1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hãy cẩn trọng với kích cầu!

(Dân trí) - Cho rằng tăng trưởng GDP cả năm chỉ khoảng 5,1-5,2% và lạm phát 6,5-7%, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Chính phủ cần cẩn trọng khi đưa ra các gói kích cầu. Bởi, lạm phát rất nhạy cảm, tăng thì dễ còn giữ được thấp thì rất khó.

Hãy cẩn trọng với kích cầu!
Nếu cố theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,5% sẽ cần đến các biện pháp mạnh để kích cầu (ảnh minh hoạ).

Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” diễn ra sáng 11/7 tại Viện Kinh tế - Tài chính với gần 40 tham luận, phản biện của các nhà kinh tế đều đưa ra một nhận định chung: lạm phát đã không còn là “con ngựa bất kham”.

Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được kiềm chế ở mức thấp, chỉ tăng 2,4% và so với mục tiêu lạm phát cả năm dưới 6,8% thì dư địa vẫn còn rất lớn.

Lạm phát thấp vì kinh tế khó khăn

Nguyên nhân lạm phát thấp được lý giải một phần do tỷ giá VND/USD trong 6 tháng đầu năm tương đối ổn định, góp phần làm cho giá nhập khẩu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng không biến động cao.

Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu có tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá CPI như lương thực, thực phẩm lại biến động theo chiều hướng giảm hoặc ổn định.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm bị co lại làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại, chỉ đạt 4,9% thấp xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm là 5,5%. Tuy số doanh nghiệp tăng 7,6% so cùng kỳ nhưng số vốn đăng ký lại giảm 19,9% và có đến 25.000 doanh nghiệp phải phá sản.

Tốc độ lạm phát thấp còn do tổng cầu toàn xã hội suy giảm, sức mua giảm, tổng mức bán lẻ tăng chậm. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho tuy giảm song vẫn còn khá lớn, gây áp lực giảm giá. Điều đáng nói là giá trị hàng tồn kho giảm thấp dần là do giá trị sản xuất sản phẩm thấp hơn cùng kỳ năm 2012 chứ không phải do cầu tiêu dùng đã hồi phục.

Kênh dẫn vốn cho nền kinh tế là tín dụng cũng tăng rất chậm, chỉ khoảng 2,5% so với cùng kỳ, làm tốc độ lạm phát chậm lại. Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, khác với nhiều năm trước, không phải vì nhà nước chủ động kìm mức tăng tín dụng mà do nền kinh tế không hấp thụ được vốn hay nói cách khác, ngân hàng không cho vay được chứ không phải không được cho vay.

TS Long kết luận, kinh tế khó khăn với những tác động không mong muốn đã dẫn đến lạm phát thấp. “Lạm phát thấp không phải do hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng cao, do tăng năng suất lao động…mà do nội lực kinh tế chưa được phục hồi, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho, đặc biệt là bất động sản vẫn còn cao, kinh tế vĩ mô không ổn định”.

Đừng để “kiếm củi ba năm đốt một giờ”

Việc kiềm lạm phát ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm là một thành công, song TS. Nguyễn Ngọc Tuyến – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính vẫn cảnh báo, nửa cuối năm lạm phát vẫn còn có khả năng tăng cao. Theo dự báo của các chuyên gia, lạm phát cả năm nay vẫn sẽ trong khoảng 6,5-7%.

Bên cạnh những tác động của việc điều chỉnh tăng lương cơ bản từ 1/7, các điều chỉnh về giá dịch vụ y tế, điện, xăng dầu, đặc biệt là tháng 9, chi tiêu cho giáo dục sẽ tăng… thì một rủi ro cho chỉ số CPI là việc Chính phủ sẽ thực hiện một số giải pháp nới lỏng tài khoá và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.

TS Võ Trí Thành (ảnh: BD).
TS Võ Trí Thành (ảnh: BD).

Theo nhận định của PGS.TS. Bùi Thiên Sơn – Viện Đào tạo quốc tế thuộc Học viên Hành chính, trong năm 2013 này, khả năng CPI sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối quý III và quý IV vì nguồn cung tiền có thể sẽ dồi dào hơn sau loạt động tác mở tín dụng để tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp, giải ngân dần khoản nợ gần 100.000 tỷ đồng từ ngân sách trả các doanh nghiệp trong khuôn khổ nợ công, bung ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, chưa kể dòng tiền ngoại sẽ bơm vào qua kênh FDI và kiều hối…

Ở điểm này, TS. Trần Kim Chung và TS. Đinh Trọng Thắng – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu tính cả mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho giai đoạn 2011-2015 là rất khó và nếu cố thực hiện thì Việt Nam sẽ phải trả giá đắt, rất dễ gây bất ổn kinh tế vĩ mô và buộc phá vỡ các mục tiêu kế hoạch có liên quan khác.

Còn PGS.TS Ngô Trí Long thì cảnh báo “hãy cẩn trọng với kích cầu”. Bởi, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc đẩy mạnh tổng cầu trong 6 tháng cuối năm là không dễ.

Theo ông, để đạt được tăng trưởng 5,5% trong năm nay cần những gói hỗ trợ lớn, kích cầu mạnh – đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia khác. Còn với diễn biến như hiện tại thì tăng trưởng GDP cả năm cũng chỉ 5,1-5,2%, và đây được cho là mức tăng trưởng hợp lý.

“Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, cần tập trung kiềm chế lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới”. Ý kiến này trùng với quan điểm của Tổng cục Thống kê đã công bố trong cuộc họp báo sơ kết 6 tháng.

Tổng cục trưởng Đỗ Thức nhấn mạnh: “Quan điểm của Tổng cục Thống kê là chưa cần kích thích tăng trưởng. Chúng ta không nên quá nôn nóng với vấn đề tăng trưởng. Nếu sử dụng ngay các chính sách kích cầu thì nguy cơ lạm phát cao sẽ lại lặp lại như năm năm trước đây. Vì thế, chưa nên cần kích thích tăng trưởng kinh tế, chỉ cần những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh”.

Cũng tham gia phản biện tại Hội thảo sáng nay, TS Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW khẳng định, không thể có một gói kích cầu lớn như năm 2009. Theo đó, Việt Nam không thể đánh mất những kết quả bước đầu đã đạt được về ổn định kinh tế chỉ vì một chút sơ sẩy. “Tư tưởng chủ đạo là làm gì thì làm vẫn cần phải ổn định kinh tế vĩ mô”.

Bích Diệp