1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Nhiều khó khăn khi áp dụng phân làn xe trên đường Hà Nội

(Dân trí) - Ngày 20/9 tới, Hà Nội sẽ thực hiện phân làn xe trên 5 tuyến phố. Thành phố đã từng có những lần phân làn xe thất bại và nhiều người băn khoăn, liệu lần phân làn này có vượt qua được những khó khăn từ thực tế giao thông Hà Nội.

Việc phân làn xe sẽ được thực hiện trên 5 tuyến phố: Kim Mã, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Bà Triệu, phố Huế - Hàng Bài.
 
Làn đã phân vẫn mạnh ai nấy đi
 
Hà Nội từng ba lần thực hiện thí điểm phân làn giao thông theo phương tiện: năm 2005 với tuyến Kim Mã; năm 2008 với tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân; năm 2009 với tuyến Giải Phóng. Tuy nhiên, hiện nay trên các tuyến đường này dòng phương tiện vẫn lưu thông rất lộn xộn: ô tô, xe máy, xe đạp đi lẫn vào các làn đường.
 
Nhiều khó khăn khi áp dụng phân làn xe trên đường Hà Nội - 1
Mặc dù đã có biển báo bên trên nhưng ô tô, xe máy lưu thông lộn xộn trên đường Kim Mã

Tại các điểm đầu, giữa và cuối hay các điểm giao cắt trên đường Kim Mã đều treo những tấm biển báo rất lớn ghi rõ lối đi cho từng làn xe ô tô, xe máy, xe đạp. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ngành giao thông từ năm 2005 đến nay chưa phát huy hiệu quả. Theo quan sát của phóng viên Dân trí, dòng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này rất lộn xộn, theo kiểu mạnh ai nấy đi, không để ý đến biển báo.

“Giai đoạn đầu phân làn, người điều khiển ô tô, xe máy tuân thủ khá nghiêm, nhưng sau này tôi thấy không ai tuân thủ nữa. Vào giờ cao điểm, tắc đường, ô tô dàn hàng 3, còn xe máy phải luồn lách mới có lối đi, xe đạp bị đánh bật lên vỉa hè”, bác Trần Văn Bình nhà ở gần ngã ba Núi Trúc - Kim Mã cho biết.

Việc phân làn đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân được chuẩn bị khá chu đáo. Các biển báo làn đường dành riêng ô tô, xe máy, xe đạp được treo ở mọi lối rẽ, điểm giao cắt của tuyến đường này. Sau nhiều năm phân làn theo đánh giá của người dân và các chuyên gia giao thông thì hiệu quả vẫn chưa đạt được.

Sáng nay (ngày 9/9), cùng lưu thông với dòng phương tiên trên tuyến đường này chúng tôi thấy rõ, việc phớt lờ quy định, ngang nhiên vi phạm của nhiều người đi đường. Nhiều điểm ô tô giăng kín đường, lấn sang cả làn xe máy. “Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vô nguyên tắc tạt ngang, tạt ngửa, dừng đỗ bất cứ lúc nào khiến chúng tôi rất khó đi theo làn xe cố định”, chị Bình người điều khiển xe máy trên đường Đại Cồ Việt cho hay.

Thành công từ những lần thất bại!

Để giảm xung đột giữa các dòng phương tiện, tăng khả năng thông xe trên các tuyến phố, hạn chế tai nạn giao thông, Hà Nội lại tiếp tục quyết định phân làn xe 5 tuyến phố Kim Mã, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Bà Triệu, phố Huế - Hàng Bài. Trong những tuyến này có 3 tuyến đã được phân làn trước đó. Hai tuyến được bổ sung mới là Bà Triệu, phố Huế - Hàng Bài.
 
Nhiều khó khăn khi áp dụng phân làn xe trên đường Hà Nội - 2
Xe máy đi lẫn vào đường ô tô trên đường Trần Khát Chân

Điều kiện để những tuyến phố này được đưa vào tầm ngắm là ý thức của người dân tương đối tốt, cơ sở hạ tầng đủ điều kiện cho việc phân làn và khoảng cách giữa các nút giao thông trên tuyến tối thiểu là 300m.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (ĐHGTVT, Hà Nội) cho hay, hiện nay ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt nên cái khó nhất để kế hoạch phân làn đường cho xe lưu thông theo quy củ là việc duy trì lực lượng cưỡng chế thường xuyên trên từng tuyến đường.

Theo TS Hùng, điều kiện sử dụng đất và mật độ xe trên các tuyến đường trong nội thành Hà Nội rất dày, nhất là vào giờ cao điểm nên việc phân làn thường xuyên là rất khó. Hơn nữa, trên các tuyến đường Hà Nội không những nhiều nút giao thông mà còn có hàng loạt ngõ ngách ô tô, xe máy có thể ra vào được nên việc ô tô tạt vào đường dành riêng cho xe máy rất thường xuyên.

Ngoài ra, các tuyến đường sắp được phân làn không có đường dành riêng cho xe buýt cũng là bất cập cho kế hoạch này. “Xe buýt ra vào các điểm đón khách sẽ ép ô tô, xe máy nhường đường. Điều đó rất dễ dẫn tới xung đột giao thông”, Tiến sĩ Hùng nói.

Tiến sĩ Hùng cho rằng, việc phân làn giao thông hiện nay chỉ dễ ở những tuyến đường lớn ngoài đô thị như Đại lộ Thăng Long, Pháp Vân, Đường 5… Tuy nhiên, Tiến sĩ Hùng cũng hi vọng với những bài học rút ra từ những lần phân làn trước đây cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng của Thành phố, việc phân làn vào ngày 20/9 tới đây sẽ thành công!

Quang Phong