1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023: Đánh thức di sản công nghiệp

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang "say ngủ" thành tổ hợp sáng tạo, thẩm mỹ.

Sáng 13/11, Sở Văn Hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức buổi họp báo thông tin các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Lễ hội năm nay có chủ đề "dòng chảy", tập trung vào 3 trụ cột chính là thiết kế, cộng đồng và sáng tạo; nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Tuyến trải nghiệm của lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông Hồng qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, lễ khai mạc được tổ chức vào 19h30 ngày 17/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023: Đánh thức di sản công nghiệp - 1

Quang cảnh buổi họp báo sáng nay (Ảnh: Nam Anh).

Phát biểu tại buổi họp báo, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, nhấn mạnh lễ hội là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Theo ông Hồng, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn của lễ hội năm nay, có tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới vô cùng hấp dẫn giới trẻ của Hà Nội.

Đánh dấu năm thứ 3 tổ chức, lễ hội năm nay diễn ra ở quy mô lớn, là nơi các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo trong mọi lĩnh vực từ thiết kế, nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng đến những đội ngũ thiết kế trong vận hành, tổ chức.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023: Đánh thức di sản công nghiệp - 2

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Nam Anh).

Trong thời gian diễn ra lễ hội dự kiến có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, hơn 20 trưng bày và triển lãm, hơn 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật.

Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Ông Hồng nhấn mạnh, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang "say ngủ" thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn, tại Hà Nội có những không gian bị ngủ quên nhưng từ lễ hội sẽ hướng đến việc đánh thức.

Ban tổ chức mong rằng đánh thức một cách rực rỡ để khơi nguồn sáng tạo, khơi nguồn dòng chảy, làm cho dòng chảy trở nên huyền diệu, hấp dẫn và đi vào tương lai.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023: Đánh thức di sản công nghiệp - 3

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn (Ảnh: Nam Anh).

Ông Sơn cho rằng, thời điểm tổ chức lễ hội rất đặc biệt khi Hà Nội đã đưa ra chiến lược mới phía sông Hồng nhằm phát triển hai bên bờ sông.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 mang tinh thần sáng tạo đã và đang được lan tỏa tới các quận, huyện và các làng nghề trên toàn thành phố, với sự tham gia của chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo và đổi mới trên các địa phương.

Lễ hội ngày càng được khẳng định và góp phần truyền cảm hứng sáng tạo, hứa hẹn trở thành một bệ phóng cho sức mạnh sáng tạo của Hà Nội, hướng đến hoạt động kinh tế của tương lai, bền vững và có tính lan tỏa tạo động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ khác phát triển.