Tâm điểm
Bích Diệp

Tâm tư khi giá sách tăng, NXB báo lãi kỷ lục

Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vừa báo lãi cao kỷ lục trong năm 2022. Mức lãi sau thuế của đơn vị này đạt được năm vừa qua là 331 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021 và gấp rưỡi kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Rõ ràng là tin vui với doanh nghiệp, cũng là kết quả đáng để chúc mừng ban lãnh đạo. Nhưng vì sao tin này lại không được nhiều người dân nhiệt tình đón nhận? Phải chăng là bởi thành kiến đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), rằng lãi lớn thì bị chỉ trích mà lỗ lớn thì phê phán?

Qua quá trình làm phóng viên theo dõi tài chính doanh nghiệp, tôi không phủ nhận đâu đó vẫn có những cái nhìn khắt khe với DNNN, nhất là những doanh nghiệp có vị thế độc quyền.

Nhưng sự khắt khe không phải bỗng dưng, vô cớ. Tùy vào đặc thù của từng đơn vị, vai trò và vị trí của doanh nghiệp đó trong nền kinh tế đất nước, trong đó có cả nhiệm vụ chính trị mà doanh nghiệp được giao phó, người dân sẽ có những góc nhìn khác nhau đối với hiệu quả hoạt động của DNNN.

Chẳng hạn, những đơn vị kinh doanh dựa trên tài nguyên, khai thác khoáng sản… nếu lỗ lớn thì rất khó chấp nhận; tương tự, lãi lớn trong lĩnh vực giáo dục dựa trên tăng giá sách, tăng học phí, tăng số tiền mà người dân phải nộp để theo đuổi việc học, nói gì thì nói vẫn rất khó để vui!

Tâm tư khi giá sách tăng, NXB báo lãi kỷ lục - 1

Sách giáo khoa lớp 8 của NXBGD Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà).

Trở lại với NXB Giáo dục Việt Nam, trong năm ngoái, doanh thu thuần tăng 34% so với 2021 - một mức tăng mạnh - đạt 2.387 tỷ đồng, cao hơn 14% so với kế hoạch đề ra. Nguồn thu này đến từ sản xuất hơn 206 triệu ấn phẩm. Sau khi trừ giá vốn, NXB lãi gộp 740 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 331 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch được Bộ chủ quản giao.

Kết quả kinh doanh của NXB Giáo dục Việt Nam tăng 3 năm liên tiếp theo đà tăng của giá sách giáo khoa (SGK). Đây là vấn đề có thể khiến nhiều bậc phụ huynh tâm tư.

Xét góc độ kinh doanh, doanh nghiệp không có gì sai khi tăng giá bán để bù đắp chi phí, tối đa lợi nhuận. Nguyên nhân tăng giá bán cũng từng được lãnh đạo NXB giải thích là đến từ việc chi phí tăng ở cả 4 yếu tố cấu thành: Số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.

Nhưng, người tiêu dùng có quyền phản ứng. Ở những hàng hóa khác, nếu cảm thấy không hài lòng với mức giá, người tiêu dùng có quyền từ chối mua, có điều đây là SGK, ai dám không mua cho con cái học hành? Hơn nữa, số lượng sách phải mua lại dường như nhiều hơn cần thiết.

Tôi là một người mẹ có con học tiểu học. Một đứa trẻ nặng hơn 20kg nhưng phải mang trên lưng cặp sách có cân nặng ước chừng bằng 1/4 cân nặng của cháu.

Ngay cả khi con được phép để lại bớt sách vở tham khảo ở trường, số lượng sách con phải mang đi mang về mỗi ngày cũng khiến người lớn như tôi cảm thấy quá nặng nề. Thế rồi phụ huynh như chúng tôi lại phải săn lùng những loại cặp sách, balo chống gù cho con với mong mỏi con lớn lên về trí lực nhưng bớt bị ảnh hưởng về thể lực.

Một năm học nữa lại sắp đến với biết bao lo lắng bộn bề của các vị phụ huynh, tiền ăn gia đình, tiền học của các con là gánh nặng lớn trong lúc kinh tế khó khăn này. Bởi vì bớt, giảm được bất cứ khoản nào dù nhỏ vào lúc này cũng chính là khoan sức dân, là kế sâu rễ bền gốc.

Liên quan đến SGK, chúng tôi mong rằng và có quyền đòi hỏi rằng những sai phạm trước đây sẽ được xử lý rốt ráo và không lặp lại.

Đó là trước hết là vấn đề quá tải và lãng phí SGK. Theo Kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo (thời kỳ thanh tra từ 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018), quá trình biên tập, thiết kế SGK, NXB Giáo dục chưa tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thiết kế, biên tập SGK để hạn chế việc học sinh viết vào SGK.

Từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019 có 73/193 cuốn SGK học sinh có thể viết vào sách đã được in, phát hành và bán được tổng số trên 303 triệu bản.

Trường hợp tính toán có 65% SGK có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội (tạm tính) trên 2.374 tỷ đồng.

Đọc kết luận thanh tra này, những gia đình nghèo đông con, lâu nay vẫn thắc mắc vì sao nhiều cuốn SGK của anh/chị không để lại cho em dùng được chắc hẳn đã có câu trả lời.

Ví dụ cụ thể về "lạm phát đầu sách" thể hiện ở môn toán lớp 1 có khoảng 18 đầu sách với nhiều tên gọi khác nhau… khiến phụ huynh không biết chọn sách tham khảo, sách bài tập nào cho con em mình. Nhiều gia đình mua gần 10 cuốn sách bài tập nhưng chỉ dùng 2 cuốn bài tập toán và bài tập tiếng Việt lớp 1. Còn rất nhiều cuốn bài tập khác như vở bài tập Tự nhiên và xã hội, vở bài tập Đạo đức, vở bài tập Hoạt động trải nghiệm, vở bài tập Âm nhạc... gần như không dùng tới. Tính trung bình, mỗi học sinh lớp 1 khi tới trường phải mang nặng từ 5-6kg sách.

Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, yêu cầu các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Mong rằng chỉ thị của Bộ trưởng sẽ được thực hiện nghiêm túc trong thực tế.

Vấn đề tiếp theo là kiểm soát các yếu tố hình thành giá SGK; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và chống độc quyền, thao túng giá đối với SGK.

Hồi tháng trước, Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) đã quy định giữ giá trần SGK. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, hiện nay, trong phương pháp tính giá SGK, các NXB cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.

Trước đó, trong kết luận thanh tra chuyên đề nêu trên của Thanh tra Chính phủ, cơ quan này cũng đã đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá SGK từ năm 2011 của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về: Giá giấy in SGK, tỷ lệ chiết khấu, phân bổ chi phí chung, cơ cấu chi phí và giá thành, định mức kinh tế kỹ thuật đang áp dụng để xác định giá SGK...

"Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý", cơ quan thanh tra nêu quan điểm.

Điểm qua những nội dung trên để thấy rằng đằng sau giá SGK là rất nhiều vấn đề cần làm rõ, cần kiểm soát chặt chẽ, và tâm tư của các vị phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở.

Nếu đứng ở góc độ vĩ mô, tăng giá SGK sẽ khó tránh ảnh hưởng ít nhiều đến mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Còn nếu xét trên góc độ của người dân, khi mà thu nhập trở nên khó khăn hơn do tăng trưởng kinh tế chậm lại, tăng giá sách SGK là một tin không mấy vui vẻ, đặc biệt với người lao động nghèo.

Nếu các NXB vẫn chỉ dựa vào việc tăng giá bán SGK nhằm kiếm tìm lợi nhuận, liệu đã đúng với tinh thần "Giáo dục là quốc sách" hay chưa?

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!