1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp o lái đò “qua sông Cam Lộ”

(Dân trí) - 35 năm trước, trong lần vượt sông Hiếu vào chiến trường Quảng Trị, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã bắt gặp nụ cười hồn hậu mà hiên ngang của o du kích lái đò. Khoảnh khắc quý giá ấy được ông vội vã ghi lại, để cho ra đời tấm ảnh “Qua sông Cam Lộ”. 35 năm sau, ông lại gặp o du kích chèo đò năm xưa, cũng bên dòng sông Hiếu...

Cuộc hạnh ngộ sau 35 năm

 

Những hồi chuông từ chiếc điện thoại bàn cũ kỹ vang lên đúng 12 giờ trưa. O Hoàng Thị Phấn dừng công việc thường ngày o vẫn làm từ mấy chục năm qua, dưới mái nhà nhỏ bạc phếch màu mưa nắng ở thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị. Đầu dây bên kia vang lên một giọng Bắc trầm ấm: “O Phấn đó phải không? Tôi và động đội của o đang chờ o ở Đông Hà”.

 

Lục tìm trong ký ức, o Phấn chẳng thế nhớ nổi ai là chủ nhân của giọng nói kia. Nhưng sáng sớm hôm sau, o Phấn vẫn đón xe về Đông Hà. O vội vã lắm vì đợi o là những đồng đội của thời o còn là du kích xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, hồi những năm 1968-1972.

 

Sau phút tay bắt mặt mừng, đồng đội mới cho o biết, người gọi điện thoại cho o chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. Ông chủ đích tìm gặp o, người con gái đã đi vào quá khứ của ông, bằng bức ảnh “Qua sông Cam Lộ”.

 

Buổi chiều kỷ niệm 35 năm giải phóng thị xã Đông Hà, hoà vào dòng người đổ ra bờ sông Hiếu thả nến, hoa xuống dòng sông, o Phấn rưng rưng nhận từ tay nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính tập sách ảnh “Khoảng khắc” của ông, trong đó có bức ảnh o đang chèo đò đưa bộ đội qua sông. Trong ảnh, nụ cười hồn hậu mà hiên ngang của o cùng các chiến sĩ trên chuyến đò như toả sáng cả dòng sông.

 

O chỉ tay vào người chèo lái phía sau, bùi ngùi: “O Thuận hy sinh rồi bác ơi, chỉ mấy ngày sau khi đưa bác và các anh bộ đội qua sông”. Hình như nơi khoé mắt già nua của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính có giọt nước mắt rưng rưng...   

 

Khoảnh khắc o lái đò “Qua sông Cam Lộ”

 

Quá khứ bắt đầu trở lại bằng những câu chuyện của o Phấn. Khoảng tháng 4/1972, lúc đó xã Cam Thanh đã giải phóng hoàn toàn. Trung đội du kích xã Cam Thanh có nhiệm vụ chở bộ đội vượt sông Hiếu để tiến sâu vào chiến trường.

 

 

Gặp o lái đò “qua sông Cam Lộ” - 1
 

Bức ảnh "Qua sông Cam Lộ"

(Chụp lại từ tập sách ảnh "Khoảnh khắc").

 

Buổi trưa hôm ấy, o với o Thuận cùng Trung đội du kích xã Cam Thanh nhận được lệnh phải gấp rút chuẩn bị đò đưa các chiến sĩ C14 (bộ đội công binh thuộc Sư đoàn 308) vượt sông Hiếu vào đánh Trung đoàn thiết giáp nguỵ có trên 40 xe đang án ngữ ở phía cầu Lai Phước. Trung đoàn thiết giáp này, quân ta đã nhiều lần kêu gọi nhưng chúng không chịu đầu hàng. Lúc ấy, o cũng như đồng đội chỉ nghĩ đến việc làm sao chèo đò đưa các chiến sĩ qua sông an toàn. Khi đò ra đến giữa sông, mấy anh bộ đội người Bắc thay phiên nhau kể chuyện tiếu lâm làm cả khúc sông vang lên tiếng cười.

 

Có lẽ chính vào khoảnh khắc ấy, trước tinh thần lạc quan của các anh, các chị trước khi bước vào trận đánh nguy hiểm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã thăng hoa tay máy. Suốt ngày hôm đó, o Phấn với Trung đội du kích xã Cam Thanh chở 4 chuyến đò đưa bộ đội qua sông. Nhiều người trong số đó đã không quay trở lại. Năm đó o Phấn vừa tròn 18 tuổi.

 

Cuộc đời lắm nỗi buồn

 

O Phấn kể, năm 1975, theo sự phân công của nhà nước, o lên xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông) bán hàng phục vụ bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Nhận nhiệm vụ mới, vượt chặng đường gần 40 cây số, đến nơi ngó trước nhìn sau chỉ thấy xung quanh là núi rừng hoang vu.

 

Năm 1977, o kết duyên với ông Nguyễn Ngọc Quảng, một trong số những anh bộ đội thường đến mua hàng chỗ o. Cuộc đời o tưởng sẽ vui hơn từ đó. Nhưng hai vợ chồng ở với nhau mãi chẳng có con. Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế chẩn đoán vợ chồng o không thể có con bởi những năm tháng đóng quân ở Rừng Ma, có thể ông Quảng đã nhiễm chất độc dioxin.

 

O đã khóc rất nhiều, nhưng vẫn quyết định gắn bó cuộc đời với ông. Giờ vợ chồng o cùng nhau nuôi lợn, nấu rượu, tự chăm sóc lẫn nhau.

 

Phút chia tay, o nói cuộc đời o có lắm nỗi buồn, niềm vui; nhưng hạnh phúc của đời o là gặp được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, để biết rằng một tuổi xuân tươi đẹp, hào hùng của đời mình đã được ghi lại - một khoảnh khắc trở thành mãi mãi.

 

Sĩ Hoàng