1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Muốn mặc quần soóc đi làm!

(Dân trí) - Khi miền Bắc đang phập phồng nỗi ám ảm phải đối mặt với một đợt rét mới, lời đề nghị của nhà sử học Dương Trung Quốc có vẻ không hợp lý. Nhưng nhìn trên cục diện chung, đề nghị của ông nên được chia sẻ!

Mở đầu cuộc trò chuyện với Dân trí, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: Các cấp lãnh đạo vẫn còn lạnh lùng với sự biến đổi khí hậu quá. Trong khi đó, “bóng đen” của nó đã hiện diện ngày một rõ ở Việt Nam, thể hiện qua những đợt nóng, lạnh khốc liệt ở miền Bắc, lũ lụt triền miên ở miền Trung và triều cường đỏng đảnh ở miền Nam.

 

Và ông bắt đầu câu chuyện của mình…

 

“Có lần mặc quần soóc đến Bộ Văn hoá Thông tin, bảo vệ ở đây họ không cho tôi vào. Khi tìm gặp Thứ trưởng Bộ để hỏi “cho ra lẽ” thì ông Thứ trưởng chỉ cười và bảo đúng là không có văn bản nào của Bộ quy định không được mặc quần soóc!

 

Chúng ta đang sống trong một Trái đất đang ngày một nóng lên. Thủ tướng Nhật Bản vào nhiều năm trước đã mở ra một trào lưu ở nước mình là không mặc comple, thắt cravat để giảm bớt điện năng ở các máy điều hòa nhiêt độ - nguyên nhân số một gây khí thải các bon, kẻ thù số một của môi trường. Vậy, tại sao chúng ta không thể mặc quần soóc đến công sở được?”.

 

Thực ra thông điệp “quần soóc” của ông chính là mong muốn có một lời cảnh báo về sự biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam và chúng ta phải làm cách gì đó để sống chung được với nó?

 

Đúng vậy! Đối với thiên nhiên, chúng ta phải sớm nhận biết ra những thay đổi của nó để học cách thích ứng với nó. Tôi là một nhà sử học, tôi hiểu, sai lầm trong lịch sử chính là cha ông ta đã tìm cách chống trả với thiên nhiên.

 

Ví dụ, cha ông ta đã từng coi hệ thống đê điều là thành công. Nhưng khi Chúa Nguyễn mở rộng ra phương Nam, phần lớn những trí sĩ thời đó đã hiểu rằng đắp đê chính là một sai lầm của tổ tiên!

 

Chứng kiến sự thờ ơ của nhiều người khi coi hiện tượng biến đổi khí hậu là việc của ai đó và việc ở đâu đó chứ Việt Nam thì... còn lâu nên cần gì phải nghĩ tới. Dường như ông đã quá bức xúc vì bất lực?

 

Vào năm 2006, tại kỳ họp Quốc hội thứ XI, lần đầu tiên hiện tượng biến đối khí hậu được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân đề cập đến nhưng sau đó vấn đề này chỉ như một tiêng kêu lên rồi lọt thỏm.

“Tôi thực sự rất lo lắng khi thấy vấn đề này chưa được các nhà khoa học, các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, và dư luận xã hội ta quan tâm thích đáng. Cần nhấn mạnh rằng các công trình nghiên cứu quốc tế và trong nước đều chỉ rõ nước ta là một trong những nước đứng ở tuyến đầu của hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu”.

 

Trích thư của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi đến hội thảo lần đầu tiên dành cho báo chí về biến đổi khí hậu, do Đại sứ quán Anh phối hợp với Mạng lưới Báo chí Trái đất và Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam tổ chức ở Nghệ An - Hà Tĩnh từ 20-22/11/2007.

Tôi cũng đã đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu 3 lần trong các cuộc họp Quốc hội. Lần thứ nhất là một bản báo cáo, lần thứ hai là một bản kiến nghị. Và lần thứ 3 là chất vấn để nhắc rằng Việt Nam đã trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc thì chẳng thể thờ ơ với một vấn đề mang tính toàn cầu và đang tác động trực tiếp vào Việt Nam nên yêu cầu người đứng đầu Chính phủ cho biết ý kiến.

 

Hai lần đầu thì sau đó chìm ngay vào lãng quên, đến lần thứ 3 thì sau khi tôi chất vấn khoảng một tháng rưỡi, Bộ Tài nguyên - Môi trường có chuyển cho tôi một bản trả lời nhưng tất cả đều rất chung chung và... hầu như đều không giải quyết được gì cả.

 

Có vẻ như việc biến đối khi hậu là việc của 10, 20 năm sau nên không cần gì phải bàn tới! Dường như câu chuyện biến đổi khí hậu còn ở rất xa trong tư duy của mọi người.

 

Báo cáo của Chính phủ không mấy đả động tới, báo cáo về thiên tai của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phân tích nguyên nhân như lệ thường, không một câu chữ nào nói đến chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu, dự thảo của nghị quyết của Quốc hội cũng bỏ qua...

 

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự thờ ơ đối với hiện tượng biến đối khí hậu ở Việt Nam, trong khi các nhà khoa học đã khẳng định rằng vấn đề này đã đến lúc phải “sôi” lên?

 

Phải chăng sự thờ ơ ấy là biểu hiện một thứ tư duy nhiệm kỳ, cho rằng đó là việc của những thế hệ kế nhiệm mai sau và một tập quán cố hữu nước đến chân mới nhảy! Và cũng không biết cái câu ngạn ngữ “nước đến chân mới nhảy” có phải là là sự khái quát một trong những tính cách nổi trội của người Việt trong đời sống hàng ngày, đến mức người ta còn quả quyết rằng “nước đến chân mới nhảy... đẹp” hay “càng đẹp”?

 

Khi tôi gặp gỡ với một Trung tướng Hoa Kỳ, Giám đốc Trung tâm cứu trợ cứu nạn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông tướng này có nhận xét: Việt Nam có ưu thế ứng biến giỏi, tính cộng đồng cao nhưng như thế vẫn không đủ.

 

Vì Việt Nam đã hội nhập toàn cầu thì cũng phải nghĩ đến các vấn đề toàn cầu mà một trong những câu chuyện bức xúc nhất của toàn cầu chính là những biến động nguy hiểm đe doạ sự sống trên trái đất do sự thay đổi khí hậu mà thế giới họ vẫn gọi là sự biến đổi khí hậu. Gần 2 thập kỷ nay con người đã nhận ra nguy cơ này biểu hiện qua những hiện tượng thiên nhiên mà con người hứng chịu.

 

Vậy thưa ông, chúng ta có thể học được gì ở thế giới trong cách cảnh báo mối đe doạ của sự biến đổi khí hậu?

 

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Muốn mặc quần soóc đi làm! - 1
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc

(Ảnh: MM)

 

Nhìn ra bên ngoài thì thấy thiên hạ ngày càng khẩn trương hành động. Cách hành động của họ cũng rất thông minh, ấn tượng và không kém phần mạnh mẽ. Cách đây không lâu tôi nhận được tấm thiệp của Đại sứ Anh tại Hà Nội mời đến dự buổi lễ nhân ngày sinh của Nữ hoàng Anh.

 

Đây là một tấm thiếp rất đặc biệt khi ngay trong trang đầu đã dành để in ảnh những người vợ của ngư dân Việt Nam đang ngồi trên bờ nhìn ra biển động ngóng tin chồng con đang trên đường trở về.

 

Phía sau đó là trích đoạn những lời cảnh báo của các tổ chức quốc tế về nguy cơ nước biển dâng cao đối với Việt Nam. Những lời trên tấm thiệp cũng có ghi rõ rằng nước Anh muốn nhân cơ hội này để lưu ý người Việt Nam quan tâm hơn nữa đến vấn đề cấp bách này.

 

Và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã từng đích thân kinh lý xuống Nam Cực để thị sát tình hình băng tan ở đây. Ngay sau đó, ông đã đưa ra lời tuyên bố rằng nguy cơ này đã trở nên khẩn cấp và Liên Hợp Quốc coi đây là một ưu tiên trong chương trình hành động của mình.

 

Rồi Tổng thống Indonesia trước khi diễn ra cuộc hội nghị toàn cầu bàn về chuyên đề Biến đối khí hậu được tổ chức tại thành phố Bali… cũng đã đi xe đạp cùng công chúng để vận động họ…

 

Còn ở Việt Nam, có lẽ mọi việc nên bắt đầu bằng việc bình thường hoá việc mặc quần soóc đến công sở! Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Mai Minh (thực hiện)