1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Tiệc cưới mùa dịch lợn tai xanh

(Dân trí) - Gần tháng nay, người chăn nuôi vùng tâm dịch lợn tai xanh Hà Tĩnh đau đớn nhìn những đàn lợn lần lượt ra đi. Đám cưới thời dịch bệnh hoành hành, những mâm cỗ vắng bóng món thịt lợn quen thuộc.

Chưa bao giờ bà Trần Thị Hạnh (xóm Bình Minh, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) lại lâm vào cảnh khốn khó đến vậy. Gia đình bà Hạnh vốn sống bằng nghề nông, chăn nuôi lợn là nguồn thu nhập chính. Giờ thì bà hoàn toàn trắng tay bởi toàn bộ 6 con heo trong chuồng “dính” dịch đều đã bị chuyển đi tiêu hủy.

 

Một con trong số đàn lợn sổng ra trên đường vận chuyển, chạy thẳng về nhà, khiến bà không cầm được nước mắt. Nhìn đàn lợn quý bị chôn sống, lòng bà như xát muối.

 

Chung cảnh ngộ bi đát như bà Hạnh là hàng trăm hộ dân tại xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) và nhiều huyện thị khác trong tỉnh Hà Tĩnh. Rất nhiều hộ dân méo mặt bởi dự định trả một phần nợ vay vốn ngân hàng phục vụ chăn nuôi buộc phải gác lại, món tiền lãi thì cứ mỗi ngày mỗi lớn.

 

Đã mấy ngày nay, đàn lợn của anh Dương Văn Bính mắc dịch. Anh Bính đã gắng chăm sóc đàn lợn theo kiến thức và kinh nghiệm của mình nhưng không có kết quả. Mất đàn lợn này, anh Bính ước tính mình đã mất đứt trên chục triệu đồng.

 

Nhiều gia đình tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên - nơi bùng phát dịch lợn tai xanh của Hà Tĩnh - đã rơi vào cảnh bí bách vì những mâm cỗ vắng bóng thịt lợn. Trước đây, thịt lợn là thực phẩm chính để chế biến các món ăn trong thực đơn. Nay bỏ nó, mâm cỗ chắc chắn nghèo nàn hơn mà giá cả lại cao hơn.

 

Một gia đình ở xã Cẩm Bình vừa tổ chức cưới cho con hôm 2/4. Để tránh những phiền toái không hay, chủ nhà quyết định bỏ tất các món ăn có dính dáng tới thịt lợn. Mâm cỗ thôn quê vắng món thịt lợn thông dụng, có chút sơ sài hơn, nhưng khách mời đều thông cảm và hiểu cho cái khó của gia chủ.

 

Theo thống kê, dịch lợn tai xanh đã lan ra 22 xã, phường trên địa bàn Hà Tĩnh. Nhiều nhất là huyện Cẩm Xuyên, sau đó là Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Tổng số lợn bị dịch lên đến con số gần 4.000 con, số đã được tiêu hủy là 1.600 con.

 

Ghi nhận của PV, dù UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra lệnh triển khai khẩn cấp các giải pháp ngăn chặn dịch, nhưng thực tế tại các địa phương, việc chấp hành lệnh vẫn chưa nghiêm túc. Huyện Cẩm Xuyên là địa bàn dịch tai xanh bùng phát mạnh nhất nhưng vẫn còn thiếu các trạm, chốt tại đầu mối giao thông để ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn.

 

Nhóm PV Hà Tĩnh