Nhiều ý kiến quanh “tập sách đạo đức” của cô hiệu trưởng

(Dân trí) - Trong thời điểm giáo dục là 1 trong những vấn đề rất được quan tâm như hiện nay, chuyện thu hồi tập bài giảng đạo đức của cô Đỗ Thị Lai - Hiệu trưởng trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) lại làm dấy lên cuộc tranh luận mới.

Từ ý tưởng...
 
“Tôi đã đọc bài giảng đạo đức của trường PTTH Đồng Hòa do bà Lai sưu tầm và đưa vào giảng dạy. Tôi nhận thấy bài viết đó về nội dung rất bổ ích cho con em của chúng ta, nhất là ở một nước có nền kinh tế đang phát triển như ở nước ta hiện nay. Vấn đề đạo đức đang rất cần được quan tâm và cần các thầy cô truyền đạt trực tiếp đến các em. Với những nội dung như những bài giảng đạo đức do bà Đỗ Thị Lai sưu tầm và đóng thành tập bài đạo đức, bài viết đó đã truyền đạt tới các em kỹ năng sống, dạy các em phải biết đến công ơn chăm lo, dưỡng dục của  ông bà, bố mẹ, thầy cô mà biết cách ứng xử với ông bà, bố mẹ, thầy cô cho phải phép. Rồi có những bài viết về cách ứng xử với bạn bè, bài viết dạy các anh chị em trong một gia đình phải thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau. Bản thân tôi cũng có hai con đang ngồi trên ghế nhà trường và tôi thấy những bài giảng đạo đức đó rất cần thiết. Tôi nghĩ bà Lai đã sưu tầm và chọn lọc những bài giảng này rất kỹ lưỡng trước khi đưa vào nhà trường để giảng dạy cho các em. Có một điều bà sơ suất với những câu dẫn chứng về ca dao và tục ngữ mà thôi. Theo tôi, các trường học nên có những tập giảng cho các em học sinh để tham khảo và rút ra kinh nghiệm sống như những tập giảng của bà Lai” - maithuthuong: maiduyinte@yahoo.com nhận xét.
 
Nhiều ý kiến quanh “tập sách đạo đức” của cô hiệu trưởng  - 1

Trường THPT Đồng Hòa đã ngừng lưu hành và thu hồi tập bài giảng đạo đức gây xôn xao dư luận.

 

Mẹ Bé Bin: morningstar185912@yahoo.com đồng tình:“Mục đích của vấn đề này là hoàn toàn tốt, không phải là các trường nên có để học sinh trau dồi đạo đức trong thời buổi đạo đức một bộ phận giới trẻ đang đi xuống đó sao? Dù là học sinh lớp mấy thì thử ôn lại tất cả bài học đạo đức để chuẩn bị bước vào đời không phải là điều quan trọng sao? Tại sao chỉ chú tâm chê văn của cô Lai, mà không nghĩ đến hiệu quả và mục đích tốt đẹp của nó? Các bậc phụ huynh và một số học sinh cứ nghĩ “tôi lớn rồi, con mình lớn rồi, không cần đọc những điều cũ rích giản đơn đến thế”. Nhưng khi con mình, anh chị em mình hư hỏng hay không thành người thì lại đổ lỗi đã không được nhà trường nhắc nhở giáo dục đến nơi đến chốn? Tôi không chú tâm lắm đến cú pháp cấu trúc văn của cô Lai, tôi chỉ tự hỏi nếu nhà trường nào cũng chú trọng được đến vấn đề này như cô Lai mong mỏi, thì có phải là con tôi sau này dù lên đến lớp nào thì cũng yên tâm là không bị thầy cô bỏ quên việc nhắc nhở cần chú trọng đến trau dồi đạo đức hay không. Dù là việc nhỏ, dù là ít nhưng khi được nhắc đi nhắc lại thì trong đầu con trẻ sẽ “thấm lâu, khắc sâu" hơn. Thế không đúng hay sao?”.

 

“Cuốn sách với nội dung bình dị thiết thực, những bài giảng đạo đức giản đơn nhưng dễ hiểu, đi vào lòng người (ngoại trừ một số sai sót như kiểu tất cả đều là “tục ngữ”). Trong xã hội hôm nay tôi thấy nhiều giá trị nền tảng đạo đức trong gia đình, xã hội đang bị mai một. Nên việc tập san đạo đức này ra đời thể hiện người sưu tầm rất có tâm và khát khao khôi phục những giá trị xã hội quý giá đúc rút từ ngàn đời trước. Thật buồn khi phụ huynh “sốc” và nghĩ rằng “con mình phải học cái gì đó to tát vĩ đại hơn là học mấy kiến thức mà học sinh tiểu học cũng biết này”. Tôi nghĩ đúng là bệnh thành tích quá nặng.  Xin hỏi: không biết những lễ nghĩa với ông, bà, cha, mẹ thầy cô hiện nay ngay cả sinh viên đại học đã thực hiện tốt chưa? đã được như học sinh tiểu học chưa? Nhắc lại những cách ứng xử văn hóa tốt đẹp là điều nên làm. Xin cảm ơn tác giả vì những tâm huyết của cô với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Xin tác giả đừng buồn vì những ý kiến trái chiều” - Lam Anh: laura_nguyen2000@yahoo.com chia sẻ.

 

Ủng hộ cách làm của hiệu trưởng nhưng Khánh: ngockhanh27@gmail.com cũng chỉ ra những điểm thiếu sót của cuốn sách: “Trước tiên cũng nên hoan nghênh sáng kiến của nhà trường. Họ đã có ý tưởng và hành động về việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Theo tôi thấy một số bài trong tập bài này có nội dung rất tốt, chỉ có điều là cách trình bày và ngôn từ chưa phù hợp. Nói chung là nên giữ ý tưởng này để thực hiện, và cần đầu tư bài bản hơn nữa để hoàn thiện tập bài học. Nếu Bộ Giáo dục ĐT và tất cả các trường cũng chú trọng vấn đề dạy các bài học đạo đức cho học sinh như trường này thì tôi nghĩ là TỐT QUÁ!”

 

Tương tự, Phạm Việt Hùng: phamviethung.dap2@gmail.com nhận xét kèm kiến nghị: “Về đạo đức, các em học sinh  nước ta về cơ bản trong trường học đã được học những bài về sự cần thiết trau dồi đạo đức của bản thân. Tuy nhiên trong sách học đạo đức chỉ dẫn ra các dẫn chứng để liên hệ bản thân, mà chưa có nhiều phân tích. Theo cá nhân tôi, việc nhà trường THPT Đồng Hòa có các bài về đạo đức như vậy là đúng đắn. Bài đạo đức đã phân tích những đức tính tốt cần có trong mỗi học sinh như lời Bác Hồ dạy: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm... Có phân tích như vậy thì mỗi học sinh mới thấm nhuần được hết ý nghĩa của các từ đó và vận dụng vào bản thân. Đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét và đưa vào sách học cho học sinh”

 

... đến quy trình
 

“Có thể thiện chí của bà Lai là có, nhưng trình độ viết bài chưa có nên câu chữ rất buồn cười, thậm chí ngớ ngẩn. Lẽ ra trước khi xuất bản, phổ biến, bà Lai nên cho biên tập lại cho đúng văn phong - văn phạm- từ ngữ. Khi viết bài này ra, vô hình trung bà Lai lộ 'tung tích' của mình là chưa đủ trình độ thì sẽ khó dạy học sinh... Nếu thầy cô giáo mà không làm đúng - nói đúng sẽ có tác dụng ngược đó...” - Manlee: manlee1920@yahoo.com nhận định.

 

Hao Tran tranhao007vn@gmail.com cho rằng nếu nội dung không truyền đạt đúng ý sẽ phản tác dụng: “Ý tưởng thì rất tốt nhưng thực hiện thì kém quá. Dù là gì thì khi phát cho học sinh đọc có nghĩa là muốn học sinh học, thì nội dung phải hết sức chăm chút. Không thể nói là “đây chỉ là tập bài giảng sưu tầm nên tôi nghĩ cách diễn đạt không cần quá mô phạm, mà làm sao để các em dễ hiểu mà thôi”, bởi vì nội dung quá cẩu thả thì học sinh sẽ hiểu sai, mà hiểu sai đương nhiên là làm sai…”

 

Từ phía 1 nhà giáo, Mai Văn Chiến maivanchien01@gmail.com nhấn mạnh: “Bản thân tôi cũng là một giáo viên, nhưng khi đọc được cuốn tập đạo đức này tôi không thể chấp nhận được.

 

Thứ nhất, với tư duy của một học sinh lớp 10 thì những điều có trong cuốn sách quá đơn giản và thiển cận. Tôi chắc chắn rằng con tôi đã được học tất cả điều đó từ khi còn học tiểu học, thậm chí còn được học một cách bài bản và chính xác hơn nhiều.

 

Thứ 2, tôi thấy người biên soạn cuốn sách này không hiểu thế nào là ca dao, là tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ... Ngay cả ý nghĩa của nó cũng giải thích rất sơ sài thậm chí đến ngờ nghệch, có vẻ như cách thể hiện của một học sinh tiểu học hơn là một thạc sỹ.

 

Thứ 3, tôi thấy cuốn sách biên soạn không có logic. Các bạn cứ đọc mấy cuốn đạo đức của lớp 4 hoặc lớp 5 mà xem, còn thâm thúy, súc tích hơn rất nhiều.

 

Tôi mong bộ GD và ĐT nói chung và sở GD và ĐT Hải Phòng nói riêng cần có cách nhìn đúng đắn hơn, để các em có những cuốn sách tương xứng với với trình độ của người đọc”.

 

Cùng chung quan điểm, nick Đạo Đức vudinhlammr@yahoo.com.vn nêu rõ: “Cách giải thích của bà Hiệu trưởng này tôi thấy thật thiếu trách nhiệm. Cứ cho rằng không phải là sách chính khóa, nhưng đâu phải  mang sách gì ra giảng dạy cũng được mà không tính đến kết quả  mang lại cho học sinh tiếp thu được những gì. Đấy là còn chưa kể việc hiểu sai dụng ý của câu tục ngữ mà chủ biên gây ra, dẫn đến sự hiểu không đúng cho học sinh. Hơn nữa sách trước khi xuất bản, đưa vào giảng dạy phải qua nhiều khâu kiểm duyệt, khi đạt chất lượng thì mới lưu hành. Bà Lai cho rằng “sách này chỉ là tập bài giảng đạo đức  lưu hành nội bộ trong trường”, vậy các em học sinh trong trường này không giống với các em ở các trường PTTH khác và phải được học sách riêng hay sao? Tôi nghĩ bà hiệu trưởng này tự in sách nhằm mục đích kinh tế nhiều hơn là giáo dục, vì chẳng lẽ bà Lai tự bỏ tiền ra in sách và phát miễn phí cho học sinh? Tại sao trước khi lưu hành không họp lấy ý kiến của phụ huynh, mà khi bị phản đối thì mới họp này họp nọ... Thật bó tay với cương vị hiệu trưởng mà xử sự thiếu cân nhắc như vậy”….
 
Nguyễn Lê nguyenletruongvn@yahoo.com cũng lưu ý: "... Vấn đề là: 1. Những nội dung trong sách rất thiếu những kiến thức cơ bản của một học sinh cấp 2 bình thường cần phải có. 2. Dù là sưu tầm thì việc phổ biến những sưu tầm đó dưới dạng tài liệu được in ấn cũng là hành vi ấu trĩ và vi phạm pháp luật. Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc xuất bản trong trường hợp được in ấn bằng các phương thức khác nhau, là vì lẽ đó. Ngoài ra dù đó là tài liệu sưu tầm thì cũng phản ánh tâm tư và ý kiến chủ quan của người viết (trong trường hợp này thì có thêm cả trình độ nữa). 3. Chính vì vậy mà tính giáo dục của sách là rất thấp, thậm chí sẽ gây phản cảm và hiểu nhầm về năng lực chung của những người viết sách hay của những người làm giáo dục. Mong rằng dư luận và các cấp quản lý có liên quan đến sự việc này điều chỉnh dứt điểm, không để tình trạng phát hành, lưu truyền tài liệu giáo dục bừa bãi diễn ra thêm nữa".

 
Là người cùng công tác trong ngành giáo dục, Trí - Long An tridomlongan@gmail.com liên tưởng xa hơn với cảnh báo: "Cách đây vài ngày tôi đã bật cười với bài báo, dù báo chỉ trích dẫn một vài đoạn trong tập bài giảng. Tưởng chừng đây là một số bài tập làm văn ngô nghê của học sinh, nay bất ngờ biết đây là tác phẩm tâm huyết của một cô hiệu trưởng. Dù bà khẳng định không phải là luận văn thạc sĩ của mình, nhưng trời ạ! vậy luận văn thạc sĩ của bà sẽ ra sao với kiểu hành văn "cười ra nước mắt" thế ấy?! Tôi công tác trong ngành giáo dục nên hiểu rõ quy trình đào tạo thạc sĩ hiện nay, vài năm nữa chúng ta còn tiếp nhận 20 ngàn thạc sĩ, tiến sĩ trong chương trình mục tiêu của ngành giáo dục nữa kìa. Lúc ấy tha hồ mà cười như mếu với những tác phẩm bất hủ của các vị hiệu trưởng - hiệu phó - thạc sĩ - tiến sĩ như thế. Và cũng không loại trừ do thạc sĩ, tiến sĩ nhiều quá trở nên bình thường quá, người ta sẽ cố gắng phổ cập giáo sư, phó giáo sư cho các vị hiệu trưởng trường THPT!!!"
 
Nhiều độc giả cũng phản bác lý giải của cô Hiệu trưởng Lai về sự "đồng thuận" của phụ huynh học sinh, đa số vạch rõ "căn bệnh chung" - đó là sợ con em bị trù dập" của các bậc làm cha, làm mẹ:
 
Phuc An Khang thanhthy_hh@yahoo.com.vn rút ra kết luận: "Hiệu trưởng ra sách thì nhất rồi, đố thầy cô nào dám không bán, đố học sinh nào dám không mua và đố phụ huynh nào dám có ý kiến ngoài việc cho tiền con mình mua. Làm như vậy hiệu trưởng được lợi là có tiền bán sách và gây tiếng vang trong giới sư phạm. Có họp với phụ huynh để lấy ý kiến bao nhiêu lần nữa thì phụ huynh cũng không dám có ý kiến phản đối đâu. Nên hỏi ý kiến trưởng phòng giáo dục trực tiếp của trường thì hay hơn".

 

Từ phía học sinh, nick Abc traitimtanvo_khiemkhongconyeuanh@yahoo.com khẳng định: "Em là học sinh trường THPT Đồng Hòa - Kiến An - Hải Phòng. Theo em được biết thì buổi chiều hôm nay 25/9 không có cuộc học giữa phụ huynh học sinh và nhà trường nào cả. Em đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo HP xem xét lại thông tin vừa nêu của nhà trường".

 

Trần Bách