1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Số lượng "di sản công nghiệp" tại Hà Nội chỉ còn một nửa

Ngọc Tân

(Dân trí) - 90 trên tổng số 185 "di sản công nghiệp" của Hà Nội đã bị phá hủy, trong khi thành phố vẫn chưa có đủ cơ chế pháp lý để bảo tồn số công trình còn lại.

Sáng 23/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhóm kiến trúc sư đã tổ chức tọa đàm với chủ đề tái thiết di sản công nghiệp tại Hà Nội.

Theo thống kê của TS.KTS Đinh Thị Hải Yến (Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Hà Nội từng có 185 cơ sở công nghiệp có giá trị, nhưng đến nay chỉ còn 95 cơ sở. 90 công trình đã bị phá hủy và chuyển đổi.

Số lượng di sản công nghiệp tại Hà Nội chỉ còn một nửa - 1

Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) được coi là một "di sản công nghiệp" (Ảnh: Thành Đông).

Trong đó, Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là các công trình tồn tại trước 1945. Tới giai đoạn 1954-1965 có thêm 24 công trình, giai đoạn 1965-1975 có 12 công trình và giai đoạn 1975-1986 có 10 công trình.

Quá trình phá hủy các "di sản công nghiệp" diễn ra khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, đồng thời chưa có quy định và chính sách bảo tồn cụ thể đối với các nhà máy, công xưởng cũ.

Đến nay, bài toán đặt ra là cách ứng xử của cơ quan quản lý với các di sản công nghiệp còn sót lại. TS Đinh Thị Hải Yến đề xuất thành phố đưa các công trình công nghiệp có giá trị vào kế hoạch điều chỉnh quy hoạch thủ đô.

Trong đó, các di sản công nghiệp có thể được chuyển đổi thành không gian văn hóa, sáng tạo phục vụ cộng đồng và phát triển công nghiệp văn hóa.

"Thiết nghĩ, chúng ta nên tìm được tiếng nói chung về định hướng của chính quyền, người dân và các nhà đầu tư để việc tái thiết di sản công nghiệp có thể hoạt động hiệu quả", TS Đinh Thị Hải Yến nhận định.