1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện lạ về “nàng Bạch Tuyết” và 7 chú lùn ở Nam Định:

Kỳ 2: Nỗi buồn của đại gia đình nhiều người lùn nhất Việt Nam

Đại gia đình người lùn này có một ý chí, nghị lực rất cao, luôn khát khao vươn lên để tự kiếm sống. Song bệnh tật và sự khốn khó cứ càng ngày càng siết chặt lấy cuộc đời họ.

Nhà nghèo, không có điều kiện bày vẽ, nên ông Thiêm và bà Mơ tổ chức cưới cho anh chàng lùn Phạm Văn Tuyến và cậu em Phạm Văn Tới (cao ráo, bình thường) cùng một ngày. Nhà trai tổ chức ăn uống, rồi chia làm 2 ngả đi đón dâu. Đám cưới diễn ra rất vui. Cũng như ngày ông Thiêm lấy vợ, cả làng kéo đến xem cảnh anh chàng Tuyến lùn lấy được cô vợ cao khiến ruộng ngô trước nhà nát sạch sẽ.
 
Vợ chồng anh Tuyến học theo bố mẹ, đẻ tằng tằng liên tiếp 3 đứa con, hy vọng vớt vát được đứa cao ráo giống mẹ. Cậu con cả tên Toàn năm nay 22 tuổi, song chỉ cao hơn một mét, chân cứ khuềnh khoàng rất khó đi. Cậu thứ hai tên Luân lùn nhất đại gia đình này, khi đã 20 tuổi mà chỉ cao 70cm. Cả hai đều theo đoàn xiếc đi biểu diễn ở TPHCM. Cũng may mà cô con út Phạm Thị Lan lại cao ráo như người bình thường. Nhà nghèo, không có điều kiện học hành, nên học xong lớp 9, Lan đi làm nghề giúp việc gia đình ở TP Nam Định kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ.
 
Kỳ 2: Nỗi buồn của đại gia đình nhiều người lùn nhất Việt Nam - 1
Chị Lơi và đứa con cao ráo nhưng lại bị suy thận.

Người dân vùng biển Nghĩa Hưng ai cũng khâm phục nghị lực của bố con ông Thiêm. Ngày còn trẻ, anh Tuyến thường theo bố ra biển câu cá và anh câu cá rất giỏi. Những người con, người cháu dù lùn tẹt, song cũng đều lang bạt mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Hầu hết đều tham gia vào các đoàn xiếc, các câu lạc bộ văn nghệ tình thương, đi bày trò cho thiên hạ để kiếm sống.

Tuy nhiên, những công việc này thường không ổn định, bấp bênh. Cuộc sống nay nơi này, mai nơi khác khiến họ rất vất vả, dễ đổ bệnh. Mà người lùn thường lắm bệnh tật. Ở tuổi 47, anh Tuyến rất yếu vì mắc đủ thứ bệnh. Anh không đi biển được nữa, chỉ ở nhà phụ giúp vợ những việc lặt vặt. Mọi gian khổ đổ cả lên vai vợ.

Anh Phạm Văn An là người khá giỏi giang trong đoàn xiếc, từng vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh An cũng lấy được người vợ cao ráo, quê ở tận Thái Nguyên, nhưng người vợ thuộc hạng ngớ ngẩn, đứa con được 3 tuổi thì bỏ nhau.
 
Kỳ 2: Nỗi buồn của đại gia đình nhiều người lùn nhất Việt Nam - 2
Anh An đang biểu diễn xiếc để kiếm sống.

Một mình anh An lang bạt kiếm sống, nên phải gửi con về nhờ anh Tuyến nuôi hộ. Hồi thằng bé vào lớp 1, vợ chồng anh Tuyến khổ sở vì cái giấy khai sinh. Bố họ Phạm, mẹ họ Đồng, nhưng con lại họ… Nguyễn! Hai người lấy nhau không đăng ký kết hôn, khi đi khai sinh cho con, lẽ ra lấy họ bố hoặc họ mẹ, thì chị ta lại viết họ Nguyễn vào giấy khai sinh. Không mang họ bố, cũng không mang họ mẹ, nên giờ không biết thằng cu Đoàn là con của ai. Hiện tại cháu Đoàn khỏe mạnh như thường, nhưng chưa qua tuổi dậy thì thì chưa chắc chắn lắm.

Thương nhất là hai cô em của anh Tuyến là chị Lơi và chị Mừng. Hai người phụ nữ này có khuôn mặt khá ưa nhìn, chỉ tội tay và chân thì ngắn cũn cỡn. Hai chị em chỉ cao chừng 1m.

Tuy sức vóc chẳng bằng người, song cần cù, chịu khó, khéo tay, nên chị Lơi được một xưởng may ở TP Nam Định nhận vào làm. Một người đàn ông hàng xóm đã có vợ con thương xót cho một đứa con. Hồi cháu Nam 4 tuổi, chị đã đưa cháu lên bệnh viện tỉnh xét nghiệm và được kết luận cháu sẽ phát triển bình thường.

Tuy nhiên, năm lên 7 tuổi, cháu Nam bị suy thận mãn tính. Đại gia đình người lùn có bao nhiêu tiền đều dồn hết cho cháu chữa trị. Thế nhưng, theo bác sĩ, nếu không thay thận cho cháu thì sớm muộn gì cháu cũng chết. Hoàn cảnh gia đình như thế thì lấy đâu ra tiền mà thay thận. Để kiếm sống nuôi đứa con bệnh tật, chị Lơi bế con vào TPHCM ở với anh An, hàng ngày đi bán vé số, bán tăm, có lúc đói khổ quá còn vác rá đi ăn mày.

Chị Mừng là con gái út, sinh năm 1980, có hàng chục năm đi theo đoàn xiếc người bay ở Hải Phòng biểu diễn kiếm sống. Chị cũng kiếm được một đứa con từ anh lái xe của đoàn xiếc. Bố thằng Huy là người to cao, nhưng khổ nỗi nó lại mang gen của mẹ, nên lùn tẹt. Mới 4 tuổi song Huy đã dừng phát triển chiều cao và bắt đầu phát triển chiều ngang.
 
Kỳ 2: Nỗi buồn của đại gia đình nhiều người lùn nhất Việt Nam - 3
Chị Mừng và cậu con mang gen lùn của mẹ.

Cậu bé Huy từ lúc sinh ra đã vạ vật theo mẹ đi biểu diễn khắp nơi, ngày ngồi trên xe ôtô, tối ngủ gầm cầu thang. Năm ngoái, sức khỏe chị Mừng kém quá nên buộc phải rời đoàn xiếc bế con về quê. Hiện tại, chị ở với mẹ đẻ, nhưng cuộc sống trông cả vào vợ chồng anh Tuyến. Chị Lê phải cấy cả mấy sào lúa để đại gia đình có miếng ăn.

Hiện tại, cuộc sống của đại gia đình người lùn này trông cả vào chị Lê, vợ anh Tuyến. Tuy nhiên, chị Lê cũng mắc đủ thứ bệnh. Nặng nhất là u bàng quan và sa dạ con. Chị đã mổ hai lần, song sức khỏe vẫn chưa ổn định. Nguồn thu chủ yếu của gia đình dựa vào hai cậu con lùn của chị đang hành nghề xiếc ở trong Nam. Mỗi tháng, hai cậu gửi về cho anh chị vài trăm ngàn, có tháng chẳng có đồng nào.

Nhắc đến anh An, anh Tuyến rơi nước mắt. Mấy năm trước, trong một lần biểu diễn, anh An bị tai nạn nghiêm trọng. Trong tiết mục biểu diễn phun lửa, thay vì đưa chai dầu, người phục vụ lại đưa chai xăng. Khi ngậm xăng phun vào lửa, lửa đã bén cháy đen khuôn mặt. Tuy được cứu sống, nhưng anh An mang tật cả đời.

Rời mảnh đất ven biển đầy nắng và gió, tôi mang một tâm trạng nặng nề. Đại gia đình người lùn này có một ý chí, nghị lực rất cao. Họ tự vươn lên để kiếm sống. Tuy nhiên, tôi có cảm giác, bệnh tật và sự khốn khó cứ mỗi ngày thêm siết họ lại.

Theo Phạm Ngọc Dương
VTC News