Cấu trúc mới của ngành Khoa học xã hội và nhân văn

(Dân trí) - Nhiều nhà giáo dục rất lo lắng về ngành Xã hội nhân văn đang dần mất sức hút, nguy cơ sẽ bị “xóa sổ”. Tuy nhiên, GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, nguyên giảng viên khoa Lịch sử cho rằng: Ngành Xã hội nhân văn đang âm thầm khởi sắc.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Đóng góp của khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển kinh tế - xã hội” do Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức, GS.TS Đỗ Quang Hưng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, nguyên giảng viên tại Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN đã phân tích về cấu trúc mới của ngành Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam hiện nay.
 
Cấu trúc mới của ngành Khoa học xã hội và nhân văn - 1
Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, ngành Xã hội nhân văn đang âm thầm khởi sắc.

GS.TS Đỗ Quang Hưng cho biết, ở Việt Nam đang tồn tại một thực tế, ít nhất trong khu vực nhà nước, có 2 khối nghề nghiệp: hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu chuyên ngành, có thể khu biệt thành ba nhóm:

Thứ nhất, nhóm nghiên cứu, giảng dạy về khoa học xã hội như Kinh tế học, Luật học, Địa lý, Chính trị học, Xã hội học…

Thứ hai, nhóm nghiên cứu giảng dạy về khoa học xã hội nhân văn như Văn học, Sử học, triết học, Tôn giáo học, Nhân học…

Thứ ba, nhóm nghiên cứu quốc tế và khu vực học như Quốc tế học, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Mỹ và Tây Âu.

Chưa bao giờ như những năm gần đây “sân chơi” của khoa học xã hội và nhân văn ở Việt nam rộng rãi và thoáng như hiện nay. Chỉ nói riêng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam hiện đã có trên dưới 30 viện chuyên ngành, trung tâm nghiên cứu. Chỉ tiêng “khối Sử”, bên cạnh các viện như Dân tộc học, Sử học..., nay đã có thêm hàng loạt các viện lân cận như Nhân học. Từ lâu đã có sự tách biệt Viện Ngôn ngữ khỏi Viện Văn học… Đáng chú ý là hàng loạt các viện khu vực học với hai cấp độ: những khu vực lớn theo phân loại chung như Viện Đông Nam Á, Viện Mỹ và Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Bắc Á…. Tương ứng như vậy, chẳng hạn ở ĐH Quốc gia chúng ta là sự xuất hiện các khoa như Khoa Quốc tế, khoa Quốc tế học, khoa Đông Phương học…

Khu vực học ở Việt Nam hiện nay còn được hiểu là các khu vực kinh tế - chính trị - xã hội trong quốc gia (vùng) như Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên và Miền trung…

Đặc biệt, do sự mở của hội nhập cũng như nhu cầu về thực tiễn, Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong hoặc ngoài hệ thống các trường đại học đều có chiều hướng mở thêm những chuyên ngành cập nhật với đời sống xã hội. Đáng kể là sự xuất hiện của ngành Xã hội học trên dưới 20 năm nay ở Viện Khoa học Xã hội và trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sự bùng bổ của các khoa Kinh tế, Luật là điều đã được nói nhiều.

Sự tái cấu trúc trong các khoa đào tạo, các viện nghiên cứu của nhiều ngành nghề cũng được thể hiện khá rõ. Ngành Tâm lý học hôm nay không chỉ đóng khung trong những chuyên ngành cổ điển như tâm lý học cá nhân, tâm lý học xã hội. Ngành Dân tộc học có sự thay đổi lớn khi nó hòa nhập với Nhân học.

Trong một trường đại học lâu năm và có truyền thống như trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn của chúng ta cũng đã xuất hiện thêm nhiều ngành mới như Du lịch học, Quản lý xã hội…

Tất cả những điều này cho ta thấy việc tái cấu trúc ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học và nhân văn ở nước ta những thập kỷ gần đây là khá mạnh mẽ và kịp thời, ít nhất trên bình diện về tổ chức nghiên cứu và đào tạo.

Ngành Khoa học xã hội Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển biến

GS.TS Đỗ Quang Hưng cho biết: Hình như chưa thấy có một tổng kết toàn diện về những thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam, ở cả hai khu vực các nghiên cứu và các trường đại học.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống đã cho thấy, 20 năm nay giới khoa học xã hội Việt Nam đã bắt đàu có sự chuyển biến từ lối nghiên cứu vĩ mô sang lối nghiên cứu kết hợp giữa vĩ mô với vi mô. Trước đây, nghiên cứu lịch sử Việt Nam thường trú trọng đến các vấn đề lớn như lịch sử quân sự, kháng chiến; lịch sử các lực lượng xã hội tiêu biểu như công nhân, nông dân… cho đến những vấn đề có tính chiến lược trong xây dựng đất nước…

Trong những công trình như thế, hình ảnh con người thường hạn chế, trong khi nói cho cùng lịch sử phải là lịch sử của con người và xã hội. Những năm gần đây đã có những công trình sử học đi sâu vào nhiều khía cạnh của đời sống như lịch sử các ngành nghề, đất đai, lịch sử cá nhân, các sự kiện lịch sử quan trọng...

Văn học cũng dần dần có những hướng nghiên cứu sâu hơn về các tác giả, về phong cách... thay vì chú trọng các dòng văn học lớn.

Kinh nghiệm ở nước ta cho thấy, về điều này, chúng ta cần có thêm những công trình kiểu như P.Gouru về Người nông dân đồng bằng sông Hồng; của Nguyễn Văn Huyên về Nhân khẩu học, phong tục tập quán vùng Kinh Bắc; hoặc của Cardiere về Tín ngưỡng, tôn giáo, gia đình, văn hóa người Việt…

Yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội ngày hôm nay vẫn luôn đòi hỏi những tác phẩm như thế, vừa cơ bản vừa thực tiễn.

GS.TS Hưng cho rằng: Hội nhập quốc tế về khoa học xã hội nhân văn hiện nay chắc hẳn còn đòi hỏi giới nghiên cứu, các ngành sư phạm của chúng ta trong lĩnh vực này những chiều kích khác của phương pháp nghiên cứu, định hướng nghiên cứu.

Chúng ta đã từng quan niệm “xã hội” chủ yếu theo nghĩa rộng. “Con người” cũng vậy. Cuộc sống hôm nay ít nhất về mặt xã hội cũng đặt ra, chẳng hạn: Với vấn đề “dân tộc”, ngày hôm nay có lẽ chúng ta không chỉ mô tả dân tộc học về các tộc người mà phải hướng tới những suy tư về dân tộc bản địa, chủ nghĩa bản địa xuyên quốc gia; các quan hệ dân tộc, tộc người trong thế giới hiện đại...

Với vấn đề “tôn giáo”, không phải là chỉ xoay quanh câu chuyện định nghĩa về nó cũng như bàn về các chức năng, vai trò “chung” của nó mà phải trả lời những vấn đề như sự biến đổi tâm linh tín ngưỡng trong thế giới hiện đại; tôn giáo và tính hiện đại, đa nguyên và thế tục hóa... chưa kể còn phải bàn đến những vấn đề như “hiện tượng tôn giáo mới”; tôn giáo và pháp quyền trong thế giới hiện đại…

Một logic tương tự như vậy có thể sẽ diễn ra với bất cứ ngành nào. Về đối tượng mà chúng ta nghiên cứu, có lẽ chưa bao giờ như hôm nay, giới khoa học xã hội còn phải để tâm đến những cộng đồng xã hội nhỏ bé; những nhóm xã hội và những vấn đề xã hội đặt biệt... Thế giới cực hiện đại như hôm nay đòi hỏi chúng ta và nghề nghiệp của chúng ta là như vậy - GS Hưng khẳng định.

Hồng Hạnh (ghi)