1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giải pháp chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội gây tranh cãi

Nói về ý kiến <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/12/158957.vip">cấm xe máy một số tuyến phố</a>, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cho biết, cảnh sát giao thông đang phối hợp với Sở GTCC khảo sát các tuyến trọng điểm. Trước mắt, có thể cấm xe máy vào giờ cao điểm.

“Các ngành đều phải hy sinh quyền lợi khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng. Các cơ quan chức năng của Hà Nội đang tìm mọi biện pháp để giảm ùn tắc trong giờ cao điểm”, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh nhấn mạnh. Ông cho biết, sau khi thành phố cho phép tự do đăng ký xe máy đã có gần 60.000 xe đăng ký mới trong năm 2006. Trong khi hạ tầng thành phố không đáp ứng thì nguy cơ ùn tắc và tai nạn tăng cao.

 

Theo ông Nhanh, đề xuất giảm tần suất hoạt động xe buýt vào giờ cao điểm, từ 5 phút tăng lên 10 phút cho một lượt xe chạy, sẽ giãn mật độ xe trên đường, giảm được ùn tắc. Tương tự với xe du lịch, chỉ cho phép dưới 26 chỗ hoạt động đưa đón khách ra sân bay vào giờ cao điểm.

 

Cảnh sát giao thông sẽ rà soát các điểm đỗ ôtô trên địa bàn, những địa điểm gây cản trở giao thông sẽ giải tỏa để trả lại lòng đường cho phương tiện. Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích những cá nhân, tổ chức có diện tích để kinh doanh trông giữ xe, đáp ứng nhu cầu đỗ xe trong nội đô.

 

Ngành xe buýt lên tiếng phản ứng

 

“Nếu giảm 30% số xe buýt tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân thì nguy cơ ùn tắc sẽ càng nghiêm trọng, bởi giảm xe buýt là tăng người đi xe máy”, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, nhận xét về giải pháp chống ùn tắc mà Liên ngành Giao thông - Công an Hà Nội vừa đưa ra.

 

Ông Dũng cho hay, một ngày xe Hanoibus chạy trên 55 tuyến, vận chuyển 900.000 lượt người/ngày. Do vậy, nếu giảm 30% số lượt chạy xe thì có khoảng thêm 200.000 lượt người đi bằng xe máy, càng gây ùn tăc giao thông. Đề xuất giảm những tuyến Đống Đa, Thanh Xuân càng bất cập bởi lượng người đi tuyến này rất cao.

 

“Nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân vẫn rất cao, khoảng 10%/năm. Trong khi đó, Hanoibus vẫn thường xuyên quá tải, chưa thể đáp ứng nhu cầu. Nếu giảm số lượt chạy, thì càng gây quá tải. Người đi xe buýt sẽ quay trở lại đi xe máy”, ông Dũng khẳng định.

 

Đề xuất của Công an Hà Nội là xe buýt trên 30 chỗ không hoạt động ở đường 10m trở xuống. Theo ông Bùi Xuân Dũng, đường dưới 10m ở Hà Nội chiếm khoảng 70%. Đường lớn và đường nhỏ đan xen nhau. Do vậy, quy định xe nhỏ chạy đường nhỏ là khó khả thi. Ngoài ra, khi đổi xe buýt lớn sang xe nhỏ mà số khách vẫn giữ nguyên thì lượt chạy xe nhiều hơn, vẫn tăng nguy cơ ùn tắc giao thông.

 

 

Giải pháp chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội gây tranh cãi  - 1
 

 

Ông Bùi Xuân Dũng còn cho rằng, đề xuất điểm đỗ xe buýt cách nhau 1.000m để giảm tần suất xe chạy vào điểm đỗ cũng khó thực hiện. Bởi điểm đỗ phải gắn với nhu cầu của người đi xe buýt. Nguyên tắc chung của nhiều quốc gia là điểm đỗ cách nhau 500m. Với những điểm đỗ của Hanoi bus cách nhau 200-300m sẽ được giãn cách rộng hơn.

 

“Cấm xe trên 26 chỗ là tiêu diệt ngành du lịch”

 

Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch, cũng phản đối quyết liệt đề xuất chỉ cho xe du lịch dưới 26 chỗ hoạt động cả ngày, hạn chế xe trên 26 chỗ. Theo ông Bình, nếu đưa ra quy định này là tiêu diệt ngành du lịch. Bởi hầu hết xe du lịch là xe trên 26 chỗ, đáp ứng chuyên chở các khách đoàn. Đoàn khách lớn không thể xé lẻ ra để đi thành nhiều xe.

 

“Tôi thấy chưa có quốc gia nào trên thế giới cấm xe du lịch cỡ lớn hoạt động. Ngành giao thông cần sắp xếp các tuyến đường cho xe du lịch đi lại, chứ không thể cấm xe hoạt động. Cấm không phải là biện pháp tốt”, ông Bình bày tỏ.

 

Theo đề xuất của Công an thành phố, sẽ xóa khoảng 30-40% điểm đỗ xe trên đường, vỉa hè. Hiện thành phố có 139 điểm đỗ xe, trong đó sử dụng hè, đường phố là 131 điểm, chiếm 75.000m2. Ngoài ra, xe chỉ được phép đỗ tối đa không quá 90 phút, không được đỗ qua đêm ngoài đường. 

 

Ông Hoàng Duy Hùng, Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho rằng, việc hạn chế điểm đỗ tại lòng đường là rất khó thực hiện. Bởi vỉa hè không có rào chắn, trong khi đó, nhu cầu đỗ xe ngày càng tăng, điểm đỗ công cộng chưa có nhiều. Khi thiếu phương tiện và người thực hiện thì không thể giải tỏa ôtô khi vi phạm. Riêng cảnh sát giao thông khó đảm đương được công tác này.

 

Cần xây cầu vượt, phụ thu phí phương tiện

 

Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, từng là Phó giám đốc Sở GTCC Hà Nội, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT Hanoibus cho rằng, cấp thiết nhất hiện nay là phải xây dựng cầu vượt cho người đi bộ. Từ năm 2001, Hà Nội đã dự định xây 5 cầu vượt cho người đi bộ, song đưa ra lấy ý kiến thì các nhà kiến trúc cho rằng, ảnh hưởng tới mỹ quan của thành phố. Do vậy, kế hoạch này không thực hiện được.

 

Chủ tịch Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng ủng hộ đề xuất phụ thu phí xe máy, ôtô hàng năm. Dự kiến phụ thu xe máy tính vào xe đăng ký mới, với ôtô sẽ thu khi đăng kiểm. “Nguồn kinh phí này sẽ đầu tư vào phát triển xe điện và làm giảm phần nào sự tăng trưởng của xe máy, ôtô. Với hơn 58.000 xe máy tăng trong năm nay, chưa kể ôtô. Đã đến lúc phải cơ cấu lại phương tiện, nếu không năm sau người dân sẽ không thể đi được nữa”, ông Dũng nhận xét.

 

Ông Trần Đức Thắng, Đội trưởng Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông, cũng ủng hộ phương án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ. Tại các vạch sơn qua đường phải có biển cảnh báo để hướng dẫn người đi xe máy. “Nhiều nơi trong thành phố cần xây cầu vượt. Bởi lưu lượng phương tiện qua lại lớn, người đi bộ qua đường vẫn nguy hiểm dù đã có vạch sơn, như ngã tư Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng”, ông Thắng nhận xét.

 

Hiện Sở GTCC đã chỉ đạo Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị khảo sát thiết kế một cầu vượt cho người đi bộ qua đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn trước cửa trường Đại học Luật hoặc Học viện hành chính quốc gia).

 

Theo Đoàn Loan

VnExpress