1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Xã duy nhất Bình Định được Trung ương tôn vinh vì cán bộ làm dân hài lòng

Doãn Công

(Dân trí) - "Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" của xã An Tân, huyện An Lão, Bình Định, một trong 67 điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu được tôn vinh tại Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023".

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính của xã gắn với phương châm lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và lợi ích của nhân dân làm trung tâm, bà Hoàng Mỹ Tâm (32 tuổi), công chức phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính của bộ phận một cửa UBND xã An Tân, đã tham mưu xây dựng, triển khai mô hình Ngày thứ 5 không hẹn, không viết.

Học và làm theo Bác: Vì nhân dân phục vụ 

Qua gần 2 năm triển khai mô hình cải cách hành chính Ngày thứ 5 không hẹn, không viết, bộ phận một cửa của xã An Tân đã đạt được hiệu quả và người dân đánh giá như thế nào, thưa bà?

- Mô hình này bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2022, đến nay bộ phận một cửa của xã đã giải quyết được 1.562 hồ sơ áp dụng vào ngày thứ 5 hàng tuần.

Qua quá trình triển khai, nhân dân rất đồng tình ủng hộ và đánh giá mô hình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đặc biệt là những người có hạn chế về học vấn, bà con đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi gặp khó khăn trong nắm bắt quy định, thực hiện thủ tục hành chính.

Xã duy nhất Bình Định được Trung ương tôn vinh vì cán bộ làm dân hài lòng - 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao biểu trưng cho bà Hoàng Mỹ Tâm, tác giả mô hình Ngày thứ 5 không hẹn, không viết (Ảnh: Chụp màn hình - Nhân vật cung cấp).

Việc áp dụng thực hiện mô hình đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với trước đây, vì được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện kê khai các loại biểu mẫu giấy tờ, thủ tục được tiếp nhận và trả kết quả ngay trong ngày nên rất thuận lợi.

So với các xã vùng đồng bằng, An Tân là xã thuộc huyện miền núi An Lão sẽ có hạn chế nhất định về hạ tầng, nguồn lực đầu tư ít, vậy khi thực hiện mô hình này có gặp khó khăn gì?

- Khi mô hình được đông đảo người dân biết đến, bà con đã quan tâm và lựa chọn ngày thứ 5 để thực hiện thủ tục hành chính. Do vậy vào ngày thứ 5 hàng tuần, áp lực công việc nhiều hơn nên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động cũng gặp một số khó khăn.

Tuy nhiên, với tinh thần hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, bản thân tôi cùng với tập thể cán bộ công chức tại bộ phận một cửa UBND xã An Tân đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình, góp phần đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính.

Bà có thể chia sẻ về kinh nghiệm khi thực hiện thành công mô hình này?

- Việc xây dựng, triển khai mô hình này, ngay từ ban đầu xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ phục vụ nhân dân của bộ phận một cửa. Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với nhân dân, chúng tôi nắm bắt được bà con có những khó khăn, trở ngại khi đi thực hiện thủ tục hành chính.

Xã duy nhất Bình Định được Trung ương tôn vinh vì cán bộ làm dân hài lòng - 2

Mô hình Ngày thứ 5 không hẹn, không viết của xã An Tân được người dân rất hài lòng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trên cơ sở đó, tôi đã nghiên cứu, xây dựng mô hình để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy mỗi cán bộ trước hết cần có sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về phận sự phục vụ nhân dân của bản thân. Từ đó, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Rèn luyện phong cách làm việc quần chúng, gần gũi, sâu sát với nhân dân. Có như vậy mới có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng, phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, trở ngại của nhân dân, từ đó nghiên cứu, triển khai những giải pháp có hiệu quả.

Ngoài ra, thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử để có đủ khả năng nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình phục vụ nhân dân.

Mô hình được Ban Tuyên giáo Trung ương tôn vinh điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh là niềm vinh dự, tự hào và là kết quả nỗ lực của cả tập thể bộ phận một cửa xã An Tân. Đây cũng là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng phục vụ nhân dân.

Học theo Bác bằng việc làm cụ thể

Thành công từ mô hình Ngày thứ 5 không hẹn, không viết, bộ phận một cửa của xã An Tân đang triển khai mô hình nào khác?

- Phát huy kết quả và kinh nghiệm đạt được từ mô hình Ngày thứ 5 không hẹn, không viết, thời gian vừa qua, bản thân tôi đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất lãnh đạo UBND xã triển khai mô hình Khảo sát mức độ hài lòng của công dân khi thực hiện thủ tục hành chính qua việc sử dụng ứng dụng quét mã QR. Đây là sự cụ thể hóa tinh thần tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân và cũng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xã duy nhất Bình Định được Trung ương tôn vinh vì cán bộ làm dân hài lòng - 3

Bộ phận một cửa UBND An Tân tiếp tục triển khai mô hình Khảo sát mức độ hài lòng của công dân khi thực hiện thủ tục hành chính qua việc sử dụng ứng dụng quét mã QR (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nội dung của mô hình này, công dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND xã, sẽ sử dụng thiết bị di động thông minh để quét mã QR, truy cập vào hệ thống khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của công dân về sự phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính.

Các nội dung tiêu chí đánh giá trong hệ thống được xây dựng, bố trí khoa học, chặt chẽ và chi tiết với mục tiêu phân tích, tổng hợp một cách chính xác, khách quan, toàn diện về sự hài lòng của công dân.

Mô hình này có tính khả thi và giá trị thực tiễn rất lớn như cung cấp cho công dân một công cụ rất thân thiện, tiện lợi, hữu ích để công dân có thể đánh giá mức độ hài lòng của bản thân đối với sự phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, có thể góp ý, phản ánh những vấn đề còn tồn tại, bất cập để cơ quan hành chính tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Đối với cơ quan chính quyền, mô hình này sẽ cung cấp một nguồn dữ liệu quan trọng, khách quan, chính xác, làm cơ sở để đánh giá hiệu quả làm việc, chất lượng phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính cũng như cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Từ đó, phát huy ưu điểm đã đạt được; kịp thời có giải pháp điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho công dân; chấn chỉnh nề nếp, đạo đức công vụ của cán bộ công chức.

Đối với cán bộ công chức trực tiếp làm công tác giải quyết thủ tục hành chính, dữ liệu từ mô hình là một trong những cơ sở giúp cán bộ đánh giá, nhìn nhận chính xác, khách quan hiệu quả công tác của bản thân.

Từ đó, cố gắng nỗ lực hơn nữa trong công tác, trau dồi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với nhân dân, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bản thân.