1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2011):

Những nạn nhân da cam vượt lên số phận

(Dân trí) - Có người hứng chịu trực tiếp, có người ảnh hưởng gián tiếp từ ông bà, cha mẹ nhưng tất cả cùng đều có chung một “nỗi đau da cam” và chung một ý chí vươn lên kiên cường.

Chúng tôi gặp những mảnh đời bất hạnh có chung một “nỗi đau da cam” tại buổi họp mặt cán bộ, hội viên, nạn nhân tiêu biểu vào những ngày đầu tháng 6/2011 ở Cần Thơ. Không khí của buổi gặp mặt hết sức nghĩa tình, ấm cúng, bởi những số phận này rất được sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền địa phương, của các tổ chức cá nhân.

 

Đau thì đau nhưng vẫn phải học…

 

Ngồi nhỏ thó ở một góc trong Hội trường của Câu lạc bộ Hưu trí Cần Thơ tại buổi họp mặt, một em gái 16 tuổi có gương mặt bầu bĩnh khiến chúng tôi chú ý. Em đến buổi họp mặt với ông ngoại để lãnh học bổng “Hạt giống hy vọng” của Hội nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Cần Thơ tặng.

 

Chia sẻ với chúng tôi, em gái cho biết em tên Nguyễn Thị Bích Liên (quê ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn) vừa học xong lớp 10 của Trường THPT Lưu Hữu Phước. Hôm nay đi họp mặt nhận học bổng để chuẩn bị mua sách vở, quần áo cho năm học mới sắp tới. Liên cho biết, lúc em sinh ra vẫn phát triển bình thường nhưng khi 3 tuổi thì cơ thể có dấu hiệu thay đổi, chân bỗng dưng teo lại, mắt cũng bị lệch đi. Cả gia đình tá hỏa đưa em đi bệnh viện thì lúc này nhận được chẩn đoán là em bị ảnh hưởng chất độc da cam.
 
Những nạn nhân da cam vượt lên số phận - 1

 

“Biết rằng không thể chống lại số phận, gia đình tôi đành chấp nhận thêm một thành viên của “nỗi đau da cam” nữa”- ông Nguyễn Văn Quang, ông ngoại Liên buồn bã nói. Tuy nhiên, cũng rất may là em chỉ bị ở thể trạng nhẹ nên có thể đi lại được, vẫn thực hiện được ước mơ đến trường.

 

Suốt 5 năm tiểu học, Liên luôn là học sinh giỏi. Từ lớp 1- 4, trường ở gần nhà nên em đi bộ, đến khi lên lớp 5 thì chuyển trường cách nhà cả chục cây số em phải đi xe đạp. Do từ năm lớp 4 biết trước việc đến trường sẽ khó khăn hơn nên Liên quyết định tập chạy xe đạp. Em kể: “Lúc mới tập khó lắm vì 2 chân không lành lặn như người ta. Em tập té lên té xuống chảy cả máu chân, tay, mặt mũi. Mẹ kêu em bỏ tập vì thấy em té suốt nhưng em vẫn cố găng, quyết tâm và một thời gian em đã chạy được”.

 

Rồi 4 năm THCS, Liên vẫn cố gắng đến trường đều đặn. Được bạn bè, thầy cô quan tâm nên học lực của em luôn đạt khá, giỏi. Hồi năm lớp 9, em còn được chọn đi thi học sinh giỏi môn Văn và giành giải 3 cấp quận. “Đây là thành tích và niềm vinh dự nhất của em cho đến lúc này. Em đã không phụ lòng cha mẹ và mọi người”- Liên nói. 

 

Chia sẻ với chúng tôi, Liên cho biết nhiều lúc em thấy chán nản vì di chứng chất độc da cam hành hạ từ nhiều năm qua. Em thấy mình quá thiệt thòi nên dù có cố gắng cũng không thể làm được gì đó có ích cho gia đình, bản thân. Tuy nhiên, em lại suy nghĩ rằng thấy nhiều người còn bất hạnh hơn mình nhưng họ vẫn sống tốt, sống có ích vì thế em lại vững tâm ý chí và quyết học cho thật giỏi là điều duy nhất mà em có thể làm được.

 

Liên cho biết, ước mơ của em là được vào Đại học Y Dược, học bên ngành Dược để sau này khi ra trường có thể làm công việc bán thuốc ở các cơ sở thuốc.

 

Cùng nghị lực quyết tâm học hành dù cơ thể thường xuyên bị đau đớn như Liên là Trần Sơn Lâm (SN 1982, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều) - sinh viên năm cuối ngành Luật- Trường ĐH Cần Thơ.

 

Lâm cho biết, cha và ông nội đều là những cán bộ kháng chiến đã bị ảnh hưởng chất độc da cam nên khi mới sinh ra, di chứng da cam đã làm cho đôi chân em đi lại khó khăn, các bộ phận khác trong cơ thể hoạt động không bình thường. Lâm chia sẻ: “Dù biết mình không may mắn nhưng em cũng ý thức được rằng phải có ý chí và nghị lực để vươn lên, vượt qua bệnh tật mới mong trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.
 
Những nạn nhân da cam vượt lên số phận - 2

 

Dù đi lại khó khăn, toàn thân đau đớn những lúc trái gió trở trời nhưng Lâm vẫn đến trường, phấn đấu không ngừng để có thể học tốt. Song, dù cố gắng nhưng với những khiếm khuyết của cơ thể, việc học của Lâm luôn gặp khó khăn. Lâm học xong phổ thông và tốt nghiệp THPT vào năm 2001.

 

Từ năm 2001- 2005, 5 lần thi ĐH, Lâm đều không đậu. Lâm nói: “Nhiều lúc em vô cùng chán nản muốn bỏ cuộc nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại, em nhớ tới những tấm gương tự học, tự rèn luyện của ông bà, cha mẹ và phải làm sao sống cho xứng đáng với truyền thống cách mạng gia đình, con cháu Bác Hồ. Đó là động lực để vượt qua khó khăn của em”.

 

Ý chí nỗ lực của chàng trai “da cam” đã được đền đáp khi năm 2006, Lâm thi đậu vào ngành Luật- ĐH Cần Thơ. Từ đây, cuộc đời của Lâm như được bước sang trang mới, Lâm chỉ biết học và học cho dù cơ thể vẫn còn đó sự hành hạ của “nỗi đau da cam”.

 

Lâm bộc bạch với chúng tôi, với thể trạng như em sau khi ra trường cũng sẽ khó xin được việc làm. Tuy nhiên, Lâm cho biết dù khó thì em vẫn quyết tâm để không uổng công 4 năm đèn sách rèn luyện ở giảng đường ĐH. Lâm có mong muốn được trở thành một Luật sư giỏi để góp sức với các cấp Hội trong cuộc hành trình đấu tranh đòi công lý, buộc các công ty hóa chất của Mỹ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân da cam Việt Nam.

 

Người lính cụ Hồ với phương châm “tàn mà không phế”

 

Chúng tôi gặp ông Lý Phước Vận (79 tuổi, ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) để nghe ông kể về ý chí của một người lính không bao giờ khuất phục trước nỗi đau da cam mà bản thân ông đang hứng chịu.

 

Ông Vận cho biết, ông nhập ngũ năm 1950 và chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, khu vực suối Bà Chim Trà Ôn. Vợ chồng ông từng bị bọn Mỹ 3 lần rải chất độc da cam trên đầu, tai mắt, rướm máu. Sau ngày hòa bình, vợ chồng ông quay về nhà với chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo cũ kỹ và cơ thể gầy gò, ốm yếu.

 

Ông Vận nói: “Thật sự khi trở về nhà, vợ chồng tôi không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu vì trong tay chẳng có tài sản gì quý giá. Nhưng tôi không thể yên phận mà chờ đợi vì cơm áo gạo tiền còn ở phía trước. Trong lúc công tác ở trong quân đội, những lúc thời gian nghỉ, vợ chồng tôi tranh thủ tăng gia sản xuất như trồng trầu, rau, nuôi heo…để bán kiếm tiền”.

 

Rồi “nỗi đau da cam” đến thật sự, đến trong sự đau đớn tột cùng của 2 vợ chồng già khi vợ ông sức khỏe ngày càng yếu đi, mất 100% sức lao động, dị ứng cả thuốc và một số món ăn. Vợ ông được chẩn đoán bị ảnh hưởng chất độc da cam ở mức nặng. Riêng ông, vào năm 2008, ông cũng bị một trận “thập tử nhất sinh” với căn bệnh ung thư ruột nhưng rất may được Bệnh viện Quân y 121 cứu sống sau khi cắt một khúc ruột. “Khi biết mình bị bệnh nan y, lòng dạ tôi rối bời, biết là cuộc sống chẳng còn bao lâu, còn vợ thì nằm một chỗ, tôi bi quan, đau đớn, tuyệt vọng lắm”- ông Vận xót xa kể lại.
 
Những nạn nhân da cam vượt lên số phận - 3

 

Vậy mà “nỗi đau da cam” vẫn không khuất phục được ý chí của người lính cụ Hồ này. Ông Vận cho biết, cũng phải có lúc cần bình tĩnh để xem xét cuộc sống của mình. Ông nói, những người lính khi xưa ra pháp trường vẫn hiên ngang khi đối diện trước nòng súng kẻ thù thì chẳng lẽ thời bình mình lại suy sụp khi chỉ đối diện với bản thân. Ông nghĩ thông suốt rồi lấy lại ý chí, nghị lực để vươn lên làm lại cuộc sống mới, chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

 

Để tạo cho cuộc sống ổn định, ông Vận thường xuyên đi học hỏi kinh nghiệm kinh doanh từ bạn bè, các tổ chức xã hội khác. Được sự hỗ trợ của các cấp Hội NNCĐDC, ông Vận có kinh phí để đầu tư vào việc trồng cây ăn trái, mô hình này cũng cho ông được chút vốn liếng sinh sống. Từ năm 2010, cảm thấy sức khỏe yếu, không đi tới lui thường xuyên nên ông chuyển sang mô hình nuôi ếch và ngày càng khắm khá lên. Hiện ông Vân đã mua được xe máy, tivi, cất nhà kiên cố và nhiều vật dụng khác từ công việc nuôi ếch của mình.

 

Ngoài việc chăm sóc ếch để có kinh tế cho gia đình thì mọi công việc chăm sóc cho vợ đều một tay ông Vận làm. “Tôi đem hết sức mình phấn đấu sống tốt dù chỉ sống một ngày, một phút để lo cho gia đình nhưng tôi vẫn cảm thấy đó là hạnh phúc. Tôi mong những người cùng cảnh ngộ hãy cố gắng vươn lên sống thật vui, sống khỏe chăm lo phát triển kinh tế như những gì Bác Hồ dạy “tàn mà không phế”- ông nói.

 

Huỳnh Hải