DNews

"Bãi thử" công nghệ tác chiến tương lai trong xung đột Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, chiến sự Nga - Ukraine được xem là cuộc đối đầu sử dụng nhiều công nghệ mới nhất trong nhiều năm qua, mở ra những xu hướng tác chiến cho tương lai.

"Bãi thử" công nghệ tác chiến tương lai trong xung đột Nga - Ukraine

Sau hơn 2 năm, cuộc chiến "hao người, tốn của" giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết rõ ràng. Tuy nhiên, theo Eurasian Times, một điều không thể phủ nhận, cuộc đối đầu này đã mang tới nhiều bài học cho các lực lượng vũ trang trên toàn cầu liên quan tới việc áp dụng công nghệ mới trong tác chiến.

Xét về khía cạnh này, cuộc xung đột giống như một "bãi thử" không chỉ nhằm kiểm tra hiệu quả tác chiến của vũ khí, mà còn là cơ hội để áp dụng công nghệ dưới dạng thử nghiệm vào thực chiến. Thậm chí, một số chuyên gia còn gọi cuộc chiến Nga - Ukraine là "cuộc chiến sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất từ trước tới nay".

Cả Nga và khối phương Tây - bên ủng hộ cho Ukraine - đều là các cường quốc về công nghệ. Bản thân Ukraine cũng là một quốc gia có năng lực sản xuất quân sự thừa hưởng từ thời Liên Xô cũ. Vì vậy, theo Asia Times, cuộc chiến này được xem là có sự ngang bằng nhất định về mặt công nghệ quân sự, không có bên nào áp đảo hoàn toàn.

Với Ukraine, họ từng tuyên bố sẵn sàng trở thành "bãi thử" vũ khí cho các nhà thầu quốc phòng nước ngoài. Vì vậy, nhiều công nghệ đã được ứng dụng và giới thiệu trong cuộc chiến. Trong khi đó, Nga cũng đưa những vũ khí công nghệ cao giới thiệu ra thế giới, ví dụ như Nga lần đầu đưa tên lửa siêu vượt âm vào hoạt động chiến đấu.

"Bãi thử" công nghệ

Bãi thử công nghệ tác chiến tương lai trong xung đột Nga - Ukraine - 1

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đoàn xe Nga áp sát thủ đô Ukraine hồi năm 2022 (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc chiến ở Ukraine, nhiều yếu tố công nghệ cao đã xuất hiện. Đầu tiên chính là "không gian". Yếu tố này đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến này hơn bất cứ cuộc xung đột nào khác trước đây. Vệ tinh được sử dụng nhiều tới mức mà các công ty thương mại cũng tham gia vào cuộc chiến.

Ví dụ, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã cấp cho Ukraine hệ thống liên lạc vệ tinh Starlink từ những ngày đầu của chiến sự, giúp Kiev duy trì mạng lưới thông tin liên lạc, điều khiển vũ khí.

Starlink đã hoạt động hiệu quả tới mức Nga không dưới một lần cảnh báo có thể bắn rơi vệ tinh của ông Musk vì chúng đang hỗ trợ cho phía Kiev.

Trong khi đó, Giám đốc Tổng cục Tình báo Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, lực lượng Nga ở Ukraine đã liên lạc thông qua hệ thống Starlink "trong một thời gian dài". Theo nguồn tin Ukraine, quân đội Nga đã mua những thiết bị này từ các doanh nghiệp tư nhân Nga sau khi chúng được nhập khẩu thông qua trung gian.

Các thiết bị Starlink được xem là một trong những tiến bộ công nghệ quan trọng được áp dụng vào cuộc chiến, giúp việc liên lạc thông suốt từ tiền tuyến tới hậu phương, giúp định vị, chỉ đường cho vũ khí tấn công mục tiêu.

Thực tế, nếu không có Starlink, Ukraine khó có thể duy trì được thế phòng thủ trước các đợt tấn công dồn dập của Nga. Mặt khác, theo phía Ukraine, Nga được cho cũng đang tận dụng Starlink để gây ra thiệt hại không nhỏ cho đối phương. 

Bãi thử công nghệ tác chiến tương lai trong xung đột Nga - Ukraine - 2

Binh sĩ Ukraine sử dụng một thiết bị internet vệ tinh Starlink (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, yếu tố "không gian" trong cuộc đối đầu này còn phải kể tới việc cả 2 bên đều sử dụng hệ thống vệ tinh chụp ảnh, theo dõi đường đi nước bước của đối phương.

Ukraine được cả các công ty thương mại phương Tây và quân đội các nước NATO hỗ trợ trong việc cung cấp hình ảnh vệ tinh. Từ đây, Ukraine có thể có được thông tin tình báo quan trọng trên thực địa giúp họ tính toán được trước chiến thuật của Nga.

Trong khi đó, Nga cũng sở hữu mạng lưới "mắt thần" dày đặc trên không gian. Thông tin thu được từ mạng lưới vệ tinh này khiến cho yếu tố bất ngờ trong chiến sự giảm bớt vì mỗi bên đều có thể nắm rõ đường đi nước bước của đối phương.

Yếu tố công nghệ quan trọng thứ 2 trong chiến sự Nga - Ukraine chính là các thiết bị không người lái, từ trên không, trên mặt đất tới trên biển.

Trên chiến trường, các UAV tự sát hoạt động đôi khi còn hiệu quả hơn pháo vì giá thành rẻ, khả năng tấn công hiệu quả, phá hủy các mục tiêu đắt gấp hàng nghìn lần. Trên biển, các xuồng tự sát của Ukraine cũng gây ra không ít thiệt hại cho Nga.

Cuộc đấu mặt đối mặt đầu tiên giữa UAV Ukraine và robot chiến đấu Nga

Tuy nhiên, công nghệ không người lái vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và liên tục thay đổi trong hơn 2 năm qua. Hàng loạt các công nghệ mới được áp dụng, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên là xu hướng mới.

Hai bên đều đang chế tạo UAV có khả năng tự động xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần người trợ giúp. Diễn biến này tiếp tục đánh dấu một cuộc cách mạng trong công nghệ quân sự, có thể so sánh với sự xuất hiện của súng máy trong chiến sự.

Thiếu tướng nghỉ hưu Robin Fontes, cựu phó tổng chỉ huy tác chiến tại Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng Quân đội Mỹ cho rằng: "Ukraine là một phòng thí nghiệm nơi hình thức tác chiến tiếp theo đang được tạo ra".

"Đây không phải là một phòng thí nghiệm phụ trợ mà là một nỗ lực chính trong cuộc chiến nhằm tinh chỉnh, thích ứng và cải tiến các hệ thống hỗ trợ AI để triển khai ngay lập tức ra chiến trường. Nỗ lực đó có thể mở ra kỷ nguyên tác chiến bằng AI trong tương lai", ông nhận xét.

Ngoài ra, AI cũng đang được ứng dụng để giúp cho 2 bên có thể phân tích thông tin tình báo thu được từ đối phương. Ví dụ, công ty Mỹ Palantir Technologies cung cấp cho Ukraine phần mềm AI mổ xẻ hình ảnh vệ tinh để nắm được hướng di chuyển quân của Nga và đánh giá thiệt hại chiến trường.

Mặt khác, AI cũng được sử dụng như công cụ trong cuộc chiến thông tin và tâm lý chiến. Nhiều thông tin, hình ảnh giả xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội có nội dung gây bất lợi cho cả 2 phía được xem là sản phẩm của AI. 

UAV sát thủ Nga lao thẳng mục tiêu, bắn nổ lựu pháo Ukraine

Công nghệ và chiến thuật

Ở một khía cạnh khác, Asia Times cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine là sự kết hợp giữa công nghệ mới và những chiến thuật truyền thống. Về mặt bản chất, các bên vẫn đang sử dụng chiến thuật từ xưa nhưng họ sử dụng công nghệ để bổ trợ, giúp nhiệm vụ đó được thực hiện nhanh hơn.

Một số ý kiến nhận định, công nghệ mang lại lợi thế cho các bên nhưng chiến thuật hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Bãi thử công nghệ tác chiến tương lai trong xung đột Nga - Ukraine - 3

Một phần hệ thống phòng tuyến của Nga ở Kherson (Ảnh: Maxar).

Asia Times chỉ ra sự tương phản trên chiến trường thời gian qua. Trong khi UAV của các bên bay rợp trời ở những khu vực khốc liệt nhất, thì cả Nga và Ukraine vẫn tích cực đào hệ thống chiến hào giống như Thế chiến I và Thế chiến II.

Trong khi UAV được xem là tương lai của tác chiến thì tại Ukraine, pháo vẫn là "vua chiến trường". Ukraine thất thế hơn Nga vì thiếu nghiêm trọng đạn pháo và hỏa lực trước đối thủ vượt trội hơn về năng lực sản xuất quân sự. 

Pháo đã xuất hiện từ rất lâu trước đó nhưng sự khác biệt chính là sự cải tiến về công nghệ giúp nâng tầm bắn, khả năng sát thương và phá hủy mục tiêu.

Về mặt bản chất, UAV không phải là lần đầu xuất hiện trong chiến sự Nga - Ukraine. Mỹ đã từng sử dụng UAV hạng nặng như Reaper ở Afghanistan. Nga cũng dùng UAV cỡ lớn làm nhiệm vụ trinh sát ở Syria khi thực hiện chiến dịch chống khủng bố.

Sự khác biệt lớn nhất trong cuộc chiến ở Ukraine chính là số lượng lớn UAV được sử dụng. UAV xuất hiện dày đặc trên chiến trường, trong các cuộc tấn công, trong hoạt động trinh sát.

Trong giai đoạn đầu của chiến sự, Ukraine có ưu thế hơn trong cuộc chiến UAV nhưng Nga đã nhanh chóng tăng tốc sản xuất, nhập khẩu để đuổi kịp, thậm chí vượt mặt. Nga cũng triển khai công nghệ tác chiến điện tử, gây nhiễu được đánh giá là hiệu quả hơn đối phương.

Một ví dụ khác là trong Thế chiến I, các đội quân có thể dùng khinh khí cầu đóng vai trò như vũ khí trinh sát để tìm hiểu về đối phương ở trên không nhằm điều chỉnh hướng bay. Khinh khí cầu chỉ thất thế khi nó trở nên dễ bị bắn hạ.

Nếu xét theo khía cạnh này, UAV đang thay thế vai trò của khí cầu trong tác chiến nhưng về mặt chiến thuật thì vẫn có chung một mục đích.

Sự khác biệt của chiến sự Nga - Ukraine với các cuộc chiến trong vài chục năm qua chính là không một bên nào áp đảo hoàn toàn về mặt công nghệ so với bên còn lại. Trong cuộc chiến của khối phương Tây tại Iraq hay Afghanistan, các quốc gia Trung Đông khó có thể cạnh tranh về mặt công nghệ với các cường quốc như Mỹ và đồng minh.

Tuy nhiên, tại Ukraine, Nga và NATO - bên ủng hộ cho Ukraine - tỏ ra cân tài cân sức về mặt công nghệ. Vì vậy, theo các chuyên gia, khi công nghệ cân bằng ở một mức độ nào đó, yếu tố chiến thuật đóng vai trò quan trọng không kém tới cuộc chiến. 

Theo Asia Times, mặc dù công nghệ mới đã thay đổi cuộc chiến ở Ukraine nhưng vẫn còn nhiều yếu tố về mặt chiến thuật từng xuất hiện trong các cuộc chiến nhiều năm trước.

Bãi thử công nghệ tác chiến tương lai trong xung đột Nga - Ukraine - 4

Một chiếc xe tăng Ukraine gần tiền tuyến ở Zaporizhia (Ảnh: Getty).

Ví dụ, dù công nghệ mới có được áp dụng rộng rãi như thế nào, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là bộ binh phải tiến vào một khu vực để kiểm soát lãnh thổ.

Vì vậy, dù nhiều ý kiến cho rằng xe tăng sẽ thất thế trong tương lai nhưng các chuyên gia cho rằng vai trò của vũ khí này không thể xem nhẹ, đặc biệt là nếu một đội quân muốn giành đất từ phía còn lại. 

Công nghệ sẽ liên tục thay đổi, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các bên cũng sẽ tìm cách thích nghi và đối phó. Ví dụ, UAV được xem là rất hiệu quả, nhưng công nghệ đánh chặn và gây nhiễu cũng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Vì vậy, theo Asia Times, công nghệ dù quan trọng nhưng sẽ không phải là yếu tố duy nhất có thể xoay chuyển cục diện một cuộc chiến. Lịch sử cho thấy có những đội quân tiềm lực quân sự, kỹ thuật kém hơn hẳn phía còn lại nhưng vẫn giành chiến thắng nhờ có chiến thuật hợp lý. Đó cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt. 

Ngoài ra, khi cuộc chiến đã bước vào giai đoạn tiêu hao, năng lực hậu cần, sản xuất quốc phòng chính là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng tới cục diện chiến trường.

Nga giành ưu thế lớn trước đối phương trong thời gian qua khi Ukraine cạn kiệt vũ khí, đạn dược vì viện trợ phương Tây giảm dần. Giờ đây, bên nào có thể duy trì được tiềm lực quân sự lâu bền hơn sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến. 

Theo Asia Times, Eurasian Times

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine