất là việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật về trình tự, thủ tục tiến hành giám sát, việc xử lý kết quả giám sát, nghiên cứu tiếp thu kết quả giám sát. Một số cơ quan chịu sự giám sát, cũng như một số chủ thể tham gia vào hoạt động giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, như việc thực hiện kiến nghị giám sát, theo dõi thực hiện kiến nghị, kết luận giám sát…

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cơ quan thẩm tra tán thành hướng tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại Hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp. Tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giữa 2 kỳ họp. Thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chất vấn, giải trình; có thể tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp và trực tuyến để đại biểu tham gia, nhân dân theo dõi, giám sát.

P.Thảo