Cấm điều tra viên bức cung, dùng nhục hình dưới mọi hình thức

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang vừa kí thông tư về công tác điều tra hình sự trong CAND. Theo đó, từ 25/8/2014, các điều tra viên phải thực hiện nghiêm các quy định tố tụng trong điều tra vụ án hình sự, cấm bức cung, nhục hình...

Vụ 5 công an dùng nhục hình tại Phú Yên.
Vụ 5 công an dùng nhục hình tại Phú Yên.
 
Ngoài việc cấm yêu cầu các điều tra viên thực hiện nghiêm các quy định tố tụng cấm bức cung, dùng nhục hình, Thông tư cũng quy định các điều tra viên không được lấy lời khai ngoài trụ sở, khi không có giấy triệu tập...
 
Ngoài ra nhiều việc mà điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm như: không tiếp thân nhân bị can, người bị tạm giữ hoặc người có liên quan ở bất kỳ địa điểm nào, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra.
 
Điều tra viên cũng không được ăn uống, nhận quà, tiền của bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ hoặc có liên quan vụ án; Không được nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi đối với bị can, người bị tạm giữ, thân nhân của họ và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
 
Nếu thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ và người có liên quan đến vụ án cố tình biếu, cho, tặng quà, tiền hoặc các lợi ích khác, điều tra viên, cán bộ điều tra phải từ chối và báo cáo ngay việc này cho thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra biết để chỉ đạo xử lý.

Thông tư do Bộ trưởng công an ký ban hành nêu rõ: Nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người liên quan đến vụ án thì phải có giấy triệu tập.

Điều tra viên phải tiếp và làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ.

Trường hợp điều tra viên cần tiếp và làm việc với người bị triệu tập ngoài trụ sở công an, ủy ban xã phường hoặc cơ quan của họ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Điều tra viên phải giữ bí mật điều tra vụ án theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc để lọt, lộ thông tin thuộc bí mật điều tra vụ án.

Không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi thông tin với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ), trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, thay thế những quy định trước đây của Bộ CA trong công tác điều tra hình sự.

Tuấn Hợp