Bạn đọc viết:

Giáo dục Việt Nam: Học để thi

(Dân trí) - Mục đích chính của người đi học xưa không phải là để chiếm lĩnh tri thức mà là để đi thi và sau đó là được làm quan, để “vinh thân phì gia”. Chính mục đích ấy là nguyên nhân làm cho giáo dục Việt Nam trong xã hội phong kiến xa rời thực tế.

Đấy là câu chuyện của quá khứ nhưng có vẻ như nó vẫn đúng với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy cái tư tưởng học để đi thi, học để lấy điểm cao, để có bằng cấp vẫn là mục đích chi phối người đi học ngày nay. Ở các trường học, các giáo viên luôn nói với học sinh rằng điểm số không phải là cái quyết định, quan trọng nhất vẫn là năng lực nhưng liệu có hiệu quả khi mà xã hội ta vẫn quá coi trọng bằng cấp.

 

Hiển nhiên năng lực phải được thẩm định qua thi cử nhưng chính tư tưởng quá coi trọng bằng cấp, coi đó là yếu tố gần như là duy nhất để đánh giá năng lực của người học đã biến thi cử từ chỗ chỉ là phương tiện trở thành mục đích của người đi học. Các cơ quan tuyển dụng vẫn luôn dựa vào bằng cấp để tuyển người mà không xem xét năng lực thực sự đã đưa người học đến tư tưởng phải làm mọi cách để có điểm cao, bằng cấp cao kể cả những cách tiêu cực như chạy điểm, gian lận trong thi cử. Từ đó tạo nên bệnh thành tích trong giáo dục, những tấm bằng không tương xứng với năng lực thực sự kiểu như “tiến sĩ giấy”.
 
Giáo dục Việt Nam: Học để thi - 1

Cải cách giáo dục, theo nhiều nhà giáo, nhà khoa học, là yêu cầu bức thiết (nguồn ảnh: internet).

 

Thật không khó để nhận ra những biểu hiện học tập vì tấm bằng trong giáo dục Việt Nam: Học sinh, sinh viên cứ mỗi khi đến mùa thi mới bắt đầu lao vào “dùi mài kinh sử”; những vị có chức mà kém tài đi học tại chức để giữ “ghế”.

 

Đấy là những hiện tượng rất phổ biến trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Có thể thấy trong chừng mực nhất định, mục đích của những người đi học hiện nay vẫn là: học để thi, thi để lấy bằng, lấy bằng để tiến thân như kiểu giáo dục thời phong kiến. Chừng nào những người đi học vẫn còn có mục đích này thì khi đó những hiện tượng chạy điểm, gian lận trong thi cử không thể nào được giải quyết một cách triệt để.

 

Làm thế nào để xây dựng một nền giáo dục mà trong đó người đi học nhận thức rằng mục đích của viêc học là học để biết, để chiếm lĩnh tri thức, để ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống mới là điều quan trọng nhất. Đấy là những câu hỏi cấp thiết cần phải được giải đáp đối với giáo dục Việt Nam. Sẽ là vô ích nếu như chúng ta kêu gọi đổi mới nội dung dạy - học, đổi mới phương pháp dạy học - trong đó cốt lõi là phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh khi tư tưởng học để thi vẫn chi phối người đi học. Bởi lẽ mục đích học đó sẽ tạo nên tâm lý chỉ học những kiến thức đủ để  đối phó với các kỳ thi, những gì không có trong các kỳ thi coi như “chữ Thầy trả lại cho Thầy”. Điều này thể hiện rõ nét qua xu hướng học lệch tồn tại phổ biến trong học sinh ngày nay.

 

Đối với các môn tự nhiên cần thiết hơn cho các kỳ thi tuyển sinh, học sinh lao đầu vào học, học chính khóa chưa đủ, cần phải đi học thêm. Ngược lại, đối với các môn xã hội, học sinh tỏ ra thờ ơ. Thế thì làm sao thực hiện được nội dung dạy học toàn diện, dạy học theo phương pháp mới.

 

Hạn chế này của giáo dục Việt Nam chỉ có thể được giải quyết nếu việc tuyển dụng người lao động dựa trên năng lực thực sự chứ không phải chỉ dựa vào bằng cấp. Ở các công ty tư nhân hiện nay (công ty của người Việt lẫn của người nước ngoài) đã bắt đầu có xu hướng tuyển người theo năng lực: không quan trọng bằng cấp, chỉ cần anh làm tốt công việc được giao trong thời gian tập sự là sẽ được nhận. Đấy là những tín hiệu đáng mừng nhưng chưa phổ biến. Cách làm này cần phải được nhân rộng, khuyến khích. Có như vậy, tư tưởng “học để thi” mới thực sự bị loại bỏ.

 

Thái Nguyễn Đức

ducthaispsls@gmail.com