Trường học hạnh phúc, hiệu trưởng không thể là "quan giáo dục"

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - "Muốn xây dựng trường học hạnh phúc, hiệu trưởng phải là người tiên phong đổi mới, quan tâm chăm sóc giáo viên và học sinh, chứ không phải là một ông quan giáo dục", Giám đốc Sở Giáo dục TPHCM nêu.

Học sinh, giáo viên phải được hạnh phúc

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí và kế hoạch trường học hạnh phúc do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức ngày 20/10.

Ông Hiếu trăn trở khi học sinh thường bị so sánh với "con người ta": "Chúng ta làm sao cho đừng có sự so sánh con nhà người ta. Khái niệm "con người ta" làm mất đi hạnh phúc của đứa trẻ rất nhiều.

Mỗi lần thi tuyển sinh đầu cấp hay đại học, chính cha mẹ là áp lực rất lớn cho niềm vui, hạnh phúc học tập của con cái khi thường có câu con người ta đậu vào trường kia sao con mình đậu vào trường này".

Ông mong muốn các nhà trường có biện pháp để phụ huynh thấu hiểu và chia sẻ, đồng hành cùng xây dựng trường học hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc, hiệu trưởng không thể là quan giáo dục - 1

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Người đứng đầu ngành giáo dục thành phố bày tỏ ai cũng mong muốn trường mình được hạnh phúc, người dạy và người học chia sẻ, trách nhiệm và yêu thương nhau. 

Muốn được vậy, học sinh và giáo viên cần được tôn trọng, lắng nghe. Cán bộ quản lý phải định kỳ sinh hoạt tổ chuyên môn cùng giáo viên, tiếp nhận phản ánh...

Song, thực tế, một bộ phận lãnh đạo còn quan cách, không biết thực tế diễn ra thế nào. Giám đốc Sở dẫn lại chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại chương trình gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý mới đây:

"Bộ trưởng nhắc nhở hiệu trưởng không phải là một ông quan trong cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Cho nên mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới", ông Hiếu nhắc lại.

Trường học hạnh phúc, hiệu trưởng không thể là quan giáo dục - 2

Học sinh và giáo viên Trường Mầm non Thành phố (Ảnh: Nhà trường).

Ông Hiếu nói khi thầy cô hiệu trưởng biết lắng nghe, chia sẻ, đi đầu và thay đổi phù hợp thì giáo viên mới hạnh phúc, đổi mới cách dạy học, kiểm tra, đánh giá, giúp học trò được hạnh phúc khi đến trường.

"Những người hạnh phúc mới mang hạnh phúc đến cho người khác. Vì thế, thầy cô giáo phải được quan tâm và chăm sóc trước. Nhà trường là một trong những nơi lan tỏa tốt nhất những hình ảnh, những nét văn hóa tốt đẹp tới xã hội", ông Hiếu nói.

Là địa phương sớm ban hành Bộ tiêu chí, ngành giáo dục TPHCM coi đây là một hành trình lâu dài, vừa làm, vừa đánh giá, cải thiện dần để trở nên hiệu quả hơn.

Không đợi thành công mới hạnh phúc

Đặt ra vấn đề nghịch lý của sự phát triển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay xã hội ngày này đang có điều kiện hơn, đầy đủ hơn, có sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội... nhưng hạnh phúc chưa hẳn đã có tỷ lệ thuận.

Do vậy, ông đề cao môi trường giáo dục hạnh phúc.

"Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của chúng ta trọng tâm phát triển năng lực, phẩm chất và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, để từ đó mỗi cá nhân thể hiện được đam mê của mình. Có đam mê, các em mới có thể sáng tạo, chứ không phải học theo phương thức truyền thống cũ là ghi nhớ, nhồi nhét và áp lực", ông Phúc nói.

Trường học hạnh phúc, hiệu trưởng không thể là quan giáo dục - 3

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc mong muốn mỗi ngày đến trường với học sinh, thầy cô đều là hạnh phúc (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thứ trưởng cho rằng: "Hạnh phúc không phải đi tới cuối con đường mà hạnh phúc là trên mỗi bước đường ta đi. Không phải đợi thành tài, thành danh rồi mới hạnh phúc mà mỗi ngày đến trường với học sinh, thầy cô đều là hạnh phúc".

Ông Nguyễn Văn Phúc nói xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình lâu dài và Bộ không đưa văn bản để hành chính hóa nó vì đây là vấn đề tự thân của mỗi cơ sở giáo dục để xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị mình.

Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc của TPHCM với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn gồm: Nhóm tiêu chuẩn về con người (6 tiêu chí), nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục (8 tiêu chí), nhóm tiêu chuẩn về môi trường (4 tiêu chí).

Trường học hạnh phúc nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa.

Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TPHCM theo phương châm: "Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo".