1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hà Tĩnh:

Cô gái người Chứt và đám cưới đặc biệt nhất bản

(Dân trí) - Bốn năm yêu nhau với biết bao khó khăn, thách thức, sự cản trở từ gia đình, cuối cùng bằng tình yêu chân thành và mãnh liệt, cô gái người dân tộc Chứt và chàng thanh niên người Kinh đã đến với nhau bằng một đám cưới đẹp.

Đó là câu chuyện tình đẹp của Hồ Thanh Mai, người con gái dân tộc Chứt, SN 1992, trú tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê (Hà Tĩnh) và chàng trai Lê Xuân Công, SN 1992, ở xã Phúc Đồng, cùng huyện Hương Khê.

Chuyện tình trên núi rừng

Thời gian 4 năm để Công và Mai đến được với nhau là cả một chặng đường dài đầy chông gai, thách thức. Công là con một trong gia đình, tuổi thơ gặp nhiều bất hạnh, cha mẹ ly hôn khi Công mới 2 tuổi. Hơn 20 năm qua, 2 mẹ con Công dựa vào nhau sống qua ngày. Năm 2009, Công lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ra quân, Công lại về quê sống với mẹ.

Đôi bạn trẻ Công và Mai trong ngày trọng đại
Đôi bạn trẻ Công và Mai trong ngày trọng đại

Còn Mai là chị cả trong một gia đình có 4 chị em. Trong bản Mai là một trong số rất hiếm hoi thiếu nữ được học cao. Mai học đến lớp 11 tại Trường Nội trú ở TT Hương Khê, sau đó em về bản tiếp tục lao động và trở thành cô giáo "không lương" bày chữ cho các em nhỏ trong bản của mình.

Câu chuyện tình của họ bắt đầu từ năm 2011. Lúc bấy giờ tại bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng cùng Tổ công tác cắm bản Rào Tre phối hợp với chính quyền xã Hương Liên tổ chức đêm giao lưu tình quân dân tại bản. Đêm ấy, Công và Mai đã gặp nhau. 

Ngay từ lần gặp đầu tiên, nhịp đập trái tim của 2 người đã như là một. Họ tìm hiểu, làm quen... và sau 1 năm thì trao lời yêu thương. "Lúc gặp nhau lần đầu cả 2 đã nhìn nhau rất lâu nhưng không nói một lời nào cả. Lúc đó trong người có cảm giác rất lạ, không thể diễn tả được. Từ ngày đó, lúc nào em cũng nghĩ về Mai và quyết tìm được gia đình Mai để làm quen", Công vẫn chưa hết ngượng ngịu kể lần đầu gặp Mai.

Khi tình yêu vừa chớm nở thì họ lại phải xa nhau. Công phải vào miền Nam làm ăn, còn Mai tiếp tục ở lại bản. Tưởng rằng thời gian, khoảng cách sẽ đẩy 2 trái tim ra xa nhưng chính lúc này tình yêu mãnh liệt, chân thành của họ càng được minh chứng. "Mỗi năm bọn em chỉ gặp nhau được 1, 2 lần nhưng cả 2 đều tin tưởng nhau", Công cho biết.

Khi vượt qua được khoảng cách về địa lý thì cả 2 lại phải đối mặt với sự phản đối từ gia đình, họ hàng. Khi biết Công yêu cô gái người dân tộc Chứt, mẹ Công và anh em họ hàng đã phản đối kịch liệt.

Nhưng bằng tình yêu chân thành, Công đã tìm mọi cách thuyết phục, giải thích cho mọi người hiểu và cuối cùng tình yêu của hai bạn đã được chấp nhận.

Ngày "đại hỉ" trên bản Rào Tre

Vào trưa ngày 7/4, Đồn Biên phòng bản Rào Tre, Tổ công tác cắm bản Rào Tre phối hợp với các ngành chức năng huyện Hương Khê đã tổ chức đám cưới cho Công và Mai. Đây là đám cưới hết sức đặc biệt, lần đầu tiên cô dâu là một cô gái dân tộc Chứt, còn chàng rể là một chàng trai khác làng người Kinh.

Niềm vui trên gương mặt của bố mẹ Mai
Niềm vui trên gương mặt của bố mẹ Mai

Đây không chỉ còn là niềm vui riêng của 2 người, 2 gia đình Công và Mai mà còn là ngày đại hỉ của bản Rào Tre, là thắng lợi bước đầu trong công cuộc chống hôn nhân cận huyết của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng và các ngành chức năng Hà Tĩnh.

Có mặt tại buổi đám cưới đặc biệt này, chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui trên mỗi nét mặt của các chiến sĩ biên phòng, của bà con bản Rào Tre. Một đám cưới đơn sơ, mỗi mâm tiệc chỉ có hoa quả, bánh kẹo, ít chai nước ngọt do chính các chiến sĩ Đồn Biên phòng bản Giàng, Tổ công tác cắm bản Rào Tre chuẩn bị, nhưng tất cả cũng đủ làm ấm lòng khách đến chung vui.

Không giấu nổi niềm vui xúc động, Thượng tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre nở nụ cười tươi rói. Anh nói: "Chuyện tình của Công và Mai như một câu chuyện cổ tích. Sau bao thành kiến, ngăn cản cuối cùng 2 cháu cũng đã đến được với nhau".


Nhiều món quà được các chiến sĩ biên phòng dành cho đôi bạn trẻ
Nhiều món quà được các chiến sĩ biên phòng dành cho đôi bạn trẻ

"Chúng tôi có nhiều chính sách hỗ trợ như làm nhà ở... để khuyến khích các bạn trẻ lên bản Rào Tre định cư và sản xuất. Đám cưới của Công và Mai ngày hôm nay là một tín hiệu đáng mừng. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng sẽ có nhiều hơn những mối tình duyên như thế này. Để chấm dứt nỗi đau hôn nhân cận huyết thống tồn tại nhiều thế hệ qua tại bản Rào Tre này".

Niềm vui của bà con bản Rào Tre về đám cưới đặc biệt nhất bản.

Niềm vui của bà con bản Rào Tre về đám cưới đặc biệt nhất bản.
Niềm vui của bà con bản Rào Tre về đám cưới đặc biệt nhất bản.
Niềm vui của bà con bản Rào Tre về đám cưới đặc biệt nhất bản.

Chúng tôi cũng thấy được niềm vui sướng trên gương mặt của ông Hồ Pác, bố của Hồ Thanh Mai. "Lần đầu tôi thấy đám cưới to như thế này. Chúng nó đều có cái chữ, chúng nó đến với nhau, tôi rất vui. Sau này sẽ mong có nhiều cái đám cưới như thế này nữa".

Còn bà Lê Thị Thành, mẹ của Công cho biết: "Lúc đầu tôi cũng không muốn nó lấy Mai nhưng thấy chúng yêu nhau thật lòng nên tôi cũng đồng ý. Trước mắt tôi sẽ bảo chúng ở lại dưới nhà để bày cho Mai cách làm ăn, sản xuất. Sau đó các con muốn lên bản Rào Tre hay ở lại thì tùy vào quyết định của các con".

Vậy là sau bao cách trở, thách thức, cuối cùng Công và Mai đã thuộc về nhau. Mối tình ấy không chỉ là một câu chuyện tình đẹp của đôi trẻ mà đó còn là tín hiệu đáng mừng trong những nỗ lực cứu lấy đồng bảo dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đang bị đe dọa xóa sổ bởi vấn nạn hôn nhân cận huyết đã tồn tại từ nhiều thế hệ qua.

Xuân Sinh - Tiến Hiệp