“Khải hoàn ta viết tiếp bài ca”

(Dân trí) - Kinh tế Việt Nam đã khép lại năm Mậu Tuất 2018 với những thành tựu đáng tự hào, trong đó, điều được nhiều người nhắc đến là mức tăng trưởng GDP đầy ấn tượng: 7,08%, đạt “kỷ lục” 11 năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

m_gdp.jpg

 

 

12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra giữa bối cảnh đầy biến động và thách thức của tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Những kết quả ấy không thể lý giải chỉ bằng sự may mắn mà là sự nỗ lực của cả đất nước, với sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, như ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ Trưởng Bộ KHĐT trong một phát biểu đầu năm mới 2019 đã thẳng thắn cho rằng, chúng ta đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm Đổi mới, đã tiến xa so với chính chúng ta, nhưng chưa thấm gì so với thế giới.

“Thế giới đã thay đổi rất nhanh trong 30 năm qua. Chúng ta chỉ xếp 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trình độ phát triển của ta cũng chỉ bằng Hàn Quốc cách đây 40 năm… Do đó, chặng đường phía trước là hết sức khó khăn”, ông Dũng nói trước báo chí như vậy.

Có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Việc ý thức được thực trạng của nền kinh tế, vị trí đang đứng trên bản đồ thế giới là vô cùng quan trọng, quyết định đến triển vọng tương lai của đất nước. Phải thấy được những điều đạt được và cả những vấn đề tồn tại để khắc phục thì mới tiến được những bước dài trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị cuối năm 2018 của Chính phủ với các địa phương cũng đã nhấn mạnh rằng, chúng ta tuyệt đối “không bao giờ ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

Bởi theo Thủ tướng, hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước. Hơn thế nữa, nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là “không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo.

Với chặng đường đã đi qua, Việt Nam được coi là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn: giảm được từ 40 triệu người nghèo, xuống chỉ còn khoảng 5,3 triệu hiện nay (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Thế nhưng vẫn còn trên 1,5 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật nặng, 98.000 người đơn thân nuôi con cận nghèo, phải nhận trợ cấp xã hội… Đó là những con số đáng lưu tâm đối với các nhà hoạch định, điều hành trong bất cứ chính sách nào trong thời gian tới.

Năm 2018, chỉ số tăng trưởng (7,08%) gấp đúng 2 lần chỉ số lạm phát (3,54%). Có lẽ đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp đôi chỉ số lạm phát, do đó mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 càng có ý nghĩa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đã có những ý kiến cho rằng Chính phủ nên nới lỏng chỉ số lạm phát, nhưng nhìn vào thực tế ông cho rằng, “việc nới lỏng là không thuyết phục khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là bài học của Việt Nam vào thời điểm trước đây hay hiện nay và cả nhiều năm tới nữa”.

Bản thân người viết rất tán thành về quan điểm này. Sự thận trọng và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua là vô cùng cần thiết. Bởi, tăng trưởng kinh tế dù ở mức nào cũng cần là sự đi lên của toàn xã hội, đặc biệt là sự cải thiện cuộc sống của những người yếu thế - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Có như vậy mới đảm bảo mục tiêu xuyên suốt “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong không khí tươi vui “cả nước hân hoan mừng xuân mới”, chúng ta cùng tin tưởng vào một năm mới Kỷ Hợi 2019 “khải hoàn ta viết tiếp bài ca” như lời chúc phút giao thừa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng!

 

Bích Diệp