1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Ngư dân liên kết bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

(Dân trí) - Ngư dân huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã thành lập hợp tác xã khai thác xa bờ đầu tiên, tiếp tục vươn khơi bám biển đánh vừa nâng cao sản lượng vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Hợp tác xã khai thác hải sản xa bờ Thành Thái có 15 xã viên. Đây là hợp tác xã khai thác hải sản đầu tiên của tỉnh Bình Định được thành lập với mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến hải sản; tạo điều kiện cho chủ tàu, ngư dân liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, phòng tránh thiên tai xảy ra trên biển. Bên cạnh đó nhằm góp quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp.

Ngư dân liên kết bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Hợp tác xã khai thác hải sản đầu tiên tại Bình Định vừa giúp ngư dân khai thác đạt hiệu quả vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tại Bình Định có khoảng 7.300 tàu cá, trong đó có khoảng hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ. Riêng huyện Hoài Nhơn có đội tàu hùng mạnh với gần 2.400 tàu cá, trong đó có hơn 1.400 tàu hoạt động khai thác xa bờ. Hàng năm, ngư dân huyện Hoài Nhơn khai thác hơn 42.000 tấn hải sản; riêng cá ngừ đại dương đạt trên 9.000 tấn, chiếm gần 80% tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản toàn huyện.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, nhờ tăng cường năng lực đánh bắt, nên sản lượng cá ngừ đại dương trong những năm gần đây luôn ở mức cao. Riêng  6 tháng đầu năm 2013 ngư dân trong tỉnh đã khai thác được 4.673 tấn cá ngừ đại dương, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng cá tăng nhưng ngư dân không vui vì giá cá ngừ đại dương liên tục giảm, hiện chỉ còn từ 45.000-50.000đồng/kg, nên hiệu quả hoạt động khai thác cá ngừ không cao.

Niềm vui của ngư dân với những chuyến biển cá đầy khoang
Niềm vui của ngư dân với những chuyến biển cá đầy khoang

Qua thống kê, đến cuối 2012, toàn huyện Hoài Nhơn đã thành lập 214 tổ đoàn kết, khai thác hải sản xa bờ. Tuy vậy, việc đánh bắt khai thác nguồn lợi hải sản trên biển của bà con ngư dân vẫn còn những khó khăn như thường xuyên bị nước ngoài bắt, giam tàu rồi đòi tiền chuộc làm cho nhiều chủ tàu nợ nần chồng chất nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Bên cạnh đó, chi phí xăng dầu, các loại vật tư cần thiết chuẩn bị cho mỗi chuyến ra khơi còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung ứng của các chủ vựa trên bờ, nhất là khi sản lượng khai thác đạt thì lại bị thương lái ép giá nên thu nhập của người đi biển chưa thực sự tương xứng với sức lao động của họ bỏ ra.

Vì vậy, việc ra đời hợp tác xã khai thác hải sản xa bờ Thành Thái sẽ phát huy tính cộng đồng trong khai thác hải sản. Trở thành một trong những hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Bình Định hoạt động trên lĩnh vực khai thác hải sản.

Theo ông Phạm Văn Thụy - Phó trưởng phòng kinh tế chính sách Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Định - cho biết: “Hướng thành lập hợp tác xã khai thác hải sản xa bờ là một trong những mô hình thiết thực để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. Mô hình này được Chính phủ và Nhà nước cũng như địa phương rất quan tâm. Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Định sẽ thường xuyên theo dõi hoạt động của hợp tác xã khai thác hải sản xa bờ Thành Thái, nếu phát huy tính hiệu quả cao chúng tôi sẽ tiến hành nhân rộng ra các địa phương khác”.

Sản lượng cá ngừ đại dương khai thác tăng mạnh nhưng giá bèo khiến ngư dân không vui
Sản lượng cá ngừ đại dương khai thác tăng mạnh nhưng giá bèo khiến ngư dân không vui

Theo đó, hợp tác xã hình thành với 15 thành viên, tài sản cố định là 6 tàu khai thác hải sản công suất từ 250CV/chiếc trở lên trị giá 15 tỷ đồng, vốn đóng góp tham gia hoạt động ban đầu của mỗi xã viên là 100 triệu đồng, giúp giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 60 lao động. Hợp tác xã sẽ hoạt động trên các lĩnh vực như đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ hướng tới phát triển hiệu quả và bền vững.

Lão ngư Trần Kim Bình - xã viên hợp tác xã - phấn khởi cho biết: “Với mô hình này, thì trong quá trình đánh bắt trên biển, ngư dân thường gặp nhân tai và thiên tai nên bà con rất ủng hộ. Tham gia hợp tác xã này, các thành viên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường để hợp tác đánh bắt, khai thác kịp thời các luồng cá tập trung; phân công tàu thuyền chuyên làm công tác hậu cần, cung ứng vật tư, hỗ trợ thông tin về thời tiết, thị trường tiêu thụ giúp cho ngư dân an tâm bám biển nhờ đó, hiệu quả kinh tế sẽ được nâng lên trong mỗi chuyến ra khơi”.

Ngoài tác dụng tương trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho ngư dân. Bên cạnh đó góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ tiềm năng kinh tế biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Doãn Công