Cựu Cục trưởng Lãnh sự: Coi công dân khó khăn ở nước ngoài như người thân

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - "Tôi luôn đặt công tác bảo hộ công dân và lợi ích công dân lên trên tất cả, luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân", cựu Cục trưởng Lãnh sự nói tại phần tự bào chữa.

Ngày 19/7, phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục phần bào chữa của bị cáo và các luật sư.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao trình bày, năm 2021 có một số doanh nghiệp đề xuất bà cắt các chuyến bay giải cứu (miễn phí) để tăng lượng chuyến bay combo (công dân tự chi trả), nhưng bà đều từ chối vì không phải công dân nào cũng đủ tiền chi trả.

Khi nhận phản ánh của công dân về giá các chuyến bay combo cao, dịch vụ không đúng cam kết, bà Lan chủ động liên lạc doanh nghiệp yêu cầu điều chỉnh giá vé đến tay công dân phải là giá đã công bố.

Nữ bị cáo khẳng định bản thân và cán bộ Cục Lãnh sự không bao giờ lợi dụng hoàn cảnh dịch Covid-19 để kiến nghị, đề xuất, ưu tiên các chuyến bay combo có trả phí bởi công tác bảo hộ công dân đã được triển khai thường xuyên, từ lâu, có tiền lệ và không phải đến dịch mới có chuyến bay giải cứu.

Theo bà Hương Lan, năm 2011, hơn 11.000 người Việt mắc kẹt trong nội chiến Libya đã được Cục Lãnh sự trợ giúp hồi hương miễn phí.

Cựu Cục trưởng Lãnh sự: Coi công dân khó khăn ở nước ngoài như người thân - 1

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan được dẫn giải đến phiên tòa (Ảnh: Võ Nam).

Năm 2019, khi 39 công dân tử vong trong container đông lạnh ở Anh, Bộ Ngoại giao cũng được triển khai chuyến bay khẩn cấp, đưa thi thể trao trả cho người nhà nạn nhân trong thời gian sớm nhất.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) luôn tạo điều kiện tối đa cho công dân ở nước ngoài về nước, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau như chính sách của Nhà nước trong thời gian Covid-19.

"Tôi luôn đặt công tác bảo hộ công dân và lợi ích công dân lên trên tất cả, luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân, cần hỗ trợ đưa về sớm và hiệu quả nhất", bà Lan nói. 

Nữ bị cáo cho biết, các cán bộ Cục Lãnh sự luôn báo cho doanh nghiệp về chủ trương, phê duyệt chuyến bay giải cứu trong ngày, không để chậm trễ vì cũng biết doanh nghiệp cần thủ tục, thời gian.

Bà Hương Lan mong hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét gỡ kê biên căn nhà tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để gia đình có nơi sinh sống và bà cũng có chốn quay về sau khi chấp hành xong hình phạt.

Đồng thời, bà Lan mong HĐXX gỡ kê biên, phong tỏa các tài sản khác để nhờ gia đình xử lý, có tiền nộp khắc phục trước khi phiên tòa kết thúc

"Một lần nữa, bị cáo xin nhận lỗi với nhân dân, xin lỗi nhân dân vì nhận thức của bị cáo chưa được đầy đủ về việc nhận quà nên đã nhận của đại diện một số doanh nghiệp. Bị cáo mong nhân dân sẽ tha thứ", bà Lan gửi lời xin lỗi.

Đồng thời mong HĐXX xem xét cho mình và các bị cáo ở Cục Lãnh sự hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị, để có thể làm lại cuộc đời.

Theo bản luận tội của Viện kiểm sát, tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội cũng như cáo trạng đã truy tố.

Căn cứ các lời khai, sơ đồ vị trí đưa tiền, hồ sơ cấp phép chuyến bay, dữ liệu điện tử, sao kê tài khoản và các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án có căn cứ xác định từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, trong quá trình cấp phép các chuyến bay giải cứu, Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của đại diện 8 doanh nghiệp.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên phong tỏa tài khoản, tài sản liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan để đảm bảo thi hành án.

Cụ thể, đề nghị phong tỏa số tiền hơn 200 triệu đồng tại các ngân hàng và hàng loạt mã trái phiếu trị giá khoảng 5 tỷ đồng; tiếp tục kê biên các tài sản đứng tên bà Lan là một căn hộ chung cư ở Giảng Võ (Hà Nội) giá trị khoảng 15 tỷ đồng; căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) giá trị khoảng 4,4 tỷ đồng và ô tô 5 chỗ nhãn hiệu LEXUS RX300 màu trắng giá trị khoảng 3 tỷ đồng.

Tổng giá trị tài sản kê biên, thu giữ khoảng 29 tỷ đồng.