Điều trị hiếm muộn tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản đạt chứng nhận RTAC

RTAC là quy chuẩn chất lượng chuyên biệt trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Các điều khoản trong bộ tiêu chuẩn này được tất cả các Đơn vị Hỗ trợ sinh sản (HTSS) ở Úc, New Zealand và Singapore tuân thủ.

Vậy điều trị hiếm muộn tại Đơn vị HTSS đạt chứng nhận RTAC có gì khác biệt? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. BS Đặng Quang Vinh - Phó Trưởng Đơn vị HTSS Mỹ Đức – IVFMD – một trong số ít Đơn vị HTSS ở Đông Nam Á đạt chứng nhận này.

Tỷ lệ thành công khi thực hiện TTTON tại Đơn vị HTSS đạt chứng nhận RTAC có cao hơn mức trung bình không?

Tại IVFMD, tỷ lệ thành công sau 1 lần chuyển khoảng 2 phôi tốt vào buồng tử cung duy trì từ 40% đến 50%. Đạt chứng nhận RTAC đồng nghĩa với việc IVFMD cam kết duy trì ổn định tỷ lệ này. Kết quả này cần được minh chứng cụ thể cho Đoàn thẩm định không chỉ lần thẩm định đầu tiên, mà còn những lần kiểm tra định kỳ hàng năm. Nếu người bệnh có nhiều phôi tốt, chuyển phôi nhiều lần thì tỷ lệ có thai cộng dồn có thể sẽ trên 50%. So với tỷ lệ trung bình của các Đơn vị HTSS tại Việt Nam (30-40%) thì mức này có nhỉnh hơn, ổn định hơn.

BS. Đặng Quang Vinh – Phó trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức
BS. Đặng Quang Vinh – Phó trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức

Tỷ lệ này hẳn có “đóng góp” từ thành công của các ca khó?

Chắc chắn là có. Tại IVFMD, chúng tôi từng điều trị thành công cho những ca bệnh rất phức tạp. Ví dụ, trường hợp một bệnh nhân vô sinh nguyên phát trên 15 năm, giảm dự trữ buồng trứng, thất bại TTTON 6 chu kỳ, 1 chu kỳ tại Việt Nam và 5 chu kỳ tại Mỹ. Tháng 10/2015, bệnh nhân đến IVFMD thực hiện TTTON. Trong quá trình điều trị, phát hiện có polyp buồng tử cung, bệnh nhân được nội soi cắt đốt polyp, chuyển phôi trữ nhưng thất bại. Tháng 12/2015, bệnh nhân thực hiện TTTON lại, kết quả đã có thai.

Hiện nay, chúng tôi nhận điều trị cho nhiều trường hợp khó, thất bại nhiều lần ở các trung tâm trong và ngoài nước. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ nhưng đồng thời cũng giúp chúng tôi có nhiều kinh nghiệm để xử trí tốt nhất các trường hợp đặc biệt khó khăn.

Dù tỷ lệ thành công cao nhưng nhiều người ngại thực hiện TTTON vì sợ gặp biến chứng. Điều trị tại Đơn vị HTSS đạt chứng nhận RTAC, bệnh nhân có tránh được lo lắng này không?

Có thể nói kỹ thuật TTTON tại Việt Nam hiện tại khá an toàn, mặc dù cũng có thể xảy ra biến cố bất lợi, dù khá hiếm. Tuy nhiên, điều trị tại Đơn vị HTSS đạt chứng nhận RTAC, bệnh nhân có thể an tâm là các biến cố này luôn được kiểm soát. Ví dụ, với hội chứng quá kích buồng trứng, Đơn vị HTSS sẽ có dự phòng, nhận biết sớm đối tượng có nguy cơ để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Tại Đơn vị HTSS đạt chứng nhận RTAC, các biến cố bất lợi trong TTTON luôn được kiểm soát.
Tại Đơn vị HTSS đạt chứng nhận RTAC, các biến cố bất lợi trong TTTON luôn được kiểm soát.

Các Đơn vị HTSS cũng đầu tư hệ thống phòng sạch (cleanroom) giúp kiểm soát chất lượng không khí phòng lab, cải thiện đáng kể tỷ lệ có thai và giảm tỷ lệ sẩy thai trong TTTON.

Bác sĩ có thể nói thêm một điểm đặc biệt khác của chứng nhận RTAC?

Một trong những tiêu chuẩn để đạt chứng nhận RTAC là cần phải đảm bảo việc nhân viên y tế luôn lắng nghe, hỗ trợ và xử trí thỏa đáng các phản hồi của người bệnh trong quá trình điều trị. Điều này rất quan trọng. Vì để đạt hiệu quả cao, bệnh nhân và nhân viên y tế cần giúp đỡ và phối hợp tốt với nhau trong quá trình điều trị.

Đây cũng chính là lý do trang thông tin ivfmd.vn và kênh tư vấn trực tuyến https://www.facebook.com/IVFMD.Vietnam/ của IVFMD ra đời. Bệnh nhân có thể tìm hiểu về các kỹ thuật điều trị hiếm muộn hiệu quả nhất hiện nay, đặt câu hỏi trực tiếp với các Bác sĩ tại IVFMD. Chúng tôi tin rằng, khi hiểu rõ về sức khỏe sinh sản, bệnh nhân sẽ tự tin hơn và giảm bớt gánh nặng tâm lý khi chính thức bước vào điều trị.

Xin cám ơn bác sĩ!

Vương Minh