1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Điểm mặt” 1 số siêu sai phạm của Cosevco

(Dân trí) - Với cương vị Tổng Giám đốc Cosevco 7 năm (từ 1999-2005), ông Trần Xuân Đính đã điều hành 161 dự án lớn, nhỏ gây thua lỗ trên 4.000 tỷ đồng, đó là chưa kể đến khoản nợ 1.500 tỷ do đích thân ông Đính bảo lãnh cho các đơn vị trực thuộc vay.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các sai phạm lớn được “điểm danh” như: Dự án nhà máy ván ép MDF, Dự án nhà máy xi măng và dây chuyền sản xuất bao bì Sông Gianh tại Quảng Bình, Dự án nhà máy thép tại Đông Hà, Quảng Trị…

Đứng đầu bảng với Dự án nhà máy chế biến ván ép MDF là hàng loạt những sai phạm của Cosevco trong Dự án nhà máy xi măng và dây chuyền sản xuất bao bì Sông Gianh tại Quảng Bình.

Trong quá trình đàm phán với nhà thầu, trưởng đoàn đàm phán phía Cosevco là ông Tổng Trần Xuân Đính đã không tính toán đến yếu tố trượt giá khi thanh toán bằng tiền EUR, gây thất thoát 540 tỷ đồng.

Ban đầu Dự án ký đầu tư công nghệ thiết bị có xuất xứ từ châu Âu với trị giá gần 64 tỷ đồng. Sau đó, ông Trần Xuân Đính đồng ý chuyển đổi sang đầu tư thiết bị công nghệ có xuất xứ từ châu Á có trị giá thấp hơn nhưng lại lờ đi phần chênh lệch giá. Dự án được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng triển khai từ 2003 đến 2005 đưa vào hoạt động nhưng cho đến nay vẫn chưa quyết toán được.

Nhiều hạng mục phải bỏ dở do “sự cố” hoặc không phát huy hiệu quả như đường băng chuyền trung chuyển xi măng đặt tại cảng Lèn Bảng (đầu tư gần 200 tỷ đồng) phải ngưng hoạt động từ năm 2007 do bất ngờ bị sập đổ; dây chuyển sản xuất bao xi măng được đầu tư 46 tỷ đồng nhưng sản phẩm lại không đáp ứng được yêu cầu của thị trường…

Một dự án nhiều sai phạm khác của Cosevco là nhà máy thép Đông Hà (Quảng Trị). Không một ngân hàng nào đồng ý cho vay nhưng Tổng Giám đốc Đính vẫn ký phê duyệt dự án với tổng vốn đầu tư 254 tỷ đồng và thông báo mời thầu rình rang.

Sau đấu thầu, Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển chi nhánh Quảng Trị đồng ý cho Cosevco vay 100 tỷ đồng. Cosevco đã đặt cọc nhà thầu Hang Simac 7,5 tỷ đồng (năm 2004) từ tiền trung chuyển từ Quỹ để mở thư tín dụng. Sau thời gian quy định, nhà thầu thông báo đặt cọc đợt 2 nhưng Cosevco phải im lìm vì không thể vay thêm vốn cho dự án.

Không có tiền đặt cọc cho nhà thầu, dự án dở dang gây tổn thất hàng chục tỷ đồng bao gồm tiền đặt cọc đợt 1 bị mất trắng và các khoản tiền lương, chi phí tiến hành xây dựng một số hạng mục, tiền chạy ngân hàng để vay vốn…

Đó là những sai phạm nghiêm trọng nhất của Cosevco trong hàng loạt những dự án lớn, nhỏ mắc sai phạm gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ đã có kết luận Cosevco còn có dấu hiệu lập chứng từ khống để rút tiền nhà nước. Tính riêng năm 2006, chi phí văn phòng của Cosevco đã chi 13 tỷ đồng, trong đó tiền tiếp khách hơn 2 tỷ đồng.

Theo đó nguyên Chủ tịch HĐQT Cosevco Trần Xuân Đính và 6 thuộc cấp gồm: Nguyễn Anh Dũng, Hoàng Công Uyên, Đặng Ngọc Thành, Hồ Sĩ Quảng, Lê Chơn và Nguyễn Khắc Thương đồng loạt bị đề nghị xử lý hình sự. Riêng ông Đính ngay khi bị bắt đã bị Thành ủy Đà Nẵng và Bộ Xây dựng đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ công tác.

Không chỉ dư luận thành phố Đà Nẵng quan tâm vụ việc mà “thót tim” hơn cả là hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của Cosevco đang lo lắng cho công việc hiện tại khi ông Chủ tịch HĐQT bị bắt. Ngay trong tuần này, đoàn công tác của Bộ Xây dựng sẽ về làm việc với Cosevco để ổn định tình hình và có thể sẽ bổ nhiệm mới ngay lãnh đạo mới.

Nhóm PVMT