Bạn đọc viết:

Cấm thị trường vàng sẽ góp phần đẩy lui lạm phát

(Dân trí) - Cầu cao, cung hạn chế là một trong những lý do khiến giá vàng trong nước cao hơn hẳn giá vàng thế giới. Thông điệp mới cho nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước lại gây ra nhiều phản ứng của dư luận và lại có ý kiến nêu: cần cấm thị trường vàng.

Cấm thị trường vàng sẽ góp phần đẩy lui lạm phát  - 1
Biểu đồ giá vàng thế giới từ 25-27/9
 

Thói quen tâm lý tích trữ vàng

 

Cấm thị trường vàng, theo tôi, sẽ là quyết định sáng suốt nhất đối với Chính phủ vì:

 

Vàng là một loại kim loại quý, chính vì nó có giá trị cao nên  ngoài chức năng cất trữ, vàng còn có công năng là nguyên liệu cho  trang sức và cho các ngành công nghệ cao.

 

Ở Việt Nam ta từ xưa đến nay thực tế vàng chỉ đóng vai trò hai công năng ban đầu, đó là tích trữ và làm đồ trang sức. Thực tế để đảm bảo cho những nhu cầu này, các mỏ vàng hiện có của nước ta không đáp ứng được nhu cầu đó, vì vậy tất yếu là phải dùng ngoại tệ (chủ yếu USD) để nhập khẩu về.

 

Phân tích ở góc độ dùng làm đồ trang sức, thì lượng vàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu này có lớn và ảnh hưởng tới nền kinh tế không? Dựa vào các số liệu thống kê thì chúng ta có câu trả lời là: Không. Vậy thì chỉ còn nguyên nhân cơ bản đóng vai trò cốt lõi, đó là thói quen tâm lý người Việt Nam ta dùng vàng để tích trữ.

 

Vậy đây là thói quen xấu hay tốt? Với nền kinh tế hiện nay và nền kinh tế trong tương lai thì việc tích trữ vàng với số lượng lớn trong dân mà không góp phần sản xuất ra hàng hóa phục vụ tiêu dùng, thì đây là một trong những hệ lụy rất lớn của nền kinh tế.

 

Trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay các nước có những cá nhân trong người dân sở hữu vàng nhiều như ở nước ta. Nhà nghèo thì vài chỉ, nhà giàu thì một vài cây, thậm chí vài chục, vài trăm cây. Đến nỗi theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì số vàng trong dân có tới hàng chục tấn - một con số khổng lồ.

 

Hệ lụy mất giá kép đồng VN

 

Vậy hệ lụy cơ bản của thị trường vàng này có lớn không?

 

Theo tôi, đa số các vị giới chức của nước ta đều biết và có câu trả lời : đó là cực kỳ lớn và thậm chí nó còn có thể phá hủy nền kinh tế vốn rất mong manh của chúng ta.

 

Kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang lâm vào khủng hoảng. Chính vì vậy sản xuất, đầu tư... đều bị giảm sút rất mạnh. Lạm phát trong nước thực tế tăng rất cao so với tăng trưởng, mức sống người dân sụt giảm rất nhiều.

 

Mỗi khi vàng thế giới tăng một đồng thì giới đầu cơ trong nước tăng đồng rưỡi, nhưng người dân vẫn lao vào để mua - bán dẫn tới phải nhập khẩu để đáp ứng nguồn cầu. Vì vậy phải có ngoại tệ. Trong khi ngoại tệ nguồn chính thống không đủ phục vụ các nhu cầu sản xuất khác, thì lại phải huy động tự do. Chính vì vậy giá USD tự do phải tăng cao. Đây chính là hệ lụy của mất giá kép của đồng VN.

 

Chúng ta đã có một thời gian ngắn cấm mua bán vàng miếng và thực tế đã góp phần rất lớn đối với ổn định nền kinh tế. Cho tới khi có nhiều ý kiến phản đối cái quyền mà một số người gọi là quyền sở hữu cá nhân đối với vàng, để gây áp lực với Nhà nước nhằm phục hồi lại thị trường vàng (mà tôi cho rằng những ý kiến đó đa số là do các công ty kinh doanh vàng đứng đằng sau, mà chúng ta có thể hiểu họ là ai).

 

Chính vì vậy nếu chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng chính sách “đầu voi, đuôi chuột” thì vàng sẽ góp phần lớn vùi dập nền kinh tế của chúng ta. 

 

Bạn đọc có email:  duongls@yahoo.com