1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Ông chủ nhà sách mang mảnh vỡ bom mìn trong đầu

(Dân trí) - Mặc dù là thương binh 4/4, mảnh vỡ bom mìn còn nằm trong đầu và thường xuyên ngất xỉu khi trái gió trở trời nhưng ông vẫn quyết tâm phát triển kinh tế để thoát nghèo. Hiện ông là chủ của hai nhà sách và một xưởng in trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ông là Nguyễn Phùng Linh, trú đường Nguyễn Đình Tựu, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Chúng tôi đến gặp ông tại nhà sách Minh Trí trên đường Điện Biên Phủ. Đây là một trong hai nhà sách của ông.

Ông bảo, trong đầu ông còn mảnh vỡ của bom mìn không lấy ra được nên thường xuyên ngất xỉu mỗi khi trái gió trở trời và trí nhớ cũng kém đi. Nhưng những ngày tháng tham gia chiến đấu thì ông chưa bao giờ quên.

Ông Linh theo dõi hoạt động của nhà sách qua hệ thống camera
Ông Linh theo dõi hoạt động của nhà sách qua hệ thống camera

Ông kể, ông sinh ra ở Huế, khi vừa tròn 19 tuổi thì lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được phiên chế vào đại đội 5, tiểu đoàn 7, trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) và nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trong khi làm nhiệm vụ trên chiến trường, ông bị thương 2 lần. Một lần bị chấn thương cột sống, các ngón tay bị đứt phải nối lại và một lần bị mảnh bom mìn bay vào đầu.

“Năm 1980, trong lúc hai bên đang giao tranh, quân địch dùng mìn ném vào xe của đại đội. Một số đồng chí ngồi ở ca-bin thì hy sinh. Còn tôi bị văng lên cao rồi rớt xuống đất khiến chấn thương cột sống, các ngón tay cũng bị đứt và bị thương ở nhiều phần mềm khác. Năm 1981, cũng trong trận giao tranh với giặc, tôi bị một mảnh vỡ bom mìn của giặc bay sau đầu, ngất xỉu nên được anh em đồng đội đưa về điều tri”, ông Linh nhớ lại.

Năm 1982, ông được phục viên chuyển ngành về làm công nhân tại công ty Mỹ thuật Đà Nẵng. Với đồng lương ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi dạy các con học hành. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, cùng với sự ủng hộ, động viên của gia đình và người thân đã thôi thúc ông quyết tâm làm một việc gì đó để phát triển kinh tế gia đình, có ích cho xã hội.

Năm 1989, ông quyết định xin nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp một lần về mở tiệm tạp hóa kinh doanh sách giáo khoa và văn phòng phẩm.

Và kiểm tra những kệ sách 
Và kiểm tra những kệ sách 

“Hồi đó mới làm còn nhiều khó khăn lắm. Không có tiền để nhà thuê nên chú dựng cái ki-ốt khoảng 1,5m2 ngoài vỉa hè để bán sách. Nói về sách, tôi là người đầu tiên ở Đà Nẵng kinh doanh sách”, ông chia sẻ.

Thấy nhiều người ở Huế vào Đà Nẵng lấy sách để ra ngoài đó bán. Ông chớp lấy cơ hội bằng cách lấy sách bán cho các đại lý Huế để kiếm thêm thu nhập. Sau này, người ta không cho bán ở ngoài vỉa hè nữa nên ông mạnh dạn vay ngân hàng mua nhà mở nhà sách trên đườg Lý Thái Tổ. Trong thời gian này, ngoài việc kinh doanh các mặt hàng trên, nhờ sự giúp đỡ của các nhà cung cấp sách giáo khoa và các mặt hàng liên quan đến in ấn, bản thân ông tự học hỏi, từng bước thâm nhập và đã tự in được một số sản phẩm như in lụa, in lịch…

“Năm đó tôi đã 45 tuổi rồi mới bắt đầu mày mò học vi tính. Rồi vào Sài Gòn mua lại về làm. Mới đầu tôi tự làm, đến khi làm được thì dạy lại cho nhân biết”, ông Linh cho hay. 

Năm 1992, ông đã mở được xưởng in tại phường An Khê, giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động. Năm 2000, từ tiệm tạp hóa chuyên kinh doanh sách giáo khoa, văn phòng phẩm, ông mở rộng thành nhà sách Minh Trí.

Từ năm 2000-2007, việc kinh doanh sách và xưởng in gặp nhiều thuận lợi, doanh thu liên tục tăng đặc biệt là những dịp lễ tết, có lúc lợi nhuận lên đến vài chục triệu đồng mỗi ngày. Đến cuối năm 2007, ông mạnh dạn thành lập công ty TNHH thương mại dịch vụ Thịnh An với 3 cơ sở gồm nhà sách Minh Trí trên đường Điện Biên Phủ và Lý Thái Tổ và một xưởng in. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2004, ông còn mở thêm cửa hàng chuyên kinh doanh hoa lan. Đến nay, tất cả các cơ sở kinh doanh của ông đang giải quyết việc làm cho hơn 70 lao động với mức lương từ 2-4 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc kinh doanh giỏi, ông cũng thường xuyên hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ lương thực cho gia đình khó khăn, nghèo nhân dịp Tết nguyên đán hàng năm.

Ngày 18/7 vừa qua, ông là một trong hai người được thành phố cử đi dự Hội nghị người có công toàn quốc tổ chức tại Hội An (Quảng Nam).

Khánh Hồng