Bí quyết giúp người dân "đổi đời" sau trận lũ lịch sử, lãi cả trăm triệu

Hạnh Linh

(Dân trí) - Trận lũ lịch sử năm 2018 khiến bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) tan hoang, hoa màu bị tàn phá. Tuy vậy, nhờ nuôi bò sinh sản, đời sống người dân nay đã "thay da đổi thịt".

Ông Vi Văn Thuật, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Poọng, cho biết, nhờ phát triển mô hình nuôi bò sinh sản, cuộc sống của người dân trong bản đã thay đổi.

Bí quyết giúp người dân đổi đời sau trận lũ lịch sử, lãi cả trăm triệu - 1

Anh Hà Văn Mắn vui mừng vì nhờ nghề nuôi bò mà gia đình anh đã thoát nghèo, 2 con có điều kiện ăn học (Ảnh: Hạnh Linh).

"Nuôi bò sinh sản đang là nghề "hót" của bà con. Cả bản có 93 hộ thì nhà nào cũng nuôi bò. Hộ ít là 2 con, hộ nhiều lên tới cả chục con. Có thời điểm cả bản có gần 500 con bò", ông Thuật nói.

Theo ông Thuật, thời điểm xảy ra trận lũ lịch sử năm 2018, nhiều đàn trâu, bò của bản bị nước lũ cuốn trôi. Sau khi sơ tán tránh lũ trở về, người dân tay trắng, vất vả vực dậy, bắt đầu một cuộc sống mới.

Để khắc phục sự cố sau lũ, tận dụng một phần diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp, bà con đem cỏ ra trồng để làm thức ăn cho bò. Lúc đầu mỗi hộ chỉ nuôi 1-2 con để kiếm kế sinh nhai. Khi thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong bản rủ nhau nuôi bò.

Bí quyết giúp người dân đổi đời sau trận lũ lịch sử, lãi cả trăm triệu - 2

Bò sinh sản không chỉ tạo thu nhập cho người nuôi mà còn giúp nhiều lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập (Ảnh: Hạnh Linh).

Là hộ nuôi bò nhiều nhất bản Poọng, anh Hà Văn Mắn (28 tuổi) cho biết, nhờ nuôi bò mà gia đình anh đã đổi đời. Theo anh Mắn, năm 2021, gia đình anh vay 100 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Lát để mua 5 con bò sinh sản.

Sau nhiều năm vất vả chăm nuôi, anh đang sở hữu 13 con bò, mỗi năm kiếm cả trăm triệu đồng. Theo anh Mắn, nuôi bò không vất vả, không tốn công chăm sóc nhưng mang lại thu nhập cao.

"Mỗi năm một con bò sẽ đẻ một con bê. Bê được nuôi trong vòng 6-8 tháng sẽ xuất bán với giá 18-20 triệu đồng/con. Trừ công chăm sóc, gia đình tôi cũng lãi 100 triệu đồng mỗi năm. Số tiền lời từ nuôi bò giúp gia đình có thu nhập ổn định", anh Mắn cho hay.

Cách nhà anh Mắn không xa, gia đình ông Vi Văn Thời (45 tuổi) cho biết, trước đây người dân bản Poọng chủ yếu là trồng xoan, cấy lúa, chăn nuôi là phụ. Song xoan không hợp với thổ nhưỡng, lúa thì cho năng xuất không cao, trừ công chăm sóc, phân bón, cày bừa cũng không dư giả được bao nhiêu.

Sau trận lũ quét kinh hoàng năm 2018, phần lớn diện tích cấy lúa của gia đình bị đất, đá vùi lấp, nhìn khu ruộng không thể cấy lúa, ông Thời lo lắng về cái ăn, cái mặc cho cả gia đình.

Bí quyết giúp người dân đổi đời sau trận lũ lịch sử, lãi cả trăm triệu - 3

Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang đổi thay từng ngày nhờ nuôi bò sinh sản (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Thời dốc hết số tiền còn lại của gia đình rồi trồng cỏ, mua 1 con bò về nuôi. Chỉ sau 2 năm, ông đã ổn định lại cuộc sống. "Gia đình vừa xuất bán 3 con bê, thu về gần 60 triệu đồng. Hiện trong chuồng trại còn lại 3 con bò cái sinh sản", ông Thời vui vẻ nói.

Theo ông Thời, đặc thù ở miền núi có nhiều điều kiện để phát triển nghề chăn nuôi bò. "Chúng tôi không phải lo thức ăn cho bò vì cỏ ở địa phương rất nhiều. Ngoài việc bán bê, bò thì người dân còn tận dụng được chất thải từ chăn nuôi để làm phân bón cho các loại cây trồng", ông Thời cho hay.

Ông Hà Văn Thìn, Phó chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết, hiện cả xã có 2.197 con bò. Bản Poọng là một trong những bản có số hộ và số lượng đàn bò nhiều nhất của xã, gần 500 con.

"Theo thống kê, thu nhập bình quân của bà con bản Poọng là 22,5 triệu đồng/người/năm. Cả bản có 93 hộ nhưng chỉ còn 24 hộ nghèo và dự kiến sẽ giảm thêm. Cuối năm nay, chúng tôi phấn đấu xây dựng trở thành bản nông thôn mới", ông Thìn cho biết.